Friday 31 July 2009

Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn (4)

Cập nhật lúc: 7/28/2009 6:58:46 PM
Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn (4)

Đài Bắc chụp từ tháp Taipei 101: xa xa là sông Đạm Thủy và dãy núi bọc quanh thành phố

Từ Hán Thành qua Đài Bắc mất khoảng hai tiếng rưỡi bay. Chúng tôi tới phi trường quốc tế CKS (Chiang Kai-shek, tức Tưởng Giới Thạch) của Đài Loan vào khoảng 1 giờ rưỡi trưa. Mất khoảng 30 phút làm thủ tục di trú và một tiếng đi xe (van) là chúng tôi tới khách sạn Holiday Inn.

Nhờ nghỉ qua đêm ở Nam Hàn, chúng tôi tới Đài Loan mà cảm thấy như bay từ thành phố Melbourne lên Brisbane: rất thoải mái. Vì thế sau khi vừa cất vali vào phòng trọ, chúng tôi xuống phòng tiếp tân khách sạn, xin cái bản đồ thành phố Đài Bắc và hỏi đường tới tháp Taipei 101.

Ngày đầu tiên: tham quan tòa nhà cao nhất thế giới

Khách sạn có xe shuttle bus đưa đón miễn phí nhưng vì hụt một chuyến nên chúng tôi ra trạm xe bus trước mặt khách sạn để tập làm quen với việc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Đi xe bus số 912, tiền vé $15 Taiwan Dollars (khoảng 70 xu Úc). Khách sạn cách cao ốc Taipei 101 khoảng 5, 6 cây số đường chim bay, đi xe mất khoảng 10 phút.

Dừng chân ở Đài Loan 4 ngày trong đó có hẹn với ông anh họ sẽ đi thăm thú quận Đào Viên một ngày (nhưng sau đó mất gần hai ngày), chúng tôi phải tận dụng thời gian để có thể thăm viếng một số danh lam thắng cảnh của thủ đô Đài Bắc.

Không có người hướng dẫn, chẳng ghi danh đi tour với các đại lý du lịch ở thành phố hay với khách sạn, chúng tôi tự kiếm đường, mò mẫm và lúc nào cũng trong tư thế... “ngày đi không đủ tranh thủ đi về đêm”.

Xe chạy qua hầm núi ngăn cách khu Shankeng Shiang của khách sạn thuộc Quận Đài Bắc (Taipei County) và Thành phố Đài Bắc (Taipei City) và khi ra khỏi hầm là bạn đã vào thành phố.

Chừng vài phút sau, bạn có thể thấy tòa nhà chọc trời đã nhìn thấy đâu đó trên báo chí đang lừng lững trước mặt. Bạn có thể nhảy xuống một trạm gần đó hoặc muốn chắc ăn, cứ hỏi bừa bác tài xế hay bất cứ hành khách nào trong xe. Bảo đảm người ta sẽ hiểu ý bạn khi bạn chỉ vào tháp 101 Tower và cửa xe.

Người Đài Bắc bình thường không biết nhiều tiếng Anh hoặc chẳng biết gì cả. Vì thế phải dùng ngôn ngữ bằng tay. Thử tưởng tượng bạn là người ngoại quốc đến Quận Tân Bình ở Sài Gòn và hỏi người trên đường chỉ cách làm thế nào để tới Nhà Thờ Đức Bà.

Chuyến đi xe bus đầu tiên của chúng tôi diễn ra rất tốt đẹp, chỉ khi trở về chúng tôi bơ vơ một mình giữa rừng lúc đã quá 11 giờ đêm, mà chúng tôi sẽ kể sau.

Tôi bị chứng sợ cao khi mới bắt đầu lên ở chỗ cao, khi máy bay mới cất cánh nhưng lại thích ở nơi cao (lầu cao nhất khách sạn) và đến thành phố nào thì phải tham quan tòa nhà hay tháp cao nhất của thành phố đó. Nên bạn đọc sẽ không lấy làm lạ vì vừa đặt chân xuống Đài Loan là chúng tôi đi ngay tới tháp Taipei 101.

Không bao lâu nữa, có thể vào cuối năm nay, thành phố Dubai của tiểu vương quốc dầu hỏa United Arab Emirates (UAE) sẽ là nơi có tòa nhà cao nhất thế giới khi tháp Burj Dubai được hoàn tất. Tháp đã được khởi công vào năm 2004 ngay khi tháp Taipei 101 được chính thức công nhận là tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao 508 mét.

Tháp Burj Dubai với 162 tầng và cao 818 mét, sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới trong một thời gian dài vì không có nước nào (khùng và ngông) để tính chuyện phá kỷ lục, ngoại trừ công ty xây cất Nakheel đang dự trù trong 10 năm nữa sẽ xây xong một cái tháp cao 1,000 mét trên 200 tầng cũng tại thành phố Dubai để đánh bại tháp Burj Dubai. Lúc đó trên trái đất này vĩnh viễn không còn ai nghĩ tới việc xây một cái tháp khác cao hơn nữa?

Đó là chuyện của tương lai. Nhưng hôm nay người viết mời bạn cùng đi tham quan cái tháp hiện vẫn được xem cao nhất thế giới: Taipei 101 như được biết trên thế giới, hay 101 Tower danh xưng được gọi tại Đài Loan. Vé vào cửa để lên lầu vọng cảnh : $400 Đài kim (khoảng $19 Úc kim).

Tầng cấp đi bộ ở tầng 90 để lên tầng 91, là tầng ra bên ngoài trời thở không khí ở độ cao gần 400 mét

Được gọi là Taipei 101 hay 101 Tower bởi vì đây là tòa nhà có 101 tầng (101 tầng nổi trên mặt đất và 5 tầng hầm) và nằm ở mã số bưu điện 101 thuộc quận Xinyi, thành phố Taipei.

Taipei 101 là một kiến trúc tân thời nhưng đượm nét Á Châu được vẽ kiểu bởi kiến trúc sư người Hoa C.Y. Lee. Xây từ năm 1999 và hoàn tất năm 2004, đây là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến ngày chúng tôi đến tham quan.

Chiều cao chính thức được ghi tại lầu vọng cảnh Taipei 101 là 508m nhưng có những tài liệu khác ghi là 509.2m. Đây là cái tháp đầu tiên vượt quá chiều cao nửa cây số!

Kiến trúc được xem là cái mốc (landmark) của Đài Bắc, đạt 3 danh hiệu số 1 thế giới vào năm 2004:

- Cao ốc cao nhất với 508m

- Mái nhà cao nhất với 448m

- Nơi có thể ở được cao nhất với 438m.

Tháp có hai thang máy với tốc độ nhanh nhất thế giới: 16.83m/giây.

Super Big Wind Damper trên tháp Taipei 101

Một trong những nét đặc biệt khác của tháp này là ở trên tháp có đặt một cái a-mọt-tít-xơ (tuned mass damper, con lắc, bộ phận giảm xốc, chống rung) lớn nhất thế giới có đường kính 5.5m và nặng 660 tấn. Cái khối sắt màu vàng trông như quả lắc là cái wind damper duy nhất để lộ ra ngoài để du khách có thể đi chung quanh mà ngắm.

Tháp Taipei có đồng hồ đếm ngược (countdown clock) lớn nhất thế giới được dùng vào dịp đón giao thừa, là nơi đốt pháo bông đẹp tuyệt vời nhờ hình dáng thân tháp giống như các chậu hoa chồng lên nhau hay như thân tre, tùy sự tưởng tượng của bạn.

Taipei 101 còn được xem như là một đồng hồ mặt trời (sundial) cao nhất thế giới.

Nói về chiều cao, theo các dữ kiện được trình bày trên lầu vọng cảnh Taipei 101 mà tôi thấy và ghi lại sau đây thì ngoài tháp Taipei 101, các tòa nhà cao nhất trong TOP 10 gồm:

2 – Shanghai World Financial Center, ở Thượng Hải, Trung Hoa. 101 tầng, cao 492m, xây xong năm 2008.

3 – Petronas Twin Towers ở Kuala Lumpur, Mã Lai. 88 tầng, cao 452m, xây xong năm 1998.

4 – Sears Tower ở Chicago, Hoa Kỳ. 110 tầng, cao 442m, xây xong năm 1974.

5 – Jin Mao Building ở Thượng Hải, Trung Hoa. 88 tầng, cao 421m, xây xong năm 1999.

6 – Two International Finance Centre (Two IFC) ở Hồng Kông. 88 tầng, cao 415m, xây

xong năm 2003.

7 – CITIC Plaza ở Quảng Châu, Trung Hoa. 80 tầng, cao 391m, xây xong năm 1997.

8 – Shun Hing Square ở Thẩm Quyến, Trung Hoa. 68 tầng, cao 384m, xây xong năm 1996.

9 – Empire State Building ở Nữu Ước, Hoa Kỳ. 102 tầng, cao 381m, xây xong năm 1931.

10 – Central Plaza ở Hồng Kông. 78 tầng, cao 374m, xây xong năm 1992.

Cũng nên biết rằng tòa nhà cao nhất ở Úc và nam bán cầu là Eureka Tower ở Melbourne có 91 tầng, cao 300m xây xong năm 2006 được xem là tòa nhà dành cho cư dân ở (residential) cao nhất thế giới.

Tuy nhiên sau đó tòa nhà Q1 ở Gold Coast được phong (và tự phong) là tòa nhà cư dân cao nhất thế giới dù chỉ có 78 tầng, mái cao 275 mét, nhưng nhờ có gắn cột ăng-ten nên cao đến 323m. Chủ nhân của Eureka Tower dự tính sẽ gắn thêm cái tháp viễn thông 50m để qua mặt Q1, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Chuyện dành nhau cái danh hiệu cao thấp thường gây nhiều tranh cãi, vì có người tính chiều cao theo tầng lầu trú ngụ, căn cứ vào mái nhà hay tính luôn chiều cao ngọn tháp (spire).

Mặt tiền tháp Taipei 101 với những dấu hiệu Ruyi (như ý) ở giữa và trên góc phải bức hình

Tháp Taipei 101 được xây với kỹ thuật hiện đại để có thể chịu đựng bão tố và động đất thường xảy ra ở Đài Bắc. Anh họ của tôi ở Đài Bắc cho hay khi đang xây tháp, có xảy ra một trận động đất làm cần cẩu rơi xuống đất khiến một người thiệt mạng. Thế cũng là may mắn lắm đấy.

Taipei 101 được thiết kế dựa theo phong thủy, từ vị trí giữa trung tâm của thành phố cho đến việc chọn màu, số tầng (101 mang ý nghĩa toán học, thời gian...). Trong phức hợp này có nhiều biểu tượng mang số 8, con số được người Hoa xem là may mắn.

Những dấu hiệu Ruyi (như ý) trước cửa vào tháp hay ở những nơi khác trong cao ốc đều có chiều cao 8 mét. Thân tháp giống hình thân cây tre mà khoảng cách giữa các đốt tre là 8 tầng lầu. Tất cả kiến trúc là sự hài hòa giữa trời và đất dựa tối đa vào phong thủy.

Lầu vọng cảnh ở tầng 89. Có máy audio bằng một số ngôn ngữ như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Trung Hoa để giới thiệu khách về những khu vực thành phố nằm dưới chân khi khách đi chung quanh tháp quan sát.

Có nơi chụp hình kỷ niệm với kỹ thuật digital tạo những bức hình khách và bạn bè người thân đang trèo hay bay quanh cái tháp cao nhất thế giới này. Muốn ra bên ngoài xem để thở không khí cách mặt đất trên 400m, bạn đi bộ lên tầng 91. Trở về để lấy thang máy đi xuống, bạn sẽ đi qua tầng lầu bán đồ lưu niệm, triển lãm những sản phẩm tiểu công nghệ độc đáo của Đài Loan và Trung Hoa.

Người viết đã có dịp đứng trên tháp Taipei 101 quan sát cả tiếng đồng hồ thành phố dưới chân; đi xe trên một số đại lộ, xa lộ ngoại biên thành phố quan sát cái tháp nổi trội giữa thành phố.

Lại còn đứng trước mặt tiền Dinh Tổng Thống, nhìn đại lộ chạy ngút ngàn giữa lòng thành phố và khuất cuối đường chân trời nơi có tháp Taipei 101 trấn giữ, cách Dinh Tổng Thống chừng 5 cây số đường chim bay.

Taipei 101 là một phức hợp lớn, chiếm cả một khu phố (block). Những tầng dưới dành cho các cửa hàng bách hóa, các tiệm ăn; các lầu cao là các văn phòng công ty. Về đêm, sinh hoạt ở tầng trệt, các hành lang, các mall, đường đi dạo rực ánh đèn màu như ngày hội, lễ giáng sinh với những quán cà phê, quán nhạc, trò chơi, biểu diễn lộ thiên thật vui nhộn.

Đài Bắc chỉ 4 đêm nhưng nhờ lên tháp Taipei 101 để quan sát, tôi có một ý niệm về thành phố này, nhờ đó mà có thể dành ưu tiên cho những nơi nào cần đi xem.

Một khu vực ăn uống trên các tầng lầu của Taipei 101

Lạc giữa rừng khuya

Nhìn vào bản đồ thành phố Đài Bắc, và tính theo quãng đường xe điện (ở Đài Bắc gọi xe điện là MRT) bạn có thể thấy rằng thành phố có chiều dọc dài chừng 20 cây số và chiều ngang chừng 15 cây số. Nhưng trung tâm thành phố (downtown hay CBD) thì có thể nói rằng mỗi bề dài chừng 6, 7 cây số.

Trong thành phố có 2 đường xe điện chính.

- Bắc-Nam: từ Danshui xuống Xindian. Tại đây, có đường metro ngắn nối vào, đi từ Guting (đại học Taiwan Normal University) xuống trạm Nanshijiao (Xingnan Night Market)

- Đông sang Tây: từ Nangang qua Yongning. Tại đây có một đường xe điện cắt ngang, đi từ nam lên bắc, tức từ sở thú Taipei Zoo nối vào đường xe điện đông tây ở trạm Zhongxiao Fuxing, rồi chạy lên phía bắc ngừng ở trạm Zhongshan Junior High School. Khách sạn Holiday Inn chúng tôi trú ngụ cách Sở thú Taipei hơn 1 cây số.

Chúng tôi chỉ lên phố ba lần và cả ba lần đều dùng xe bus vì không muốn mất thì giờ đi xe bus tới trạm xe điện Taipei Zoo để lấy xe điện lên phố. Trừ phi từ phố mà muốn đi sở thú, dùng xe metro là tiện nhất.

Có thể nói đường xe điện từ đông sang tây nằm trên những khu phố chính của Đài Loan. Gần tháp Taipei 101 ở phía bắc là trạm xe điện Taipei City Hall (Trạm xe lửa Thành phố Taipei). Từ đây đi lần qua phía tây, bạn sẽ gặp các trạm xe điện S.Y.S. Memorial Hall (tức Đài tưởng niệm Tôn Dật Tiên), trạm Zhongxiao Dunhua, Zhongxiao Fuxing, Zhongxiao Xinsheng, Shandao Temple, và trạm Taipei Main Station (trạm xe lửa/xe điện trung ương Đài Bắc).

Đi thêm một trạm xe nữa về phía nam, bạn sẽ gặp trạm Ximen một khu phố sầm uất gần Dinh Tổng Thống. Thêm một trạm nữa bạn sẽ đến trạm Longshan Temple là nơi có đền Longshan, một đền mà khách tứ phương tới khấn vái, xin xâm tấp nập cả trong ngày thường như Lăng Ông (Lê Văn Duyệt) ở Gia Định.

Từ trạm Ximen hoặc trạm Longshen Temple, bạn có thể đi bộ gần một cây số là ra bờ sông Đạm Thủy (Danshui River) của thành phố.

Nếu bạn mướn khách sạn trên khoảng đường từ trạm xe điện Taipei City Hall tới Taipei Main Station, bạn đang ở ngay giữa lòng thành phố đấy.

Tên đường trong thành phố Đài Bắc dĩ nhiên là tên bằng tiếng Tàu, được viết bằng chữ La-tinh như tên các trạm xe điện vừa nói. Nhưng bên cạnh tên tiếng Tàu, các con đường còn được đặt tên với những con số giống như đường sá ở New York, Hoa Kỳ.

Những con đường nằm dọc được gọi là Avenue như 4th Avenue, 5th Avenue và những con đường nằm ngang được gọi là Boulevard như 2nd Blvd, 3rd Blvd... Thú thật với bạn, ở trong thành phố Taipei này chưa tới hai ba ngày, tôi chưa nắm vững đường xá cho lắm.

Thế mà ngày đầu tiên, sau khi tham quan tháp Taipei 101, ăn tối trong khu vực này và làm một lon bia, chúng tôi đón xe bus 912 để trở về khách sạn.

Tháp Taipei 101 về đêm: tác giả Nguyễn Hồng Anh đợi xe bus về khách sạn... để lạc đường giữa rừng khuya

Trước trạm gần Tháp Taipei 101, các xe bus liên tục ghé vào nhưng đợi xe bus số 912 cũng phải trên nửa tiếng. Chúng tôi không dùng xe taxi mặc dù nghe nói chỉ tốn khoảng từ $200 đến $250 Đài kim để về khách sạn. ngoài chuyện tiết kiệm, dùng phương tiện công cộng sẽ giúp cho chúng tôi hiểu biết nơi chúng tôi tham quan hơn, nhất là sẽ gặp những cảnh bất ngờ khi tìm đường.

Khi lên xe bus, thấy không còn chỗ trống nên chúng tôi ngồi ở ghế sau cùng. Vì ngồi trên ghế cao và cuối xe nên hơi khó trong việc nhận diện đường xá. Chúng tôi nhớ rằng khi xe chạy qua khỏi đường hầm thì sẽ đến vùng của khách sạn. Nhưng do ngồi chỗ khuất và trời ban tối, lại là ngày đầu tiên ở Đài Bắc nên xe qua hầm hồi nào mà chúng tôi không biết.

Hồi chiều, từ khách sạn lên phố chỉ mất 10 phút. Nay đã hơn 10 phút rồi mà chúng tôi vẫn chưa thấy xe vào hầm hay ra khỏi hầm! Xe chạy rồi xe dừng. Thấy hành khách đã thưa dần, chúng tôi kiến chỗ thấp để ngồi, rồi tới gần ông tài xế để quan sát.

Xe chạy đã hơn nửa tiếng, càng về lâu đường càng vắng, như đang chạy sâu vào trong rừng. Hai bên không còn ánh đèn đường nữa. Trên xe chỉ còn hai vợ chồng chúng tôi.

Đến một chỗ khá hẻo lánh mà chúng tôi nghĩ là trạm cuối, tài xế dừng xe bảo chúng tôi xuống. Ông ta nói tiếng Tàu, tôi vừa nói tiếng Anh vừa làm dấu hiệu, giải thích chúng tôi muốn ngồi trên đợi xe chạy ngược lại chỗ cũ. Nhưng bác tài bảo chúng tôi bỏ tiền vào thùng đựng tiền và yêu cầu chúng tôi xuống xe. Bác không cho tôi giải thích hay hỏi han gì thêm vì ngôn ngữ bất đồng. Rồi bác tài lái xe chạy mất hút trong đêm tối.

Tôi từng đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa bao giờ bối rối và hơi lo như lần này vì trời đã khuya. Làm sao trở về khách sạn đây khi những người chung quanh đây không nói tiếng Anh?

Có vài chiếc xe đậu trên đường trong đó có chiếc xe taxi nhưng chẳng có người. Thấy có một tiệm tạp hóa còn để đèn (trông có vẻ giống 7-Eleven) có cặp thanh niên nam nữ trẻ đang đứng bán hay sắp đóng cửa vì tiệm không có khách, chúng tôi chạy vào hỏi và cho họ biết chúng tôi là du khách lạc đường. Tôi lấy địa chỉ và tên khách sạn cho họ xem, nhờ họ kêu taxi giúp.

May thay hai người này nói được chút tiếng Anh. Đại khái chúng tôi hiểu rằng cứ ra trạm xe đợi xe bus số 660 vì xe 912 không còn chạy lúc này nữa.

Chúng tôi không biết xe 660 có chạy tới khách sạn Holiday Inn không nhưng đi đâu cũng được, miễn ra khỏi khu vực hoang vắng như trong rừng sâu không đèn điện này.

Chừng vài phút sau xe bus 660 sà tới, chúng tôi nhảy lên xe, cầm tờ giấy có hình và tên khách sạn nói với bác tài xế chúng tôi muốn tới đó nhưng bác tài lắc đầu vì không hiểu. Một bà hành khách ngồi cạnh nói gì đó với bác tài rồi bảo tôi đưa tờ giấy cho bà. Bà đọc tên khách sạn bằng tiếng Anh rồi chỉ vào người bà, tôi hiểu đại ý bà cũng sẽ tới khu vực đó. Và quả đúng như vậy.

Chúng tôi bị một phen hú vía vì tai nạn đi lộn đường trong ngày đầu tiên ở xứ lạ. Những ngày sau, khi đi chơi về đêm bằng phương tiện công cộng, chúng tôi không còn dám đi xa thành phố và thận trọng trong việc quan sát đường sá hai bên, bởi vì khách sạn Holiday Inn nằm ở ngoại ô, thuộc khu rừng núi, ban ngày rất đẹp nhưng ban đêm thật khó tìm đường (còn tiếp).

(TVTS 1210 – 3.6.2009)

Tác giả: Nguyễn Hồng Anh
source
TiVi Tuan San

Thursday 30 July 2009

IM LẶNG!


Im Lặng
VietCatholic News (29 Jul 2009 22:36)
IM LẶNG!

Có những im lặng đến từ con tim nhân ái
Chứa khổ đau người để đơm trái từ tâm
Như nụ hoa khuya lặng lẽ âm thầm
Trong khắc khoải nở dâng ngày mai sớm

Có những im lặng để nuôi tình thêm lớn
Giữa nộ cuồng của thế giới âm thanh
Rồi một mai im lặng hóa thân thành
Một điệp khúc trữ tình cho nhân loại

***
Có những im lặng để nghe Thượng Đế thầm thì:
“Bình an. Và nghĩa sống là cho đi
Yêu thương anh em là điều cần thiết
Sống chết vì anh em. ĐỪNG SỢ! Sẽ phải nói gì!”

Đừng sợ kẻ chỉ có thể bắt bớ, giam cầm, hay chém giết xác thân thôi
Mà hãy sợ Đấng có toàn quyền trên LINH HỒN và THÂN XÁC mỗi con người
"
Ngươi nếu đang đong bằng đấu nào với đồng loại
Thì chính là điều sẽ được xét xử cho ngươi.”


***
Có những im lặng như Phi-la-tô sợ hãi
Rửa tay! giữa tàn bạo con người
Mặc cho máu của con người vô tội
Đổ thay giùm cho quyền thế trên ngai!


Có những im lặng như loài đà điểu
Vùi đầu xuống cát, chân run không chạy
Để khỏi phải thấy, khỏi phải tự hiểu
Vì sao? chỉ biết cách trốn này?!

Có những im lặng ngầm thỏa hiệp cùng dối trá
Mong được an thân hay được chút vinh hoa
Người ta tưởng im lặng như loài đất đá
Không! đất đá khi lên tiếng sẽ vỡ ra!


Có những im lặng nằm chờ thời
Nhắm mắt trước đau khổ con người
Càng trí thức thì càng đáng tội
Càng uy quyền càng hèn nhát trên ngôi!

Có những im lặng như lòng đường phố xá
Đêm về khuya xe cộ chẳng còn qua
Nằm thương giùm đôi hàng cây lá
Quên mất chính mình chở bao nỗi gần xa!

Có những im lặng tràn con tim phẩn uất
Trong thương đau chẳng nói nên lời
Bằng hữu, gia đình, anh em, đất nước…
Tất cả hình như đang bỏ rơi!

Có những im lặng như con thú cùng đường
Bị đuổi dồn giữa bầy lũ bất lương
Nỗi sợ sệt đã hóa thành sức mạnh
Phút tàn hơi cào cấu đến thê lương!

Có những ánh mắt, có những nụ cười im lặng
Có những con tim khô cạn đến bất nhân
Có những lặng câm mà khi đứng thật gần
Ta mới hiểu giữa gian trần tại sao chỉ con người mới đáng sợ!

Vì duy nhất chỉ con người mới có
Dùng bạo tàn ác thỏa, chẳng phải vì đói no
Có những thú phải giết vì nuôi chính nó
Nhưng cũng có loài chim tự rỉa thịt mình để cho

Sự dữ sinh ra bởi tại lòng người
Kiêu ngạo, gian tham, thủ đoạn, giả dối
Và nó được nuôi dai dẳng bằng im lặng bóng tối
Của an thân, ích kỷ, câm nín với khổ đau đồng loại!


Im lặng cũng có những nhân danh
Tự phủ lên mình hào quang của im lặng nhân lành
Ôi bác ái, mi làm sao mà đến được
Giữa những nhân danh đánh mất tiếng công bình?
lykhách
---------------------------------------------------------
source
VietCatholic News

Wednesday 29 July 2009

Nhạc Sĩ Huỳnh Anh

Nhạc Sĩ Huỳnh Anh

Là một nhạc sĩ, tác giả của những ca khúc được nhiều người biết đến như Mưa Rừng, Kiếp Cầm Ca, Rừng Lá Thay Chưa.



Tên thật : Huỳnh Anh
Ngày sinh: 1932 tại Cần Thơ
Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, nhạc công
Thể loại Tình khúc 1954-1975
Tác phẩm nổi tiếng: Mưa rừng, Kiếp cầm ca



Nhạc sĩ Huỳnh Anh sinh năm 1932 ở Cần Thơ. Cha ông là nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nhạc cải lương miền Nam. Năm 1947 Huỳnh Anh chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò một tay trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Từ đó cho tới năm 1957, ông là nhạc công cho những đoàn cải lương, các phòng trà ca nhạc với các ban nhạc Phi Luật Tân. Huỳnh Anh chơi được nhiều nhạc cụ, từ guitar, piano cho tới kèn, percussion. Từ những năm 1950, Huỳnh Anh là một tay trống lừng lẫy của các vũ trường. Năm 1957 ông trở thành trưởng ban nhạc và trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường của Sài Gòn cho tới 1975.
Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 bài. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là Em gắng chờ, ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo đến những ca khúc khác được nhiều người biết tới như Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca và Mưa rừng sáng tác cho vở cải lương cùng tên. Theo lời của Huỳnh Anh, ca khúc Kiếp cầm ca ông sáng tác tặng nghệ sĩ Thanh Nga. Huỳnh Anh còn có một nhạc phẩm Thuở đó có em nổi tiếng qua tiếng hát của Sĩ Phú.
Ông cũng sáng tác một vài ca khúc cho các phim điện ảnh. Như ca khúc Loan Mắt Nhung cho bộ phim cùng tên năm 1970 có sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga và Sa mạc tuổi trẻ trong phim Điệu ru nước mắt.
Huỳnh Anh rời Việt Nam cuối tháng 4 năm 1975 và định cư tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ.


"Tác Phẩm"
* Biết Nói Gì Đây
* Đời Tôi Chỉ Một Người
* Em Gắng Chờ
* Gió Núi Mưa Rừng
* Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím
* Khung Trời Tưởng Nhớ
* Kiếp Cầm Ca
* Lá Úa Chiều Thu
* Lạnh Trọn Đêm Mưa
* Loan Mắt Nhung
* Mưa Rừng
* Mừng Nắng Xuân Về
* Nếu Anh Về Bên Em
* Nếu Ta Đừng Quen Nhau
* Rừng Lá Thay Chưa
* Thành Phố Sương Mù
* Thuở Ấy Có Em
* Tiếng Ru Ngàn Đời
* Tìm Đâu Phút Ban Đầu
---------------------
source
http://vn.myblog.yahoo.com/phuctrinh80/index?&page=3

Sài Gòn trong tui

Sài Gòn trong tui

Cuối tuần, tranh thủ khỏang thời gian hiếm hoi để thanh tóan nốt những thứ mà trong tuần muốn làm mà mãi không làm được ---> chuyện này chỉ mới nằm ở kế họach thôi vì chưa kịp làm thì tui đã bị con bạn kéo ra khỏi nhà với lý do đi xem ca nhạc với nó rồi! :o:

Buổi ca nhạc đó là cuộc thi tiếng hát dành cho các giáo viên dạy anh ngữ của các trường, vì là vòng chung kết nên "Ca sĩ" nào hát cũng hay cả, làm tui nghe mà cứ tưởng như các "sao" đang biễu diễn không đó, thầy cô giáo bi giờ đa tài thật không những dạy hay mà còn chứng tỏ cho lũ trò thấy rằng "thầy của con" chẳng những có tài "hét" mà còn có thêm tài "hót" hay nữa đó :D

Trong buổi biểu diễn có rất nhiều bài hát rất hay, nhưng tui chỉ đặc biệt thích nghe nhất là bài "Sài Gòn" - một bài hát mà lúc nhỏ tui hay hát, đã lâu rồi tui mới nghe lại bài nì, hay thật, lòng tui tự nhiên có một cảm xúc thật lạ, tự nhiên tui thấy yêu Sài Gòn quá, tui yêu cái nơi mà tui đã sinh ra và lớn lên này! :smile:



Lúc nhỏ tui thường được nghe bài hát này qua chiếc ra - đi - ô cũ kỹ của ba, nó cứ kêu rè rè, nghe ca sĩ hát thì ít mà hình như nghe chiếc máy nó bè theo thì nhiều, ấy thế mà tui vẫn khóai nghe vì tui thích nghe bài hát này :smile:
"Sài gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi" lúc nhỏ tui chỉ thuộc mỗi câu này nên cứ "lãi nhãi" suốt ngày một câu ấy, giờ đây thì tui đã thuộc hết nguyên bài rồi nên có thể tự tin đứng trước gương hót một cách "hăng say" mà không cần phải cầm giấy nữa :happy:

Viết một chút cảm nhận của tui về SG hen! Tui thích cái ồn ào náo nhiệt của SG, hình như SG ngày cũng như đêm lúc nào chạy ra đường cũng thấy náo nhiệt và sầm uất! Sống ở một thành phố náo nhiệt riết rồi quen nên cứ mỗi lần đi đến nơi khác tui lại có cảm giác nhớ về SG, nhớ cái ồn ào mọi lúc mọi nơi đang diễn ra nơi này!
Tui thích cái thú cưỡi con ngựa sắt chạy vòng khắp nơi, chỉ để ngắm đường phố hay chỉ là để được cuốn theo cái chộn rộn cái hối hả của người đi đường ---> nhiều lúc tui thấy mình "nghệ sĩ" quá đi mất, tự nhiên xách xe chạy vòng vòng cho hao xăng chơi vậy đó! :D

Nhắc đến SG thì không thể thiếu cái thú thứ 2 của tui được đó là các "quán cóc" bên đường (gọi theo ngôn từ của người Hà Nội) Đi đâu cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những hàng quán nho nhỏ dựng tạm ven đường, chổ ngồi không có, vệ sinh không được đảm bảo nhưng tui thấy tất cả những nơi ấy đều đông người, hình như các thực khách rất dễ chịu, chỉ cần ngon là đủ, người ngồi kẻ đứng thi nhau "xơi" ---> những hình ảnh rất đổi quen thuộc với tui nhưng khi nhắc đến tui lại có cảm giác rất thích thú! :smile:

Sài Gòn không phân chia 4 mùa rõ rệt như Hà Hội, SG không có những cơn mưa phùn bay đầu xuân, Sài Gòn không có cái ẩm ướt đến khó chịu của mùa hè oi bức, Sài Gòn không có ngọn gió heo may se se lạnh vào mùa thu và cũng không có cái lạnh cắt thịt da của mùa đông rét mướt. Sài Gòn chỉ có 2 mùa nắng mưa thôi! Người ta hay ví von Sài Gòn cũng như con gái vậy đó, thật thất thường, đang nắng oi ả bỗng trời đổ mưa như trút nước, hết mưa thì lại nắng như muốn nướng chín da người! :D

Tui yêu Sài Gòn của tui, yêu những con đường với hai hàng cây mát rượi, yêu những mùa nắng và cả những cơn mưa thất thường nữa! Tui yêu cả tiếng nói của con người nơi này - một thứ giọng không nặng nặng như người miền trung và cũng không thanh như người Hà Nội, mà nói với cái kiểu sảng khoái của dân Nam bộ... Đi đâu xa cũng muốn được quay về "Sài Thành" để lại được hòa mình vào cái nhịp sống ấy - một nhịp sống của một thành phố dường như chưa bao giờ nghỉ ngơi! :happy:






Sài Gòn
Sáng tác: Y Vân

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai,
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Saigon đẹp lắm, Saigon ơi ! Saigon ơi !

Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau
Người ra thăm bến câu chào nói lao xao
Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !

Lá la la lá la
Lá la la lá la
Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa.

Lá la la lá la
Lá la la lá la
Ôi đời đẹp quá, tràn bao ý thơ.

Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca
Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa.
Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !
---------------------------------------------
source
http://my.opera.com/Pham%20Uyen/blog/show.dml/2189661

Sunday 26 July 2009

“Nếu không gìn giữ vẻ đẹp quá khứ, sẽ chẳng có gì ở tương lai”

Ngày 14.06.2009 Giờ 16:58

Cao Lập, giám đốc resort Hồ Tràm

“Nếu không gìn giữ vẻ đẹp quá khứ, sẽ chẳng có gì ở tương lai”

SGTT - Mỗi lần trò chuyện cùng ông, tôi đều có cảm giác bị hút về một không gian trong lành, thảnh thơi, mộc mạc. Trong ông luôn có rất nhiều công việc đang làm, những cái đẹp đang hiện hình, những ý tưởng đang nung nấu: Từ một nơi chốn trong lành để hít thở và thưởng thức những món ăn ngon và lành của Bình Quới, Văn Thánh, một thiên nhiên hoang dã bình an để hồi sinh như resort Hồ Tràm, những đêm nhạc Trịnh thấm đẫm lòng biết ơn, một đường hoa mỗi dịp xuân về để trở lại với những vẻ đẹp đã mất… và bây giờ là Nhà Bè xưa, một bảo tàng “sống” về văn hoá Nam bộ, nơi hội tụ của những dòng sông và hồn người…

Sau một thời gian yên ắng, cứ tưởng ông sẽ… “chậm dần rồi tắt”, vậy mà thật bất ngờ khi thấy ông hết suy nghĩ chuyện làm resort, festival biển… rồi đạo diễn đêm nhạc Trịnh tại Bình Quới… Tại sao nghỉ hưu rồi mà ông còn “sung” thế?

Đối với tôi, làm việc là để được chơi, được sống phong phú hơn, được nghỉ ngơi. Trong đầu tôi luôn có ba, bốn dự án cùng triển khai, và tôi phân thời gian ra để làm. Công việc giúp tôi có niềm vui, có tiền để sống.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tôi yêu quý nhất anh là sự nhiệt tình, dấn thân hết mình, có tình có nghĩa trong cả công việc và cuộc sống. Nếu phải góp ý ư? Chậm chậm một chút nữa. “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” mà!

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức

Có thể gọi không ngần ngại rằng anh là một nhà văn hóa du lịch, một người làm du lịch có văn hoá cao

Nhà thơ Nguyễn Duy

Chưa bao giờ thấy anh ủ rũ, cả trong những lúc bệnh tình nguy kịch nhất. Luôn hồn nhiên, lạc quan, cởi mở, chân thành, anh cuốn hút bạn bè bởi năng lượng sống mãnh liệt

Điều gì tương thông giữa các lựa chọn của ông, để tạo ra một “đồng quê Cao Lập”?

May mắn là tôi làm việc gì cũng đam mê, chỉ khi đam mê mới phả được sự cuốn hút cho những người khác. Làm việc này cần lắm khả năng tập hợp sức mạnh của mọi nguồn, từ những người thợ lành nghề đến những bậc nhân sĩ, trí thức, giới văn nghệ sĩ, các nghệ nhân. Cùng làm việc, trao đổi, lắng nghe nhau, để cùng lớn lên, đó cũng là một cách sống. Tất cả đến với tôi chỉ là tình cờ, nhưng may mắn đó là những tình cờ thuộc về mình, ở trong mình, cuốn tôi đi từ cái này sang cái khác một cách tự nhiên. Và tôi đang có một tình cờ khác, nếu làm được thì đó là một tình cờ tuyệt đẹp.

Phải chăng là dự án Nhà Bè xưa trong khu rừng ven sông thuộc xã Phú Xuân? Từng được gọi là “tư lệnh ven sông”, dường như ông rất nhạy cảm với khu rừng ven sông…?

(Cười hạnh phúc) Đây là chỗ đẹp nhất để có thể làm một khu bảo tồn văn hoá Nam bộ... Phục dựng Nhà Bè xưa là phục dựng sự pha trộn văn hoá các cộng đồng dân tộc sống nơi đây để phù hợp với môi trường thiên nhiên qua từng thời kỳ lịch sử. Với dải đất 28 hecta rừng phòng hộ, tôi muốn giữ lại toàn bộ không gian xanh ấy để kiến tạo thành những cộng đồng dân cư khác nhau, mà ở đó, người ta được sống, được làm việc, được ăn ở, đi lại… như ngày xưa: những làng chài với những người dân sống bằng nghề chài lưới, những làng nghề thủ công với những sản vật thô mộc bán được cho du khách, khôi phục lại nghề vẽ tranh trên kiếng, nghề dệt lụa, dệt chiếu, làm bánh tráng, nấu đường… những lò rèn xưa, những nông ngư cụ của đời sống dân dã… chứ không phải là những mô hình bằng sáp, chán lắm.

Một “bảo tàng sống” như thế có khó không?

Nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Tôi yêu miếng ngon miền Nam là vì nó lạ - lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được - và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người miền Nam. Ăn cháo cóc, nhậu đuông chiên, nhắm món dơi xào lăn với bánh mì, ăn ve con lăn bột, nhắm nấm tràm… rồi tráng miệng bằng một ly chè rùa hay một chén mủ trôm… thoạt nghe, mấy mà du khách không phải cho là “lạ hoắc”, “kỳ cục”, hay “ớn quá”! Nhưng có thưởng thức đủ cả những món lạ của miền Nam mới nhận thức được đất của miền Nam nước Việt phong phú biết chừng nào, người của miền Nam nước Việt hồn nhiên biết chừng nào, và miếng lạ của miền Nam nước Việt lạ biết chừng nào”. Làm thế nào để người dân có thể sống được bằng những sản vật thô mộc ngày xưa quả là một bài toán với người làm bảo tồn. Khách du lịch phải trả một giá cao để mặc áo lụa xưa, đi trên những chiếc xe thổ mộ đầu thế kỷ, chơi những trò chơi dân gian, sống lại cảm giác xưa và ăn những món ăn lạ… Tiền thu được sẽ nuôi tất cả những hoạt động của làng nghề. Nếu được giao quản lý dự án này, tôi tin khu dịch vụ sẽ đủ sức “nuôi” bảo tàng. Đó cũng là việc có ích nhất cho tuổi già ham “bày những cuộc vui” của tôi.

Những khúc quanh nào của cuộc đời làm thay đổi số phận ông?

Đời tôi dài lắm. Chuyện theo cách mạng là bước ngoặt lớn nhất, nó bộc lộ thái độ sống mà tôi có thể chọn lựa ngay từ thời trai trẻ. Sau khi ra tù, tôi hoạt động phong trào thanh niên, làm tuyên huấn, rồi chuyển sang kinh doanh văn hoá, kinh doanh xuất nhập khẩu, làm du lịch… tôi luôn tập để yêu thích công việc của mình. Chính nhờ thế tôi thấy cuộc sống không uổng phí. Bước ngoặt quan trọng thứ hai là đến với Bình Quới. Nếu không có Bình Quới thì khó có những cái sau này.

Nguồn năng lượng nào đã giúp ông biến Hội quán Hội Ngộ thành một “thánh địa” cho những người yêu nhạc Trịnh, với những đêm nhạc đều đặn hàng năm thu hút đông đảo người xem, trong điều kiện kinh phí khó khăn và đời sống âm nhạc đang xuống dốc hiện nay?

Hồi xưa, tôi theo cách mạng chính là nhờ nhạc Trịnh Công Sơn. Những ca khúc Da vàng của anh đã đánh thức lòng tự trọng dân tộc, cảm nhận rõ đất nước đang bị xâm lược, thôi thúc tôi bước vào con đường tranh đấu. Tôi cũng chịu ơn anh về những bản tình ca…Chính anh Sơn là người đã đến đây chọn đám cây ven sông thơ mộng này, và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đã thiết kế nó theo sự gợi mở của anh Sơn. Anh mất đi, nhưng Hội quán Hội Ngộ đã trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm của bạn bè và người hâm mộ Trịnh Công Sơn, một địa điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của công chúng… Những cuộc chơi mộc mạc, đơn sơ, ấm áp tình người.

Khi Bình Quới và Văn Thánh đang trong thời kỳ khởi sắc, ông lại quyết định nghỉ hưu sớm một năm. Ông không tiếc danh thơm, tiền bạc mà mình đã mất bao công sức để gầy dựng sao?

Lúc ấy tôi phát hiện mình mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, dù đang rất sung sức, nhưng chưa bao giờ tôi thấm thía như vậy về ý nghĩa của sự sống. Hơi thở mà mình còn không biết có giữ được không, nói gì đến ba cái thứ phù phiếm đó. Lúc ấy, tôi xác định đi là đi thôi, chẳng nuối tiếc điều gì, nên thấy bình thản lắm. Qua đau buồn, lắng lại, thấy yêu cuộc sống nhiều hơn, biết phải làm gì để sống vui vẻ hết thời gian mà mình đang sống.

… Và ông lại biến resort Hồ Tràm có hồn trở lại?

Vậy ư? Tôi rất mừng khi bạn nói thế. Thực ra tôi nhận lời chính là vì Tú, chủ nhân của Hồ Tràm, người bạn từ thời trai trẻ cùng bị tù chung với tôi ở Côn Đảo. Tú là người đã giúp tôi kinh phí để chữa bệnh.

Theo ông, cái thiếu nhất của đời sống con người hiện nay là gì, kể cả trong thưởng thức cuộc sống?

Những con số tăng trưởng kinh tế ào ạt đang xô đẩy những giá trị nhân văn. Chính Nhà nước phải cầm trịch để hướng cho người dân biết xây gì, giữ gì, chống cái gì, có như vậy mới tạo ra những giá trị tốt đẹp

Nếu nói về kinh tế, đời sống vật chất của chúng ta đã được cải thiện đáng kể, nhưng những giá trị tinh thần thì càng ngày càng mất đi quá nhanh. Không phải ngẫu nhiên người ta hay mơ về ngày xưa, bởi như thế cảm thấy dễ thở hơn. Người ta đang bị vong thân, những giá trị mà số đông đang theo đuổi không phải là những giá trị tốt đẹp, con người ngày càng định giá nhiều thứ bằng tiền. Tôi rất đau xót khi nghe “Cường đôla”, con một đại gia nói: “Tiền của nhà tao chỉ thua tiền nhà... nước”. Những con số tăng trưởng kinh tế ào ạt đang xô đẩy những giá trị nhân văn. Chính Nhà nước phải cầm trịch để hướng cho người dân biết xây gì, giữ gì, chống cái gì, có như vậy mới tạo ra những giá trị tốt đẹp. Nhưng nhìn lại đời sống tinh thần, thấy còn ngổn ngang hàng loạt vấn đề…

Ông thường kết thúc một ngày với tâm trạng như thế nào?

Cũng còn tuỳ. Có những đêm mất ngủ, tôi thường đi bộ dọc bờ biển. Vừa đi, vừa nghe nhạc, vừa nghĩ, sau đó về tắm, tôi thấy mình như được hồi sinh, khoẻ hẳn ra, lại thấy cuộc đời rất đẹp…

Yêu quá một cái gì đẹp, hay ghét quá một cái gì xấu, rất dễ trở thành một người cực đoan?

Người quá cực đoan như tôi cũng phải trả giá nhiều lắm. Bạn bè nhiều khi cũng phê bình tôi tại sao phải quyết liệt như thế để cho mọi người được hát ca khúc Da vàng của anh Sơn? Nhưng tôi nghĩ nếu không làm được điều đó, có gì đó không phải với người nhạc sĩ tài hoa này. Nếu như tôi có độc đoán, thì cũng là để làm được điều gì có ích. Có thể những người thợ mộc, thợ trồng cây của tôi cho rằng tôi là người… độc tài, nhưng họ biết tôi thương họ thế nào.

Năm 2005, Cao Lập đến Pháp thăm gia đình Andre Menras, người bạn tù cũ. Ảnh nhân vật cung cấp

thực hiện Kim Yến
chân dung hội hoạ Hoàng Tường
chân dung nhiếp ảnh Quý Hoà

source

http://www.sgtt.com.vn/detail99.aspx?ColumnId=99&newsid=52871&fld=HTMG/2009/0614/52871

Saturday 25 July 2009

Mùa Hè đã đi qua

September 05, 2008

Mùa Hè đã đi qua

T.Vấn

Ngày 12 tháng 8 năm 2008
Người bạn thân từ những ngày chúng tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường suốt 7 năm trung học , đã đưa tôi đi hầu khắp các đường phố trong một buổi chiều nắng nhẹ, và sau cùng chúng tôi ngồi lại với nhau tại một quán cà phê lộ thiên – như ngày xưa chúng tôi thường ngồi với nhau những buổi chiều trốn học đi hoang, tay phì phèo điếu thuốc Basto xanh thời thượng và ly cà phê đậm chát uống với đường thẻ ( một thứ thời thượng khác ) – . Chúng tôi , cũng vẫn như bao nhiêu năm về trước, chọn một chỗ ngồi, từ đó, có thể nhìn khắp những ông đi qua, bà đi lại , và thỉnh thoảng nháy mắt nhau về một bóng hồng nào đó. Tôi không thể nghĩ đến một ngày, tóc bạc da mồi, – riêng anh bạn tôi thì không còn một sợi tóc trên đầu ( dù là tóc bạc ), miệng móm mém vì có bao nhiêu răng đã nhổ sạch để chuẩn bị làm hàm răng giả ( theo lời anh, để có cái mà nhai ) – và ở một vùng đất cách xa quê nhà cũ hằng nửa vòng quay địa cầu, chúng tôi lại được ngồi lại với nhau, nhắc lại với nhau những kỷ niệm cũ, những người quen biết cũ, sau biết bao nhiêu những biển dâu thăng trầm của cuộc đời.

Các nữ sinh Việt Nam với áo trắng khai trường. Photo Nguyễn Đạt-Việt Tribune

Ngày xưa, chúng tôi ngồi bên nhau, những câu chuyện là về bao mộng ước cho tương lai, bây giờ, những câu chuyện chỉ quẩn quanh những điều không như ý trong cuộc đời. Cuộc sống, với hai người bạn của gần 50 năm , dường như đứng lại trong buổi chiều dài bất tận. Cũng có những người con gái đi qua, vẫn có ánh mắt nhìn theo, nhưng cái nhìn hằn vẻ mệt mỏi. Trong trí tôi vẫn văng vẳng câu thơ của Hoàng Anh Tuấn thuộc nằm lòng trong những buổi chiều Sài Gòn nhàn nhã. Có đi qua xin em đừng ngoảnh lại. Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai. Và anh bạn tôi thì hóm hỉnh chọc quê tên học trò si tình bằng hai câu thơ của Nguyễn Du còn nhớ được là nhờ những giờ Việt Văn buồn tẻ trong lớp. Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không. Thời gian quả đáng sợ. Chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu con đường. Có đoạn đường bằng phẳng, có đoạn đường đầy những mìn bom, hầm hố, ở gà . Đã ngã xuống, đã đứng dậy vịn quá khứ mà bước tới. 50 năm sau, ngồi lại bên nhau, nhìn thấy dấu ấn khủng khiếp của thời gian mà thở dài.

Ngày 21 tháng 8 năm 2008
Và rồi những ngày hè đã qua đi. Mùa khai trường lại trở về. Trên đường phố lại thấy xuất hiện những chiếc xe chở học sinh quen thuộc, và sáng sáng, quanh những ngã tư gần khu vực trường học, cảnh kẹt xe lại tái diễn với sự nhẫn nại thường lệ của cư dân thành phố. Hôm đầu tuần, đưa các con tôi đi mua sắm vật dụng sách vở cho năm học mới tại chợ Wal-mart, nhìn những em nhỏ xôn xao ríu rít bên cha bên mẹ quanh những dãy hàng xếp dành riêng cho ‘ Back To School “, lòng tôi cứ nao nao nhớ về những năm tháng học trò của riêng mình và văng vẳng trong trí nhớ đang ngày một hao mòn đoạn văn mở đầu bài văn “ Tôi đi học “ bất hủ của nhà văn Thanh Tịnh .

. . . Hàng năm , cứ vào độ cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. . .
Trời đất xứ người vẫn chưa vào Thu. Cái nóng mùa hè vẫn còn vất vưởng trên những vòm cây, ngọn cỏ . Nhìn khuôn mặt háo hức của các con tôi với tập vở mới, cặp sách mới, dù rằng thực sự chúng chưa bao giờ thiếu thốn những thứ ấy, và nỗi bồn chồn mong gặp lại được những bạn bè cũ chia tay từ buổi học cuối cùng mấy tháng trước – mặc dù, tận trong lòng chúng, âm vang những ngày tháng vui chơi thoải mái của mùa hè vẫn còn quyến luyến chưa chịu ra đi – tôi bùi ngùi cảm nhận một cách sâu sắc rằng trẻ thơ là ân sủng của trần gian, dù trần gian ấy là bao ngàn năm về trước hay thế kỷ 21, là một ngôi làng êm đềm nhỏ bé của Việt Nam nghèo khổ hay một thành phố nhộn nhịp của nước Mỹ giàu mạnh. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ về, dù đó là một tuổi thơ buồn thảm hay đầy ắp những may mắn mà trần gian này có thể ban phát được. Trẻ thơ, ân sủng của trần gian và là viên ngọc nạm trên khuôn mặt đời lỗ chỗ những hầm hố của hận thù, dối trá, bon chen, ganh tị . . .

Các nữ sinh Việt Nam với áo trắng khai trường. Photo Nguyễn Đạt-Việt Tribune

Arabella Uhry là một bé gái Trung Hoa, được người hảo tâm nhặt lên từ một đống rác trên đường phố xơ xác của một nước Tàu (...), chỉ vài giờ sau khi” bị “ sinh ra, mà có lẽ cha mẹ em không dám nuôi em trong nhà, vì chính sách một con tàn bạo của chính quyền . Điều may mắn xảy đến cho em là được một gia đình người Mỹ ở New York nhận làm con nuôi. Một hôm, người mẹ nuôi của em nói cho em biết rằng, có những đứa trẻ bằng tuổi em chẳng may bị những chứng bịnh không thể chữa khỏi, như thế, thật là bất hạnh cho chúng vì chúng không thể cắp sách đến trường, không thể chạy nhảy vui đùa ca hát như em. Em tự nghĩ rằng mình là kẻ may mắn, phải nghĩ đến những người không được may mắn như mình. Với sự giúp đỡ của mẹ,em bắt đầu thu thập tên tuổi, địa chỉ của những trẻ thơ bị bệnh nan y và gởi đi những lá thư, những bưu thiếp với nội dung rất đơn giản: Hỏi thăm, chúc mau lành bệnh, khuyến khích người nhận hãy cầu nguyện v .. v.. (Liệu chúng ta sẽ mong đợi gì hơn ở một bé gái 8 tuổi ngoài những lời lẽ đẹp đẽ như vậy, những lời lẽ mà ngay chính người lớn chúng ta vẫn còn hà tiện với nhau, nói gì đến lòng tử tế thực sự ).
Khởi đầu là với một em bé bị bướu não ở Kansas. Em liên lạc, an ủi cho đến khi em bé tội nghiệp này qua đời hồi tháng 9 năm 2003. Em vẫn tiếp tục sự đóng góp nhỏ bé của mình, tình nguyện gia nhập một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ các em bé bị bệnh hiểm nghèo. Hiện giờ, em đang là cầu nối cho hai em bé gái khác sắp sửa từ giã cõi đời tiếp xúc với nhau. Ở tuổi lên 8 của em bé gái Mỹ gốc Trung Hoa này, phần lớn trẻ sẽ luôn bận tâm về việc mình sẽ nhận được những gì, nhưng riêng em, em quan tâm đến mình có thể làm được gì cho người khác nhiều hơn . . .
Đã bao lần rồi tôi không biết nhàm chán khi đặt bút xuống viết lại câu Trẻ thơ là ân sủng của trần gian. Và cái chết của những trẻ thơ, tôi không bao giờ tin một cách đơn giản rằng đó chỉ là cái chết như hàng triệu cái chết mỗi ngày trên mặt đất con người. Không, cái chết của trẻ thơ chỉ là sự ra khỏi chỗ mà con mắt trần gian có thể nhìn thấy được. Và con người , dù rất không xứng đáng, nhưng sẽ vẫn tiếp tục được ban cho an sủng quý giá này.
Khi tôi viết những dòng này, thì trên đất nước tôi, có biết bao em bé không được cắp sách đến trường, có biết bao em bé buổi tối đi ngủ với cái bụng lép kẹp, có biết bao em bé không có được một mái nhà để che trên đầu, có biết bao em bé mắc những căn bệnh hiểm nghèo chờ chết trong cô đơn, tuyệt vọng và sự túng quẫn của cha mẹ.
Ngày mai, trên đường đưa các con tôi đến trường cho buổi học đầu tiên, tôi sẽ nhắc lại với chúng những điều này. (T.VẤN)

source

Viet Tribune Online

Friday 24 July 2009

Áo dài cổ

Áo dài cổ

Dzungart, Hà Nội

Dù áo dài cổ hay hiện đại cũng làm người phụ nữ Việt Nam đẹp hơn. Xin giới thiệu bộ ảnh Áo dài cổ của họa sĩ - nhiếp ảnh gia Dzungart.

Monday 20 July 2009

cái giếng

May 31, 2009

cái giếng

Hoàng Ngọc Tuấn

Má tôi nói chúng tôi đã rời quê hương và đến sống trên một miền đất mới, nhưng tôi nói chúng tôi đã rời một cái giếng và đến sống với một cái vòi nước. Một cái giếng, vâng. Đó là hình ảnh rõ ràng nhất còn lại trong ký ức tôi về thời thơ ấu của mình. Tôi rời nó lúc tôi được chín tuổi. Bây giờ tôi hai mươi. Mười một năm sống với một cái vòi nước, và còn nhiều năm nữa sẽ đến. Chắc chắn như thế.
À, cái giếng. Tôi có thể nói gì về nó? Một ngày, cách đây mười một năm, trong khi tôi đang gội đầu bên cái giếng, tôi nghe má tôi nói: “Đừng chơi với nước nữa, Hằng. Lau khô tóc đi rồi xếp đồ đạc lẹ lên…”. Vâng, chúng tôi phải xếp đồ đạc nhanh chóng để đi đến sân bay. Lúc đó là giữa trưa. Nhìn xuống giếng, tôi thấy bóng tôi và bầu trời xanh phía sau. Những giọt nước từ tóc tôi rơi xuống và chạm vào tấm gương nước. Nhiều vòng tròn xen vào nhau, lan ra, làm bóng tôi và bầu trời xanh run rẩy. Tôi nói: “Tạm biệt nhé...”, và tôi nghe nó trả lời khe khẽ: “Tạm biệt nhé...”. Đó là lần đầu tiên cái giếng nói chuyện với tôi.

Hình Minh Họa. Photos.com

Chúng tôi bay từ một lục địa này đến một lục địa khác. Chúng tôi bay trên đại dương, Đại dương xanh. Một tấm gương mênh mông cho ai soi? Những giọt nước từ tóc ai sẽ rơi xuống và chạm vào nó? Chúng tôi đến một miền đất mới và tôi thấy ba tôi vẫy tay và chạy đến với chúng tôi. Ông ôm chầm lấy chúng tôi. “Rốt cuộc, mình lại có nhau” – ba tôi nói. Những giọt nước từ mắt má tôi rơi xuống và chạm vào miền đất mới. Ba tôi ôm tôi thật chặt, nhìn vào mắt tôi. “Ôi, con gái của ba” – ông nói. Đôi mắt ông đỏ lên. Thình lình những giọt nước từ đâu tràn lên mắt tôi và rơi xuống… Nhiều người nghĩ tôi bị ám bởi cái giếng. Tôi không thể cãi lại, dù tôi tin đó không hề là một sự ám ảnh. Đúng ra, tôi hiếm khi nói chuyện với ai về cái giếng. Chỉ mỗi năm một lần, hay hai năm một lần, tôi mới nói đến cái giếng, trong những trường hợp mà đề tài cuộc trao đổi tình cờ bao gồm một mẩu chuyện vặt có liên quan đến cái giếng. Tôi vẫn còn nhớ những lần đó khá rõ. Một lần, lúc tôi mười tuổi, ba tôi chở má tôi và tôi đến một nông trại để mua rau trái giá rẻ. Tôi đi lòng vòng trong nông trại đó rất lâu và không thấy cái mà tôi cần. – Ở xứ này có một cái giếng nào không? – Có nhiều cái giếng ở quanh đây, tôi đoán thế. – Bạn có bao giờ nghe chúng nói không? Một lần, lúc tôi mười một tuổi, các bạn cùng lớp và tôi bàn cãi với nhau xem cái gì ngoạn mục nhất trên đời. Biển. Núi. Sông. Sa mạc. Không ai đồng thuận với bất cứ ý tưởng nào. Tôi chẳng đề nghị một điều gì cả, và các bạn cứ khăng khăng đòi tôi phải đóng góp ý tưởng của tôi. – Chứ mày thích cái gì nhất trên đời? – Cái giếng. – Tại sao? – Tại vì nó biết nói.

Một lần, lúc tôi mười hai tuổi, cô giáo dắt chúng tôi đến một công viên. Ơ gần cổng, chúng tôi thấy một cái wishing well (1) khá cạn nước và trong đó có nhiều đồng xu. Hôm sau, cô giáo bảo chúng tôi vẽ lại cái wishing well. Tôi cố gắng hết sức nhưng không thể nhớ nổi hình dáng nó như thế nào. – Không, đó không phải là một cái wishing well, Em phải vẽ nó giống như cái mà em vừa thấy hôm qua đấy. – Dạ, thưa cô. Dạ, thì đây chính là nó. – Trông nó sâu quá... – ... Thế thì nó mới nói rõ tiếng hơn.
Một lần, lúc tôi mười bốn tuổi, một bà hàng xóm đến trò chuyện cho vui với má tôi ở sân sau nhà chúng tôi. Những công việc làm ăn. Tiền bạc. Hôn nhân. Con cái. Những cái hoá đơn điện thoại. Những cuộc thi hoa hậu. Chuyện vay tiền mua nhà... – Đây là một mảnh đất rất tươm tất. Bà dự tính sẽ làm gì với nó? – Chồng tôi muốn trồng các thứ dược thảo, nhưng tôi muốn có một vườn cây ăn trái. – Và con muốn có một cái giếng xinh đẹp… – Nhưng tại sao vậy, bé gái? – Để con nói chuyện với nó.
Một lần, lúc tôi mười sáu tuổi, ba tôi và tôi đi xem một cuộc triển lãm hội hoạ ở địa phương. Trong một bức tranh sơn dầu của một ông Nguyễn nào đó, có một cái giếng trông hoàn toàn giống như cái giếng của tôi. – Ba ơi, ba mua bức tranh này cho con nhé ba? – Nó mắc tiền nhưng không có giá trị cao. – Nhưng nó có một cái giếng. – Thì sao? – Không có gì đâu, ba. Con chỉ nói vậy thôi.
Vào ngày sau hôm sinh nhật mười bảy của tôi, Andy – một chàng trai trẻ (hơn tôi bốn tuổi) cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, đẹp trai (tất nhiên!) – mời tôi cùng đi dạo mát trên chiếc xe hơi của chàng. Ôè, Andy. Tôi nên thú nhận cùng bạn (độc giả của tôi) rằng tôi cảm thấy lãng mạn khi ở gần bên chàng. Mỗi lần chàng nhìn vào mắt tôi, trái tim tôi tăng tốc độ một chút – allegro ma non troppo (2).

Đó là lý do tại sao tôi đã nhảy vào trong xe của chàng. Chàng chở tôi đến bờ biển. Chúng tôi đi chân trần trên cát chừng một tiếng đồng hồ, lượm những vỏ sò ốc, cười rất nhiều. Rồi chàng chở tôi đến thảo viên quốc gia. Đó là lúc chiều tà và phong cảnh đẹp một cách ám ảnh. Chàng dừng xe gần một cái hồ có mặt nước giống như một tấm gương bạc phản chiếu bầu trời đỏ rực. Chúng tôi ngồi trong xe, im lặng nhìn qua cửa kính một lúc. Rồi, thế rồi, Andy thình lình hôn lên môi tôi. Những nụ hôn của chàng làm tôi choáng ngợp, tan chảy. Và điều đó đã làm cuộc sống tôi thay đổi một cách ngọt ngào. Bây giờ, nhìn lại, tôi phải thú nhận rằng nó đã làm tôi thay đổi rất nhiều.
Sau đêm bên bờ hồ ấy, tôi hoàn toàn quên cái giếng. Nó không còn xuất hiện trong những giấc chiêm bao của tôi nữa. Thay vào đó, trong nhiều giấc chiêm bao, tôi thấy Andy và tôi bơi trong cái hồ ấy, thân thể của chúng tôi sáng lên như bạc dưới ánh chiều tà. Tôi thấy chúng tôi cùng bay trong bầu trời và bên dưới chúng tôi có một tấm gương khổng lồ. Tôi không còn nói với bất cứ ai (kể cả Andy) về cái giếng nữa. Thay vào đó, tôi nói rất nhiều về Andy và những điều khác: những cuốn phim, những chiếc quần jeans, những cái váy mới, những chiếc điện thoại di động, những cái email, những cuộc chat, những thứ quần áo bán hạ giá, CD, MP3, DVD, sim cards, SMS, những loại son môi…
Tôi bắt đầu cười mỉm nhiều hơn và cười rộ nhiều hơn. Nhưng tôi cũng khóc dễ dàng hơn. Nói tóm lại, tôi yêu cuộc sống nhiều hơn bao giờ.
Vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái, ba má tôi quyết định trở về thăm quê hương và ở lại năm tuần với bà con thân quyến. Andy đến chào tạm biệt tại sân bay. Tôi khóc chút ít. Thật ra, tôi không muốn đi cùng với ba má tôi, nhưng tôi không muốn làm ba má tôi thất vọng.
Tôi ngồi nhìn mãi qua cửa sổ máy bay để ngắm bầu trời và những đám mây. Đôi khi tôi thấy mặt đất. Đôi khi tôi thấy biển. – Mình sẽ thấy lại ngôi nhà của mình. – Ngôi nhà của mình? – Ừ. Khi mình ra đi, gia đình chú của con đã đến ở. Má muốn xem bây giờ ngôi nhà như thế nào rồi.
Ngôi nhà trông quá khác lạ đến nỗi tôi không thể nhận ra bất cứ cái gì nữa. Cổng mới, Hàng rào mới. Bước vào sân trước, tôi quan sát chung quanh và chỉ có thể nhận ra cái bể nuôi cá cũ kỹ. Ngôi nhà trệt bây giờ đã biến thành hai tầng. Những cánh cửa mới. Sàn gạch mới… – Bọn em đã tân trang và nâng cấp mọi thứ. – Chúc mừng chú thím. Thật là cực kỳ gây ấn tượng. – Con gái của anh chị bây giờ đã thành một tiểu thư sang trọng rồi đấy. – Ừ, nó được mười chín tuổi rồi…
Ban đêm, nằm trên giường, tôi nghĩ đến Andy và các bạn và tự hỏi không biết họ đang làm gì trong mùa Giáng Sinh. Tôi không ngủ được. Sau nửa đêm, thình lình tôi nghe có ai gọi tên tôi: “Hằng ơi!”. Mọi người trong nhà đều đang ngủ say. Ai đang gọi tôi? Tiếng gọi đến từ sân sau. Giọng rất yếu ớt nhưng rất rõ, nhưng tôi không chắc đó là giọng đàn ông hay đàn bà. “Hằng ơi!”. Tôi rời giường, đi ra sân sau. – Ai vậy? Ai gọi tôi vậy?
Tôi bước qua khoảng sân sau trong bóng đêm đen thẳm. Trống rỗng. Không có ai ở đó. Tôi đứng im lặng nơi một góc sân, lắng nghe những âm thanh của đêm đen chung quanh mình. Những làn gió. Những con dế. Những con dơi. Có ai đang ho trong nhà. Im lặng. Rồi dần dần tôi nhận ra hình dáng quen thuộc của một cái gì đó. Cái giếng.
Tôi bước đến nó. Rồi, sau khi đứng bất động bên cạnh có một lúc, tôi nhìn xuống lòng giếng. Đen tối và im lặng. – Xin chào… – Xin chào… – Tôi đây, Matilda đây. – Xin chào…
Tôi thức giấc vào sáng sớm và đi ra sân sau. Ba tôi và chú tôi đang đứng gần cái giếng. – Em sẽ lấp cái giếng và xây một cái sân chơi cho lũ trẻ. – Hay đấy. Nhưng chú không dùng nước giếng nữa sao? – Hết dùng rồi, anh à. Bọn em đã dùng nước vòi được ba năm rồi. Bây giờ ở đâu cũng có nước máy, chẳng còn ai xài giếng nữa cả.
Khi họ trở vào nhà, tôi bước đến và nhìn vào lòng giếng. Tôi không thấy một chút nước nào nữa. Tôi thấy rất nhiều viên gạch vỡ và những hòn đá và rác rưởi. Tôi đứng đó và nhìn mãi vào lòng giếng cho đến khi tôi thấy những giọt nước rơi xuống. Tôi biết cái giếng của tôi đã chết. *
Năm tuần trôi qua nhanh chóng, thật vậy, nhưng đó là một khoảng thời gian rất dài đối với bất cứ một trái tim non trẻ nào. Khi tôi trở lại Sydney, Andy không ra đón tôi ở sân bay như chàng đã hứa. Tôi đã biết trước điều đó. Suốt thời gian tôi ở nước ngoài, tôi đã từng trông thấy một sân bay hoang vắng trong nhiều giấc chiêm bao. Nhiều lần tôi đã cố gắng mang một hồ nước lấp lánh ánh bạc vào những giấc chiêm bao của tôi, nhưng tôi đã thất bại. Tôi đã trông thấy chính mình bay cô đơn trong một bầu trời đỏ rực trên một cái miệng khổng lồ của một cái giếng khô.
Tôi đã trông thấy chính mình bơi cô đơn trong một hồ nước đầy bùn, kêu gào tên của một người nào đó mà khi thức giấc tôi không thể nhớ. Tôi đã trông thấy chính mình rơi vào cái giếng cũ và chết giữa những viên gạch vỡ và những hòn đá và rác rưởi. Tôi đã trông thấy chính mình bước lang thang trong một thành phố xa lạ, đi từ nhà này đến nhà khác, xin một cốc nước nhưng không ai nói với tôi một lời. Nhiều giấc chiêm bao. Vâng, nhiều giấc chiêm bao. Tôi biết những giấc chiêm bao có thực, thực hơn hiện thực, nhưng tôi không còn tin vào những giấc chiêm bao nữa.
Trong lúc đợi taxi trước sân bay, thình lình tôi cảm thấy nòng sốt và cực kỳ khát nước. Tôi bước trở lại phòng vệ sinh của sân bay. Tôi đặt cái đầu của mình dưới vòi nước, để nước chảy lên mặt và rót vào miệng. Tôi uống một chút nước, và đứng đó, nhìn nước chảy vào lòng bàn tay rất lâu. Mười một năm trước, má tôi nói chúng tôi đã rời quê hương và đến sống trên một miền đất mới, nhưng tôi nói chúng tôi đã rời một cái giếng và đến sống với một cái vòi nước. Dẫu sao, nước vòi ở miền đất này thì sạch và mát.
Tôi rửa mặt, tô lại một chút son môi, và tôi bước ra ngoài dưới ánh mặt trời.

Hoàng Ngọc Tuấn dịch từ nguyên tác Anh văn, “The Well”, của Matilda (Hang) Tran.
(1) Wishing well: Một loại giếng có bờ thấp, nước cạn, nơi người ta ném những đồng xu vào và thầm mong ước một điều gì.
(2) Allegro ma non troppo: Không quá nhanh (chuyên ngữ âm nhạc).

SOURCE

Viet Tribune Online

Cải Lương Hôm Nay

July 17, 2009

Cải Lương Hôm Nay

Thanh Tùng - Việt Tribune

Sự ra đi của bà Bảy Phùng Há không chỉ khiến nhiều người tiếc thương, ngậm ngùi, mà còn buộc những ai thật sự yêu mến cải lương phải trăn trở tự hỏi liệu ngành nghệ thuật đặc trưng của miền Nam mà bà Bảy đã gắn bó gần hết cuộc đời mình sẽ đi về đâu giữa thời @ hiện nay.

Thời của những trích đoạn vàng son xưa cũ

Nếu cải lương đã từng đĩnh đạc bước lên ngôi bá chủ làng giải trí tại Sài Gòn và miền Nam những năm thập niên 50, 60 và 80 với hàng loạt vở diễn thuộc hàng kinh điển như: Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu (Trần Hữu Trang), Lan và Điệp (Loan Thảo), Sân khấu về khuya (Nguyễn Thành Châu), Tuyệt tình ca (Hoa Phượng- Ngọc Điệp), Nửa đời hương phấn (Hà Triều- Hoa Phượng), Tiếng hạc trong trăng (Yên Ba- Loan Thảo), Bên cầu dệt lụa (Viễn Châu), Tiếng trống Mê Linh (Việt Dung), Kiều Nguyệt Nga (Ngọc Cung)…thì cải lương thời nay từ trong nước sang đến hải ngoại đang tự gậm nhắm hào quang quá khứ với các trích đoạn vàng son xưa cũ.

Từ trái sang: Nghệ sĩ Thành Được, Minh Vương và Hương Lan trong “Đời cô Lựu” tại San Jose.THANH TÙNG/Việt Tribune

Trong số hàng loạt chương trình biểu diễn cải lương trong nước gần đây như “Vầng trăng cổ nhạc” diễn mỗi giữa tháng ở Đầm Sen, “Làn Điệu Phương Nam” diễn đầu mỗi đầu tháng tại Nhà hát Thành Phố, các đêm chuyên đề hoặc live show của những ngôi sao cải lương, những buổi diễn “Nghệ sĩ mừng Xuân” tại rạp Hưng Đạo đều là sự xếp hàng lần lượt lên sân khấu của các trích đoạn cải lương đã từng ăn khách trước đây xen kẽ với tấu hài và tăng cường vài ca sĩ tân nhạc cùng nhóm múa minh họa nào đó.
Trình diễn trọn tuồng, cũng có, nhưng lác đác với nhóm Sân Khấu Vàng do đôi nghệ sĩ Minh Vương- Lệ Thủy sáng lập với một số vở cũ được dàn dựng lại: “Sông Dài”, “Đoạn Tuyệt”, “Lá Sầu Riêng” và một vở mới đang công diễn “Một ông, hai bà”. Nhưng tuổi thọ của những vở này chỉ khoảng 4- 5 hoặc cao lắm là 6 suất hát mà thôi vì không còn đủ khán giả. Nhóm nghệ sĩ Vũ Luân thỉnh thoảng quy tụ các diễn viên trẻ ở độ tuổi trên hai mươi, đa số là con nhà nòi, diễn một hoặc vài suất hát trọn tuồng một vở hồ quảng xưa cũ nào đó, rồi thôi, ngậm ngùi thu xếp cảnh trí, gươm giáo và phục trang vào kho chờ dịp khác mang ra dùng lại.
Ngay tại Sài Gòn, thành phố với gần 9 triệu dân mà cải lương còn không dễ diễn trọn tuồng thì huống chi là hải ngoại. Lâu thật lâu mới có một vài vở cải lương được đầu tư tiền bạc và công sức để trình diễn như: “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, “Võ Tắc Thiên”, “ Tiếng Trống Mê Linh” tại San Jose, hoặc “Sông dài”, “Đi biển một mình”, “Thái hậu Dương Vân Nga” tại Quận Cam dẫu được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật nhưng các bầu show ôm mặt khóc ròng vì không bán được vé. Tại sao?
Khán giả hôm nay bỏ tiền mua vé chỉ để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ những thần tượng mà họ yêu thích. Do những năm gần đây, sân khấu không có kịch bản mới hấp dẫn nên họ thà xem lại những trích đoạn đã cũ ăn khách một thời cho chắc ăn. Vả lại, thường thường, các trích đoạn được chọn diễn rất đúng cao trào đặc sắc nhất của một vở diễn, với diễn xuất mùi mẫn của cặp đào kép chánh ngôi sao chỉ trong khoảng 30 phút, còn hơn ngồi đó xem hết cả một vở diễn kéo dài vài tiếng đồng hồ, mà đâu phải màn nào cũng hấp dẫn và có ngôi sao trình diễn đâu. Khán giả hay than phiền như vậy.
Dù đã hơn hai mươi năm qua rồi, nhưng mỗi lần Minh Vương – Lệ Thủy xuất hiện trên sân khấu lại cứ thường được yêu cầu diễn lại trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt”. Bạch Tuyết thường được mời diễn lại “Đời Cô Lựu”, “Kiều Nguyệt Nga” hoặc “Thái Hậu Dương Vân Nga”, Thanh Sang cứ phải diễn lại vai Trần Minh khố chuối (Bên cầu dệt lụa) hoặc Lê Long Hồ (Tuyệt Tình Ca), Ngọc Giàu và Bảo Quốc cứ được yêu cầu tái hiện trích đoạn Bảy cán vá gặp anh chàng thợ bạc (Đời Cô Lựu)…Khán giả hôm nay chỉ muốn ngắm nhìn lại những vai diễn để đời gắn với tên tuổi của các tài danh dù bản thân họ cũng thuộc nằm lòng từng câu thoại và lời ca trong các trích đoạn đã quá quen thuộc đó.

Thời của công thức thập cẩm tả pín lù

Muốn bán được vé, các nhà tổ chức từ trong nước cho đến hải ngoại đều phải biết áp dụng công thức nói trên khi làm show trong thời buổi hiện nay. Minh chứng là show hoành tráng bạc tỉ (tiền VN) như các vở “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” (Lê Duy Hạnh- Hoàng Song Việt, đạo diễn Hoa Hạ) do Nhà hát Trần Hữu Trang đầu tư dàn dựng, yếu tố “tả pín lù” cũng được áp dụng một cách nhanh nhạy và “triệt để” (chữ dùng trong nước hiện nay) với nào là ngôi sao cải lương kết hợp với siêu sao ca nhạc và danh hài thị trường, nào là dàn nhạc giao hưởng tây phương “giao duyên” (hay cưỡng duyên?) với ban cổ nhạc truyền thống, nhóm múa ba lê mang màu sắc Liên bang Sô Viết cũ xen kẽ với những màn vũ đạo đậm chất Tàu. Và nhà tổ chức đã khoe rằng họ có lãi, có nghĩa là họ bán được vé trong thời buổi hiện nay và họ đã thành công đấy, ít nhất cũng về mặt làm kinh doanh, đúng không?
Ở hải ngoại, gần như 99.9% các show cải lương đều phải tuân thủ chặt chẽ công thức “tả pín lù” được xem như “khuôn vàng thước ngọc” này. Mỗi show cải lương bây giờ trước tiên là tên tuổi của các ngôi sao, có thể là nổi tiếng từ trước hay sau 1975, miễn phải “chường mặt” thật nhiều trên các DVD cải lương được đặt hàng từ hải ngoại, sản xuất tại Việt Nam và quay ngược phát hành tại nơi đặt hàng. Càng xuất hiện dày đặc trên băng dĩa, nghệ sĩ càng được nhiều người biết và dĩ nhiên, càng có nhiều khán giả tại hải ngoại. Vài nghệ sĩ có thực tài nhưng vì không thỏa hiệp với thị trường băng đĩa nên bị thua thiệt khi bay show tại Mỹ, như trường hợp của Thanh Điền và Thanh Kim Huệ.
Sở dĩ tôi dùng chữ “chường mặt” trên DVD cải lương vì với tốc độ chỉ hai ngày thu tiếng và hai ngày thu hình cho một DVD, nhiều ngôi sao đã chẳng nhớ kịp tên vở diễn mà họ tham gia, chứ đừng nói chi đến vai tuồng và khâu đầu tư cho tính cách nhân vật. Họ chỉ kịp “quần áo”, “son phấn” và “hát nhép” như cái máy cho kịp tiến độ “mì ăn liền” của công nghệ sản xuất băng đĩa cải lương. Hậu quả, khi xem băng, khán giả hoàn toàn thất vọng với những “thần tượng” chỉ vì tiền mà đã trở thành các “tượng thần”- nghĩa là hết sức vô cảm như những bức tượng trên màn hình – chỉ “chường mặt” cho có tên để lãnh cat sê vậy mà.
Bên cạnh ngôi sao cải lương, show hôm nay phải tăng cường các danh hài và các ca sĩ tân nhạc đang ăn khách trên thị trường. Một show phải đáp ứng đủ các yếu tố bao gồm trích đoạn cải lương một thời vang bóng dù đôi khi khán giả ngồi dưới phải lên tiếng nhắc tuồng cho các tài danh trên sân khấu, các tiết mục tấu hài – dù không phải lúc nào cũng cười được và những ngôi sao ca nhạc, dù các ca sĩ này có đôi lúc nói nhiều hơn ca.
Đó là chưa kể, muốn bán được vé, các show cải lương hải ngoại phải được tổ chức trong nhà hàng có ăn uống và nhậu nhẹt tưng bừng mới vui. Nghệ sĩ đang nhập vai anh hùng đứng trên dàn hỏa kêu gọi nghĩa binh hãy tấn công thành lũy của giặc bất chấp tình riêng thì lại phải cúi đầu cảm ơn lia lịa vì phải nhận “lì xì” của fans hâm mộ. (Hổng nhận, khán giả buồn làm sao?) Còn ca sĩ đang thả hồn trong ca khúc tình yêu dang dở thì cứ phải dừng lại nhiều lần để “dô” một hơi bia hoặc rượu do khán giả ưu ái mời mọc. (Hổng uống, khán giả giận làm sao?)
Chỉ cần như vậy, bầu show cải lương yên tâm sẽ hốt bạc? Nếu quả thật như thế, cải lương gần một thế kỷ phát triễn cùng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc của nó mà các nghệ sĩ tiền phong như bà Bảy Phùng Há, như ông Năm Châu, Ba Vân, cô Hai Kim Cúc… đã dày công cống hiến, rồi sẽ đi về đâu?

Cải lương sẽ đi về đâu?

Có người chép miệng “cải lương đang hấp hối”. Nhưng người khác, trong đó, có nghệ sĩ- tiến sĩ sân khấu Bạch Tuyết cãi rằng, không, cải lương không chết, nó vẫn sống đó thôi, nhưng sống ở những dạng thức khác với cải lương ngày xưa. Hiện nay, chỉ riêng miền Nam Việt Nam đã có hàng chục Đài truyền hình cấp tỉnh và thành phố. Mỗi Đài đều có chương trình ca cổ và cải lương hàng tuần. Tính ra hàng trăm tiết mục cải lương một tháng, hàng ngàn tiết mục cải lương một năm. Làm sao cải lương chết được.
Ngôi sao cải lương từ trong nước vẫn bay show như đi chợ tại khắp tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu với cát sê rủng rỉnh thì làm sao cải lương chết cho được.
Nếu cải lương không chết, nó đang tồn tại!
Nhưng chắc chắn đó không phải là nghệ thuật cải lương thứ thiệt mà hàng triệu khán giả tri âm, trong đó, có tôi, có bạn, và có cả Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, đã từng khóc- cười với nó trong suốt nhiều thập niên qua.

Thế mới hay, cải lương hôm nay khác với cải lương hôm qua nhiều lắm.[TT]

SOURCE

Việt Tribune

THE WORLD IS CONCERNED ABOUT PALESTINIAN KIDS

Heres another dose of reality sent in by Dennis Swindle. The next time you get one of your children or grandchildren in your arms, give them a BIG!! LONG!! HUG!! BB

THE WORLD IS CONCERNED ABOUT PALESTINIAN KIDS
(These are the images they show:)

(These are the images they DON'T show:)

**********************************************************************************

source

WELCOME TO OLE' BILL'S WEEKLY NEWSLETTER

July 2009 - Week 1