Sunday 18 October 2009

Tour du lịch mùa đông


Thứ sáu, 16/10/2009, 09:12 GMT+7


Kết thúc mùa hè, Vietran tour đưa ra chùm tour mới đón khách thu đông với nhiều tour du lịch trong nước và nước ngoài hấp dẫn, trong đó có nhiều chương trình du lịch tiết kiệm ấn tượng.

Du lịch nước ngoài tiết kiệm

Ngôi chùa tại Nhật Bản.

Nhiều tour nước ngoài mới tới các nước châu Á như: Nhật Bản 7 ngày 6 đêm, giá 39.112.000 đồng một người; Khai Phong - Trịnh Châu – Lạc Dương 7 đêm 6 ngày, giá 13.996.000 đồng và các nước châu Âu, châu Phi như: Australia 7 ngày 6 đêm, giá 40.022.000 đồng; Dubai 5 ngày 4 đêm, giá 34.562.000 đồng, Hải Nam 6.352.000 đồng một người… Có nhiều tour áp dụng mức giá hấp dẫn du khách.

Tour du lịch Mỹ 11 ngày với giá từ 65.319.000 đồng một người. Nếu đoàn đi 4 người, sẽ được khuyến mại 1 triệu cho mỗi khách hàng. Khách du lịch được thỏa sức được ngắm nhìn toàn cảnh nước Mỹ với những địa danh nổi tiếng thế giới như NewYork, Philadelphia, Washington, Lasvegas, Los Angeles, San Diago Universal Studio, Disneyland… hay các địa điểm nổi tiếng khác như phố tài chính Wall Street - nơi tọa lạc của sàn giao dịch chứng khoán New York và các trung tâm tài chính ngân hàng; Quảng trường thời đại (Times Square) ở trung tâm thành phố New York rực rỡ với những ánh đèn màu và bảng quảng cáo; tượng Nữ Thần Tự Do - biểu tượng của nước Mỹ; Nhà Trắng; Điện Capitol. Ngoài ra, du khách còn có dịp thưởng thức các show Jubille hoành tráng và rất nhiều điều thú vị khác…

Quảng Châu.

Nếu muốn đi gần hơn, bạn có thể ghé Nam Ninh - Quảng Châu - Thâm Quyến 5 ngày 4 đêm. Bạn sẽ được tham quan những thắng cảnh nổi tiếng nhất Nam Ninh - Quảng Châu - Thâm Quyến và có thời gian thỏa thích lựa chọn hàng hóa đầy đủ chủng loại, đặc biệt là quần áo thời trang, đồ dùng gia đình hiện đại với giá hấp dẫn, 199 USD một khách, khởi hành ngày 7/11 tới. Bạn cũng có thể lựa chọn tour tham quan Đảo Hải Nam 4 ngày với giá 7.262.000 đồng một người.

Ngoài ra, Ai Cập 9 ngày 8 đêm với giá 43.479.000 đồng một người cũng là một lựa chọn.

Tour trong nước: thoải mái thư giãn

Với hành trình 4 ngày 3 đêm tour Sài Gòn - Mũi Né, địa danh nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận, cách TP HCM 220 km và thành phố Phan Thiết 22 km sẽ cho du khách những ngày nghỉ trọn vẹn trên bờ biển Mũi Né, “thủ đô Resort của Việt Nam” với hàng trăm khu du lịch nghỉ dưỡng. Mũi Né là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong mùa thu lãng mạn này. Giá trọn gói: chỉ 4.180.000 đồng đồng một người.

Nếu ít thời gian hơn bạn có thể chọn tour Hà Nội - Nha Trang 3 ngày 2 đêm. Nằm trong số 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới, vịnh Nha Trang thu hút du khách bởi làn nước trong xanh, bờ cát trắng và làn gió biển nhẹ và cùng sống trong bầu không khí trong lành, giá: 3.550.000 đồng một khách.

Mũi Né.

Mũi Né.

Tour Hà Nội - Sài Gòn - Côn Đảo 3 ngày 2 đêm sẽ giúp bạn hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về tinh thần yêu nước của người Việt Nam một thời đã qua và để biết thêm vẻ đẹp của các vùng đất Việt, giá 4.980.000 đồng một người.

Nếu nhiều thời gian và yêu thích miệt vườn, bạn có thể tham gia tour Hà Nội - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 5 ngày 4 đêm để ngắm nhìn dòng sông cuộn chảy, cảm nhận cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng song Cửu Long - Đất mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ, gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Giá: 3.900.000 đồng một khách.

Ngoài ra, còn rất nhiều tour đặc biệt khác được Vietran Tour thiết kế.

Thông tin liên hệ: Vietran Tour
49 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tel: (04) 39438 777/ (08) 9438 777
Web:
http://vietrantour.com.vn/

Linh Nhi


source
http://www.ngoisao.net/News/Choi-gi/2009/10/3B9CC18D/

Bức hình đưa sự nghiệp của phóng viên nhiếp ảnh lên đỉnh vinh quang


October 16, 2009


Triều Giang

Bức hình “giết một ông tướng”

“Sài gòn Xử Tử” cuả Eddie Adams triển lãm tại Đại Học UT Austin

Để nói về tầm lợi hại của hình ảnh, người ta thường ví von: “Một tấm hình bằng ngàn chữ”. Nhưng đối với Eddie Adams, một phóng viên nhiếp ảnh của hãng thông tấn Mỹ Associate Press (AP), thì môt tấm hình của ông, như ông tự nhận xét: đã “giết chết một vị tướng” và hơn thế nữa cũng chính bức hình này đã thay đổi cuộc diện của chiến tranh Việt Nam. Bức hình nổi tiếng đó, đã được ông đặt tên là “Sài Gòn Xử Tử” (Saigon Execution), chụp hình Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc gia, Nam Việt Nam đang chỉa súng vào đầu Đại úy đặc công (...) Nguyễn văn Lốp tay đang bị trói ngoặt phía sau, tại một góc đường Lý Thái Tổ, khu Chợ Lớn trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968. (...) trước đó đã giết ít nhất là 8 người trong đó có toàn bộ gia đình của một sĩ quan dưới quyền tướng Loan.

Các nhân viên phòng triển lãm và “Sài Gòn Xử Tử”, tấm hình “giết một ông tướng” chụp cảnh Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan sắp bắn đặc công Nguyễn văn Lốp trên đường Lý Thái Tổ, Chợ Lớn trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 . Hình của Eddie Adams- Ảnh chụp của Getty Images

Sau khi bức hình được chụp, Nguyễn văn Lốp bị bắn chết, Tướng Loan khoảng 3 tháng sau bị bắn gãy chân phải trong một trận chiến truy lùng cán binh (...) vẫn còn đang ẩn núp tại ven đô. Ông được đưa sang Úc để chữa trị. Vì vết thương quá nặng, ông xin được chuyển sang bệnh viện quân đội Mỹ Walter Reed Army Medical Center tại Washington nhưng đã bị Quốc hội Mỹ từ chối nhiều lần. Chân phải của ông đã bị cưa. Năm 1975, trước khi Sài gòn thất thủ, ông có yêu cầu cho ông và gia đình ông được tị nạn tại Mỹ nhưng đã bị từ chối. Cuối cùng ông và gia đình đã được đưa ra khỏi Việt Nam bằng phi cơ của Việt Nam cùng với làn sóng người tỵ nạn. Ông và gia đình ông định cư tại tiểu bang Virginia, ông mở tiệm Pizza đề sinh sống. Ở đây, ông và gia đình cũng không được yên thân. Khi người địa phương biết được thân thế của ông, tiệm Pizza của ông đã mất rất nhiều khách và phải chịu nhiều cảnh khủng bố tinh thần như những cuộc vân động trục xuất ông và gia đình ra khỏi Mỹ với lý do ông là “tội phạm chiến tranh (war crime), hoặc một người nào đó đã để lại hàng chữ hăm doạ “Chúng tôi biết ông là ai.” (We know who you are) trên bức tường trong nhà vệ sinh của tiệm. Ông Loan mất vì bệnh ung thư vào năm 1998, hưởng thọ 67 tuổi.

Riêng Eddie Adams, tấm hình của ông đã đưa ông lên đỉnh đài danh vọng của nghề nghiệp, ông đã được lãnh giải Pulitger Prize, giải thưởng cao quý nhất của ngành truyền thông Hoa Kỳ và tấm hình lịch sử của ông được bầu là một trong những tấm hình quan trọng nhất trong cuộc chiến VN. Có thể nói mỗi khi tên tuổi Eddie Adams được nhắc tới, người ta liên tưởng ngay tới bức hình “Sàigòn Xử Tử”. Một bức hình khác cũng là một trong những bức hình gây nhiều ảnh hưởng vào thời này, đó là bức hình của một phóng viên nhiếp ảnh người Việt, ông Huỳnh Công Út, phóng viên của AP, còn có biệt hiệu là Nick Út chụp hình bé gái Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, bị phỏng vì bom Napalm, trần truồng chạy trên đường lộ tại Trảng Bàng. Ông Nick Út cũng được giải Pulitzer Prize và bức hình của ông được chọn là hình của World Press Photo of the Year năm 1972.

Eddie Adams tại Houston , Texas. Getty Images

“Hình chỉ nói một nửa của sự thật”

Nhưng tai ương chỉ thực sự đã xảy ra cho Việt Nam Cộng Hoà sau khi “Sàigòn Xử Tử” được đưa lên báo chí Mỹ rồi trên toàn thế giới cùng với đoạn phim ngắn của đài truyền hình NBC chiếu toàn bộ cảnh xử tử. Dư luận thế giới và đặc biệt dư luận Mỹ đã đổi hẳn cách nhìn về chiến tranh VN và Việt Nam Cộng Hoà ngày càng mất dần sự hỗ trợ của người dân Hoa Kỳ. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh trên đường phố, trong các trường đại học bắt đầu nổi dậy tạo những áp lực nặng nề cho chính phủ Hoa Kỳ và cuối cùng họ phải “rút lui trong danh dự” vào năm 1973, để mặc đồng minh Nam Việt Nam chiến đấu trong tuyệt vọng để cuối cùng (...)

Eddie Adams sau đó đã bị ray rứt và thật hối hận vì bức hình của ông đã triệt tiêu tất cả danh dự của một vị tướng đã chiến đấu anh dũng và hy sinh một phần thân thể cho đất nước ông. Tướng Loan và gia đình của ông cũng đã phải chịu quá nhiều oan ức khi cuộc chiến đã qua, cũng chỉ vì bức hình. Eddie đã phát biểu: “Vị Tướng giết (...); tôi đã giết ông Tướng với chiếc máy hình của tôi. Cho tới bây giờ, hình ảnh vẫn là một thứ vũ khí mạnh nhất trên thế giới. Mọi người vẫn tin vào nó. Nhưng hình ảnh cũng nói dối, dù là ảnh thực không hề bị sửa chữa. Hình chỉ nói một nửa của sự thật… Điều mà bức hình ‘Sàigon Xử Tử’ đã không nói lên, đó là: ‘Bạn sẽ làm gì nếu bạn là vị tướng trong thời điểm đó, nơi chốn đó, trong cái ngày nóng bỏng đó, bạn bắt được một tên địch mới vừa nổ tung một, hai, hoặc ba người Mỹ? Khi chụp tấm hình này, tôi chỉ muốn nói lên những gì đã xảy ra trong cuộc chiến, tôi không cố ý muốn hại bất kỳ ai’.”

Lời xin lỗi và chuộc lỗi

Eddie sau đó đã tìm gặp Tướng Loan để xin lỗi trực tiếp. Tướng Loan đã không thù hận hay cay đắng, ông chấp nhận lời xin lỗi của Eddie và nói rằng “Ông chỉ làm phận sự của ông, cũng như tôi đã làm phận sự của tôi”. Và trong cuộc phỏng vấn của báo chí khi có tin tướng Loan từ trần vào năm 1998, Eddie đã ca tụng Tướng Loan là một anh hùng.

Eddie Adams còn một nỗi hối hận khác đó là cuộc chiến đã đem lại một kết quả thảm khốc cho người dân Nam Việt Nam. Khác với hầu hết những người làm truyền thông Mỹ đã tìm được vinh quang nghề nghiệp bằng cuộc chiến VN và đã đóng góp không ít cho sự thất thủ của miền nam Việt Nam, cho đến hôm nay với bao thảm cảnh đã và đang xảy ra cho (...), họ vẫn chưa một lần nhìn lại việc làm của mình để nhận ra sự thật. Eddie Adams đã không chỉ hối hận và nói lời xin lỗi xuông, ông đã tìm cách chuộc lỗi của mình bằng cách trở về biển (...) chụp những bức hình, một lần nữa gây xôn xao dư luận thế giới và nhất là Hoa Kỳ, những bức hình nói lên cảnh đau thương của người (...) vượt biển đi tìm tự do trong cái chết để tìm sự sống. Bức hình nổi tiếng được ông đặt tên là “Con thuyền không có nụ cười” chụp hình một bà mẹ ôm đứa con đã chết cứng trong vòng tay, một đứa khác đang mệt lả sau lưng bà. Gương mặt của người phụ nữ diễn tả sự đau đớn tột cùng, và ánh mắt của bà nói lên tâm trạng của thuyền nhân; mỏi mệt, đau đớn, hoảng sợ, và tuyệt vọng. Ông đã dùng bức hình này để đặt tên cho bộ sưu tập mang tên “Con Thuyền Không Có Nụ Cười”. Bộ sưu tập nói về thảm cảnh của thuyền nhân này đã được gửi lên Quốc hội Hoa Kỳ trong cuộc vận động cho việc Hoa kỳ chấp nhận người (...) tị nạn tại Hoa kỳ mở đầu cho cuộc di dân của gần 2 triệu người (...) vào Mỹ trong gần 35 năm qua và còn đang tiếp diễn. Tất nhiên, những đóng góp của Eddie trong cuộc vận động này chỉ là sự mở đầu, đã phải có nhiều cuộc tranh đấu gay go khác trong nhiều thời điểm khac nhau để cuộc di dân khổng lồ mà trong lịch sử người Mỹ chưa bao giờ dành cho bất kỳ cựu đồng minh nào trên thế giới. Phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams với lương tâm và trách nhiệm, ông đã can đảm nhận lỗi và chuộc lỗi. Và đã nhiều lần ông nói lên lòng mong mỏi của ông là được mọi người biết đến tên tuổi của ông bằng sưu tập “Con thuyền không có nụ cười” gồm những bức hình giúp người, chứ không phải bằng bức hình “Saigon Xử Tử”, một bức hình đã hại người.

Triển lãm và chiếu phim về cuộc đời và tác phẩm
của Eddie Adams tại Đại học UT Austin

Eddi Adams sinh năm 1933, mất năm 2004. Ông bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh ảnh từ những năm còn học trung học tại Hensington, tiểu bang Pensylvania. Ông từng là nhiếp ảnh viên của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến trong chiến tranh Triều Tiên. Năm 1962, ông cộng tác với AP. Sau 10 năm ông đổi sang tuần báo Time. Năm 1976, ông trở lại làm việc cho AP và là phóng viên nhiếp ảnh duy nhất được giữ danh hiệu Thông tín viên đặc biệt của hãng thông tấn này. Từ năm 1980 tới khi ông mất vào năm 2004, ông làm nhiếp ảnh viên cho báo Parade chuyên cho tin về những nhân vật nổi tiếng, những vấn đề về sức khoẻ, và những tin đặc biệt cần biết. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, hình của ông được chọn làm bìa cho trên 350 số báo. Ngoài Pulitzer Prize, Eddie nhận trên 500 giải thưởng nhiếp ảnh báo chí Hoa kỳ và trên toàn thế giới.

Di sản vĩ đại của ông bao gồm 200 bộ Anh trải dài với slides, âm ảnh, hình, băng ghi âm, băng hình, bản tin, nhật ký, bản thảo. Bên cạnh phần lớn là những hình ảnh, tin tức về chiến tranh Việt Nam, còn có những bộ sưu tập ông đã bỏ nhiều thời gian và tim óc để thực hiện như bộ sưu tập nói lên cảnh nghèo tại Mỹ, những người homeless, Mẹ Teresa, hình ảnh về Brazil, những cuộc biểu tình chống chiến tranh và đặc biệt là hình ảnh của một số nhân vật nổi tiếng trong mọi lãnh vực cùng thời với ông như TT. Ronal Reagan, Filadel Castro, Clint Eastwood, Bette Davis, Bill Cosby,…

Tháng 9, 2009 vừa qua, quả phụ Alyssa Adams đã tặng toàn bộ di sản kể trên cho Đại học Texas (UT) tại Austin để đại học này thành lập một thư khố dùng làm tài liệu giảng dạy cho ngành nhiếp ảnh. Ông William Powers Jr., Hiệu trưởng Đại học UT tại Austin đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng: “Eddie Adams là một ký giả nhiếp ảnh với một thiên tài. Bộ sưu tập của ông đem đến cho đại học thêm một nguồn tài liệu vô giá để giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử Hoa kỳ vào thế kỷ 20 và đặc biệt cho ngành nhiếp ảnh báo chí. Chúng tôi thật mang ơn bà Alyssa Adams về món quà vĩ đại và quan trọng này.” Ông Powers còn cho biết trị giá của bộ sưu tập này khoảng 7 tới 8 triệu đô la.

Đại học UT tại Austin đã thực hiện một cuộc triển lãm đầu tiên gồm 28 bức hình chọn lọc và một số hình bià của báo Parade để giới thiệu bộ sưu tập Eddie Adams. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 16 tháng 1, năm 2010 tại The Dolph Briscoe Center for American History Research and Collection, tại số 1 đường University Station D1100, Austin, Texas, 78712. Giờ mở cửa từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều từ thứ Hai tới thứ Sáu. Thứ Bảy nếu không có football game hoặc là ngày lễ, sẽ mở cửa từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều.

Một buổi chiếu phim “An Unlikely Weapon: The Eddie Adams Story”, phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Eddie Adams sẽ được tổ chức tại Blanton Auditorium tại Edgar A Smith Building, Blanton Museum of Art, tại số 200 E. MLK Blvd. Austin, TX. 78701, vào lúc 6 giờ tới 8 giờ 30 tối thứ Tư 28 tháng 10 với sự góp mặt và phát biểu của bà Alyssa Adams và một số nhân vật quan trọng khác. Nhân dịp này, người viết sẽ liên lạc để phỏng vấn bà Alyssa Adams để tìm hiểu sâu sa về những suy nghĩ và cảm tưởng của bà cũng như của chồng bà khi còn sinh tiền về chiến tranh (...), về con người (...) và những trăn trở cũng như những điều khiến cho chồng bà thay đổi cái nhìn về chiến tranh (...). Mời quý độc giả đón đọc.

Mọi chi tiết về cuộc triển lãm và chiếu phim vào cửa tự do nói trên, xin liên lạc với cô Erin Purdy. Điện thoại số 512-495-4692.

Triều Giang
Tháng 10/2009

*****************

source

Viet Tribune Online

Wednesday 7 October 2009

Poipet


Poipet

09-1004-02-poipet border.jpg
Trịnh Hội

Cũng vì chén nước mắm thơm phưng phức và mâm bánh hỏi đang nằm khiêu khích trên mặt bàn mà tuy thân xác đang nằm ở biên giới Thái-Miên nhưng thần trí của tôi hình như lúc ấy đã trôi lạc về tận Sài Gòn, Thủ Ðức. Cũng đã khá lâu rồi tôi chưa có dịp trở về thăm quê mẹ. Mới thấy đó mà một năm đã trôi qua. Và có biết bao sự việc đã xảy ra kể cả những điều mà chính người trong cuộc cũng không thể nào ngờ là nó có thể xảy ra mau đến vậy. Thế mà nó vẫn đến. Và hững hờ đi sau khi để lại những chứng tích không thể nào xóa mờ được.
Nếu tôi không nhầm, chỉ cần ngồi xe vài tiếng đồng hồ nữa là sẽ đến Phnom Penh. Và từ đó đến biên giới Việt-Miên không xa quá là bao. Nhưng tôi bỗng chợt nghĩ, quê hương (...) lúc này tuy rất gần, như có thể với tay chạm lấy nó nhưng cùng một lúc, tôi cũng tự biết là nó đang rất xa mình. Xa vời vợi, xa thật xa mà chẳng biết đến bao giờ tôi mới có cơ hội trở về trong nỗi niềm hân hoan, hạnh phúc.

Sau khi ăn xong và trả tiền bill cho bà chủ quán (là người Thái chứ không phải người Việt), tôi cũng chẳng buồn hỏi tại sao bà lại nấu món ăn Việt Nam để bán vì nhìn ra đường tôi chợt thấy có khá nhiều người đang nhanh chân đi về phía cổng biên giới.
Họ sắp đóng cửa chăng? Hay là những người như tôi chưa có visa phải lo mau lẹ đến nộp đơn trước 5 giờ là giờ các cơ quan hành chính thường đóng cửa nghỉ việc?

Chân lo sải bước theo dòng người nên tôi cũng không để ý kỹ là có nhiều dịch vụ lo visa vào Cambodia trên dãy đất Thái phía bên này hay không. Ðêm trước khi khởi hành tôi đã lên Internet để tìm hiểu và biết khá rõ về thủ tục đi lại ở mốc biên giới này. Theo như lời khuyên của nhiều tay backpackers ‘Tây ba lô’ thuộc hàng kỳ cựu thì trong những năm gần đây vì việc đi lại đã dễ dàng và các thủ tục giấy tờ xin visa đã được đơn giản hóa tối đa nên tôi không cần phải nhờ vào bất cứ một dịch vụ nào mà tự tôi có thể một mình đi bộ qua biên giới và sau đó xin visa nhập cảnh ở ngay tại cửa khẩu phía bên Cambodia.
Tiền lệ phí là 20 đô y như các hành khách khác bay vào thủ đô Phnom Penh.
Thế là tôi mạnh dạn rảo bước. Mặc cho bao lời chào mời tôi dùng dịch vụ của họ. Hoặc sử dụng xe của họ để đi tiếp đến Siem Reap. Nghe nói đâu trước đây từ Poipet đến Siem Reap, nếu dùng taxi cũng phải mất ít nhất từ 4 cho đến 5 tiếng vì đường phố vẫn còn đầy ổ gà, lầy lụa khó đi. Vì thế cũng không có nhiều xe để đón. Nhưng kể từ đầu năm nay khi con đường mới rộng thênh thang được khánh thành thì chuyến đi chỉ ngốn nhiều nhất là hai tiếng đồng hồ của khách và nhờ vậy, có rất nhiều xe taxi ở phía bên kia sau khi thả khách đi từ Siem Reap đến Poipet sẽ ở lại để chờ khách đi ngược trở về Siem Reap.
Và đúng như có người đã từng nói: Knowledge is Power. Kiến Thức là Quyền Lực. Nhờ biết trước mà tôi đã hoàn toàn không bị hớ trong những chuyến đi du hành như thế này.
Không phải là backpacker thuộc hạng kỳ cựu lại chẳng có sự ngổ ngáo cóc sợ chết của những tay anh chị đã bao năm phiêu bạt giang hồ, trước khi đến những nơi hẻo lánh hoặc không biết tí ti gì về nó, điều đầu tiên tôi làm là mua cho mình một cuốn sách chỉ dẫn du lịch travel guide của Lonely Planet. Và sau khi đọc xong, trước khi khởi hành, tôi thường lên Internet google thử xem có tin tức gì mới hay không liên quan đến nơi tôi sắp đến.
Không ít thì nhiều bạn sẽ đọc được những kinh nghiệm khác nhau của những người đi trước.
Và từ đó bạn sẽ chọn lọc được cho mình những tin tức mới nhất, hữu ích nhất cho chuyến đi của bạn. Kể cả cách bạn cần phải xử sự ra sao nếu gặp phải sự lộng quyền của những người lẽ ra phải giúp bạn.

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh nước Thái và bước ra bên ngoài building để đi về phần đất của Cambodia, không như người bản xứ từng đoàn từng nhóm cứ tự tiện đi qua đi lại hai bên không một ai xét hỏi, tôi và người bạn cùng đi chung tự biết phải đi thẳng đến nơi có bảng chỉ dẫn ghi rõ ‘Visa Office’ để xin nhập cảnh.
Ðầu tiên tôi dùng tiếng Anh để hỏi xin tờ đơn để điền vào.
Không một câu trả lời chỉ hất hàm đưa mắt nhìn về phía góc tường bên cạnh.
À! Thì ra nó nằm ở bên đó. Thank you very much. Cảm ơn anh.
Sau khi điền xong, tôi đính kèm một tấm ảnh chụp bán thân passport photo của tôi như thủ tục đòi hỏi. Nhưng ngặt nỗi cô bạn của tôi lại quên không mang theo tấm ảnh passport nào bên mình.
Thế là thủ tục đầu tiên - tiền đâu đã được nhắc đến một cách hoàn toàn công khai, không giấu diếm trước mặt mọi người. Khách cũng như quan.
‘3,000 bahts for one visa’ (3,000 bahts cho một visa) (3,000 bahts tương đương với khoảng US$90-$100).
‘I'm sorry. Why 3,000 bahts sir? Isn't it only $20 for each visa?’ (Xin lỗi ông tại sao 3,000 bahts? Không phải là 20 đô mỗi visa sao?).
‘No photo, 3,000 bahts’ (Không hình, 3,000 bahts).
But I have photo. Only my friend doesn't have one (Nhưng tôi có hình. Chỉ có bạn tôi là không có thôi).
‘OK. Then you 20 dollars. Your friend 3,000 bahts.’
‘Oh. I see. Is there a photo shop around here?’ (À. Thì ra là vậy. Ở đây có shop chụp hình không?)
‘No. No shop. You pay 3,000 bahts’ (Không có shop ở đây. Phải trả 3,000 bahts).
‘But I don't have 3,000 bahts’ (Nhưng tôi không có 3,000 bahts).
‘How much you have?’ (Mày có bao nhiêu?)
‘I only have 200 bahts left’ (Tôi chỉ còn có 200 bahts) (Khoảng 7 đô).
‘1,000 bahts, OK?’
‘I only have 200 bahts.’
‘500 bahts for photo?’
‘No, I only have 200 bahts.’
‘500 bahts you have?’
‘No, I only have 200 bahts.’
...
‘OK. You pay 40 US dollars for 2 visas. 200 bahts for photo. I do it for you.’
...
Ummmmm...
...
...
OK. Thank you sir.
...
Thật là hết chỗ nói. Chưa bao giờ tôi chứng kiến thấy tận mắt cảnh nhân viên hải quan ăn hối lộ trắng trợn và trơ trẽn như thế này. Lần đầu tiên tôi đến Phnom Penh vào khoảng năm 2005, tôi đã bị nhân viên hải quan hỏi thẳng ngay tại quầy làm giấy nhập cảnh là tôi có 10 đô không cho anh ta xin (và dĩ nhiên là tôi bảo tôi không có). Nhưng sau đó thì anh ta vẫn cho tôi qua.
Nhưng 4 năm sau, hình như thói quen làm tiền khách du lịch trông vẫn có vẻ không được khá hơn cho lắm ở cái xứ nghèo khó này. Ở điểm này tôi chợt nghĩ có thể nói (...) đã có nhiều thay đổi tích cực. Không còn những cảnh (...) kiều về thăm quê hương bị làm tiền một cách trắng trợn. Và hơn bao giờ hết, thái độ cũng như cách làm việc của các nhân viên ở cả hai cửa khẩu (...) và (...) tôi nhận thấy ngày càng tốt và văn minh hơn. Ít nhất ra là cũng đối với riêng tôi.
Hay ít nhất ra là cũng hơn một tí các cậu ở nhà bên cạnh.
(Còn tiếp)

********************

source

Oneviet

Friday 2 October 2009

Xem tranh Võ Tá Đồng


August 14, 2009


Thanh Thương Hoàng

Đây là lần thứ hai bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng mở cuộc triển lãm tranh. Lần trước năm ngoái cũng vào ngày tháng này và cũng tại địa điểm này, họa sĩ Võ Tá Đồng lần đầu tiên “ra mắt” một số lượng tranh khá lớn đã làm nhiều người ngạc nhiên không ít. Ngay bà dược sĩ chủ nhà thuốc tây cạnh phòng mạch BS Võ Tá Đồng cũng sửng sốt kêu lên: “Tôi ở bên cạnh ông ấy bao nhiêu năm nay mà đâu có biết ông ấy là họa sĩ!”. Vâng, ông bác sĩ này vốn là người khiêm tốn lại ít nói. Ông ít nói về mình. Ông chủ trương để những bức họa của mình “nói” thay mình.

Hình trái: Bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng, trái, hoạ sĩ Trương Thị Thịnh và nhà văn Trương Vũ trong ngày khai mạc phòng tranh. Hình phải: Nữ nhạc sĩ Tú Minh, trái, và Cô Laurianne Le (Lợi), người tổ chức phòng tranh. Photo Trương Xuân Mẫn

Lần triển lãm thứ hai này cũng gây ngạc nhiên không ít, ngoài những bạn bè thân thiết, những người khách phương xa du ngoạn thành phố Thung Lũng Hoa Vàng, tình cờ bước vào phòng tranh Võ Tá Đồng đã không ngớt lời khen tặng. Có vị kéo tay nhà họa sĩ tới ngay trước bức tranh “Hoàng Hôn Trên Sông” nói: “Tôi lấy bức tranh này”. Bức tranh vẽ buổi hoàng hôn trên sông với trời nước bao la hòa quyện trộn lẫn trong một mầu vàng tươi sậm. Giữa dòng sông là ba chiếc thuyền nan nhỏ xíu lững lờ trôi. (Phải chăng đó là tượng trưng cho những phận người nhỏ nhoi lênh đênh trên dòng đời mênh mông dưới một tia sáng (nhỏ) mặt trời rọi chiếu. Bên kia ven sông là xóm làng quê với những vòm cây xám đen âm u thầm lặng. Bầu trời mênh mông vàng thắm như tấm lụa cùng với con sông nước (cũng vàng thắm như tấm lụa) bao quanh trùm phủ xóm làng. Đây rõ ràng là điển hình một xóm làng Việt Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù trải qua bao biến thiên vẫn chẳng hề thay đổi sắc mầu, thay đổi da thịt! Vẫn mầu vàng quê hương nồng thắm Việt Nam với tầng cây xanh đậm hay dầy đặc những hàng dừa xanh ngắt từ muôn đời, không phai mầu, không trơ trụi. Vị khách quả là người tinh ý và bén nhậy khi chọn lựa mua ngay bức tranh này.

Tranh Võ Tá Đồng-Chân Dung Nữ nhạc sĩ Tú Minh.Photo Trương Xuân Mẫn

Một vị khách khác dưới quận Cam lên sau khi mua bức “Bác sĩ Nguyễn Thế Kiệt” nhất định đòi mua thêm bức “Nỗi Nhớ Quê”. Tiếc rằng bức này đã có người mua từ lúc khai mạc phòng tranh. Tranh vẽ cái cầu tre với hai chân cầu mong manh, chênh vênh bắc ngang con sông nhỏ êm đềm thầm lặng đưa nước về những cánh đồng. Bên kia sông lác đác vài ba căn nhà mái tranh (lại cũng vàng thắm) thân yêu ngàn đời của miền thôn quê Việt Nam. Đề tài bức tranh không có gì mới lạ, nếu không nói là…rất cũ. Nhưng với nét vẽ của tác giả, nhìn vào bức tranh lòng người thưởng ngoạn không thấy cũ mà còn cảm thấy sao xuyến cả tâm can. Tình quê hương cứ thế rào rạt dâng lên. Ôi con sông nhỏ với “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, với xóm làng nghèo nàn đơn sơ những mái nhà lá xám vàng hiu hắt. Nỗi nhớ quê hương dài dằng dặc như dòng Cửu Long chẳng bao giờ ngưng chuyển nước. Nhưng ở phía sau những căn nhà lá đơn sơ đó (chắc chẳng phải tác giả vô tình) người ta thấy thấp thoáng một chân trời nơi chốn xa xa ẩn hiện những áng mây ngũ sắc như báo hiệu một mùa xuân lấp ló, đang đến gần. Người ta bảo mỗi bức tranh là một bài thơ không lời (A picture is a poem without word – Horace). Quả đúng như vậy.
Khác với lần triển lãm trước, lần này họa sĩ – tuy vẫn với tinh thần ngẫu hứng (thích là vẽ) có “phân định” cho phòng tranh của mình ba “lằn ranh” rõ rệt: 10 bức vẽ chân dung các nhân vật quen biết trong cộng đồng hay là bạn thân của tác giả. 10 bức vẽ phong cảnh – đa phần là cảnh quê xưa. 10 bức tranh trừu tượng. Thêm vào đó là mấy bức tranh “nuy” được tác giả “nhốt” trong một góc phòng nhỏ có màn che như muốn chỉ dành riêng cho quý ông “chiêm ngưỡng” đường nét diễm kiều hấp dẫn của những người đẹp, nhất là bức “Tắm Đêm”, vẽ một cô gái hoàn toàn để mình trần đứng bên vại nước sửa soạn dội nước xuống tấm thân ngà ngọc. (Nhiều đấng nam nhi muốn mua về nhà treo lắm – trong phòng ngủ hay phòng tắm thì thật tuyệt vời nhưng có lẽ ngại các “mợ” hoạn thư cự nự – nên đành ngắm tranh cho thỏa…con mắt!.)
Trước hết tôi muốn nói về 10 bức tranh trừu tượng. Đa số được vẽ trên khổ lớn với những mầu sắc xanh vàng đỏ tím tươi sáng, rực rỡ, mạnh bạo. Nhất là bức “Ngưỡng Cửa Thiên Đàng”. Phải nhìn nhận là tác giả công phu lắm khi vẽ và gửi gấm nhiều điều không thể nói bằng lời qua bức tranh này. Càng nhìn, càng ngắm (người coi) càng thấy muốn hiểu sao, nghĩ sao cũng được vì “nó” mông lung huyền ảo, không diễn tả một cái gì nhất định nhưng lại diễn tả rất nhiều. Có lẽ tác giả muốn dành phần này để khách thưởng ngoạn tự sáng tạo. Có một ông Tây đã nói người văn nghệ sĩ chỉ sáng tạo 50% tác phẩm, 50 % còn lại dành cho người thưởng ngoạn tự sáng tạo. Và “nghệ thuật vĩ đại cũng phi lý như âm nhạc vĩ đại. Nó điên cuồng với vẻ đáng yêu của nó”. (George Jean Nathan)
Về các bức vẽ chân dung, phải nói là tác giả đã thể hiện được “cái thần” hay nét đặc trưng của từng khuôn mặt của từng nhân vật. Mỗi khuôn mặt là một vẻ, một dáng điệu. Khi bước vào phòng tranh tôi không khỏi sững sờ với một bức tranh thật lớn, lớn nhất trong phòng tranh, vẽ một người đứng như người thật với khuôn mặt đăm chiêu nghiêm nghị, đôi mắt xa vời như đang đi tìm một cái gì đó ở nơi chốn chân trời nào đó. Đây là bức tranh duy nhất họa sĩ vẽ đủ mặt mũi thân mình chân tay một nhân vật chiếm trọn bức tranh. Đó là bức tranh vẽ nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh. Tôi tưởng như ông đang đứng trong khung vải. Nét vẽ sinh động của họa sĩ đã làm nhiều người hết lời ca ngợi. Rồi bức “Áo Tím Ngày Xưa” không phải chỉ riêng các ông mà các bà cũng thắc mắc “có phải là bà ấy không?”, “Thì còn ai vào đây nữa”. Bức tranh này làm tôi nhớ tới 4 câu thơ của thi sĩ Hải Phương: “Nghe rằng xưa tóc em dài. Nghe rằng áo tím sớm mai tới trường. Chỉ nghe chim hót ngoài vườn. Đọc thơ xứ Nghệ mà thương nàng kiều”. Còn nhiều bức chân dung có thể nói là ngó qua rồi khó quên như bức vẽ một nữ ca nhạc sĩ nổi danh (tôi xin không nêu tên). Như bức “Người Đi Trên Mây” với những đường nét tài hoa, sinh động. Mái tóc bạc bàn tay trái chống cằm, đôi mắt nhìn đâu đâu không biết. Tôi cũng là người đang đi trên mây nên rất thích bức tranh này. Hỏi mua thì được trả lời là có người đặt rồi.
Về 10 bức phong cảnh được nhiều người “chiêm ngưỡng” nhất. Có lẽ tình quê hương sau hơn 30 năm xa cách vẫn bừng bừng nở rộ trong tim mọi người khi nhìn thấy cảnh cũ vật xưa.
Bài viết đã khá dài mà tôi thì còn muốn viết nữa, vì còn quá nhiều điều muốn nói nhưng ông bạn chủ biên cứ luôn nhắc: “Ông ơi, một trang thôi nhé!” nên tôi xin mượn lời nhận xét của một họa sĩ nhà nghề để kết thúc bài báo này. Khi được hỏi anh có nhận xét gì về những bức tranh của họa sĩ Võ Tá Đồng, họa sĩ Đào Hải Triều đáp: “Tranh vẽ đẹp, đẹp lắm! Và tôi yêu nhất những bức vẽ về những chân trời cũ, tức cảnh đồng quê sông nước của quê hương chúng ta”. Còn bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng thì cho biết ông chưa hài lòng lắm về những “đưá con” của mình. Theo ông, chỉ khi nào những bức tranh được đời nhìn nhận là tác phẩm thì lúc đó mới dám nhận mình là họa sĩ.
Tôi không phải là họa sĩ, cũng không phải là nhà phê bình hội họa. Tôi chỉ viết theo cảm nhận chủ quan của tôi, một người thưởng ngoạn nghệ thuật trong một hiểu biết hạn hẹp về hội họa. Theo tôi, tranh của Võ Tá Đồng đa số đều vui tươi tràn đầy hy vọng, tràn đầy sức sống với những sắc mầu rực rỡ. Rất hiếm những cảnh đơn điệu tiêu điều buồn thảm tối tăm. (Chỉ có một bức duy nhất “Tiếng Hát Trương Chi” là buồn thôi, nhưng là cái buồn có từ ngàn xưa, chỉ còn dư vang ở lại). Phải chăng đó là tấm lòng của người thầy thuốc yêu người yêu đời đã trộn lẫn nghề vào với nghiệp? Người văn nghệ sĩ cũng như người thầy thuốc, phải có một tấm lòng thì mới thành đạt mong muốn hoài bão của mình. Nếu không chỉ là những thợ viết, thợ vẽ hay những con quạ đen khoác áo trắng rúc rỉa thân xác bệnh nhân.
Tôi tin con đường hội họa phía trước đang rộng mở để chờ đón những người tình nguyện dành cả đời mình cho nghệ thuật. Họa sĩ Võ Tá Đồng đang bước trên những bức họa của mình hôm nay để tiến tới danh phận một họa sĩ chính danh với những bức họa xứng đáng là những tác phẩm hội họa. [TTH]

*************************

source

Viet Tribune Online

Vật lưu niệm từ thời kỳ cộng sản Hungary



Bảo Thạch, Hoàng Nguyễn

Bài đăng ngày 02/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày 02/10/2009 17:28 TU

Đài kỷ niệm Tình hữu nghị Hungary – Liên Xô

Đài kỷ niệm Tình hữu nghị Hungary – Liên Xô

Ngày nay, khách du lịch hoặc những kẻ hoài niệm về một thời kỳ đã quá vãng, có thể đến Memento Park, một công viên lớn cách thủ đô Budapest 20 phút đường xe, để viếng thăm nhiều quần thể tượng đài anh hùng chiến sĩ và búa liềm, cùng với các chân dung Mác Lênin. Thậm chí, có người sưu tầm các pho tượng này như chơi đồ cổ, một khi các vật lưu niệm này không còn sức mê hoặc những kẻ nhẹ dạ

20 năm sau ngày “bức màn sắt” ngăn cách biên giới Hungary – Áo được dỡ bỏ, mở đường cho sự thống nhất của nước Đức và của một Châu Âu thống nhất, một đoạn màn sắt đã được dựng lại - một cách hình tượng - tại thủ đô Budapest.

Đoạn màn sắt này là tác phẩm của điêu khắc gia F. Kovács Attila, đặt trên vỉa hè đại lộ chính Andrássy (trung tâm Budapest), trước Bảo tàng Nhà Khủng bố (Terror Háza), nơi trưng bày những di chứng của hai thể chế độc tài toàn trị của thế kỷ XX.

Tượng đài Bức màn sắt trên đại lộ chính của thủ đô Budapest

Tượng đài Bức màn sắt trên đại lộ chính của thủ đô Budapest

Tên gọi chính thức của nó là Tượng đài Bức màn sắt, được khai trương vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc “Pích-ních Toàn Âu” (20-8-1989), khi hàng ngàn người Đông Đức đã tận dụng việc một cửa khẩu được bỏ ngỏ để tràn sang Áo mà không bị lính biên phòng Hungary ngăn cản.

Tác phẩm của nhà điêu khắc F. Kovács Attila là một khối hình hộp, có nhiều sợi dây xích rầt dày và hoen rỉ được bện lại và rủ từ đỉnh xuống đất, tượng trưng cho một bức màn sắt. Dưới chân tượng đài là từ “Bức màn sắt” (Vasfüggöny), được viết bằng đại đa số thứ tiếng Châu Âu.

Một bên của tượng đài khắc câu hỏi nổi tiếng trích từ thi phẩm “Bài ca Dân tộc” của thi hào Petőfi Sándor: “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” (Rabok legyünk vagy szabadok?), và dòng chữ động lòng: Bức màn sắt đã “Ngăn cách Đông và Tây, chia đôi Châu Âu và Thế giới, lấy đi tự do của chúng ta, giam chúng ta trong tù đày và nỗi sợ hãi, hành hạ và làm nhục chúng ta - rốt cục, chúng ta đã dỡ bỏ nó!”

Tác giả của đoạn “bức màn sắt” này đã thể hiện được sự lạnh lùng, vô cảm và ngột ngạt của “bức màn sắt” đã ngắn cách Đông – Tây hơn nửa thế kỷ, khiến giới trẻ Hungary có dịp tới thăm phải bàng hoàng về một quá khứ mà họ dù có nghe nói tới, nhưng không nắm bắt được cụ thể.

Tượng đài Bức màn sắt

Tượng đài Bức màn sắt

Ngoài rìa Budapest, cách trung tâm thủ đô chừng 20 phút xe hơi, có một công viên rất nổi tiếng, thu hút sự chú ý của nhiều du khách ngoại quốc đến thăm nước Hung. Đó là Bảo tàng Công viên Tượng (Szoborpark Múzeum), một phần của đề án lớn mang tên Mementó Park, một bộ sưu tập độc nhất vô nhị trên thế giới gồm những bức tượng, những đài kỷ niệm tiêu biểu của thể độ cộng sản tại Hungary.

Đây là một công viên để ngỏ, không có hàng rào che chắn, được bổ sung liên tục và tạo cảm tưởng dang dở (đây cũng là ngụ ý của nhà thiết kế khi ông ám chỉ thử nghiệm của thể chế “cộng sản hiện thực” ở Hungary là dang dở và đi vào ngõ cụt).

Trong công viên, có thể chiêm ngưỡng 42 bức tượng, tượng đài cỡ lớn, từng được đặt tại các quảng trường ở Budapest thời kỳ 1945-1989. Trong số đó, đáng chú ý là tượng đài “Tình hữu nghị Hungary – Liên Xô” (khắc họa hình ảnh một quân nhân Liên Xô đứng hiên ngang giơ một tay, mặt vênh vác, còn người lính Hung thì nắm cả hai tay, có vẻ rất sùng kính), hoặc đài kỷ niệm mang tên “Giải phóng” (ngợi ca biến cố quân đội Xô-viết đưa quân vào Hungary trong Đệ nhị Thế chiến – ngày nay, động thái đó đã được các sách sử Hungary coi là một sự chiếm đóng).

Cổng vào của Công viên Memento Park

Cổng vào của Công viên Memento Park

Cũng tại Công viên tượng, những bức tượng khổng lồ của các yếu nhân của phong trào công nhân thế giới (Marx và Engels) và Hungary, đặc biệt là các lãnh tụ Đệ tam Quốc tế Cộng sản như Lenin, Kun Béla, Dimitrov… đều được gìn giữ và sắp đặt một cách ấn tượng. (Pho tượng Stalin duy nhất ở Hungary đã bị phá hủy trong thời gian diễn ra cách mạng dân chủ 1956).

Một bức tượng nổi tiếng của Công viên là Tượng anh giải phóng quân Xô-viết, cao 6 mét, tay cầm lá cờ búa liềm, cổ đeo súng máy, có ánh mắt nhìn đe dọa. Bức tượng này từng được đặt trên đồi Gellért (trung tâm Budapest) và có thể nhìn thấy nó từ tất cả mọi điểm ở thủ đô.

Có thể nói, một thời, trong suốt hơn nửa thế kỷ của chế độ CNXH tại Hungary, những công trình kiến trúc này từng ngự trị tại các quảng trường Budapest, phục vụ hữu hiệu ý thức hệ cộng sản và đường lối văn hóa chỉ huy. Trong nhiều thế hệ, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Hung và đọng lại như những di chứng khó phai mờ của quá khứ.

Tượng đài Marx – Engels theo trường phái lập thể

Tượng đài Marx – Engels theo trường phái lập thể

Nhà điêu khắc Előd Ákos, người đề xướng ý tưởng thành lập Công viên tượng, khẳng định: “Công viên này nhắc nhớ về sự độc tài, nhưng trong khoảng khắc mà có thể nói, có thể ghi lại, có thể xây dựng được sự độc tài, thì trong giờ phút ấy, công viên này lại nói về dân chủ. Chỉ có dân chủ mới có thể tạo điều kiện để chúng ta có thể tự do suy ngẫm về độc tài - hoặc về dân chủ, hay về bất cứ điều gì khác”.

Đến thăm Bảo tàng, du khách có cảm giác như đang đi ngược lại thời gian, về những năm tháng mà Đông Âu còn nằm sau "bức màn thép" của thời kỳ Chiến tranh lạnh; quá khứ ấy, mặc dầu đã trôi qua gần hai thập niên, nhưng dường như vẫn lẩn khuất, hiện hữu đâu đây, giữa và trong mỗi chúng ta.

Có thể cảm nhận một cách sâu sắc điều đó qua bài thơ “Một câu về độc tài” (Egy mondat a zsarnokságról) của thi sĩ Hungary Illyés Gyula khắc trên cửa vào của bảo tàng viện đặc biệt này, trên nền sắt hoen rỉ. Không chỉ là một bản án, cáo trạng mạnh mẽ giáng vào các thể chế độc tài, bài thơ bị cấm đoán hơn ba thập niên này (từ 1956 đến 1988) còn có tác động gìn giữ và củng cố tình yêu tự do và công lý trong lòng người dân Hung. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ cuộc cách mạng 1956 của Hungary, Bảo tàng Công viên tượng đã được nhận tên mới và chính thức: Bảo tàng Một câu về độc tài.

Đài kỷ niệm Cộng hòa Xô-viết

Đài kỷ niệm Cộng hòa Xô-viết

Cũng có thế chứng kiến sự hiện hữu của những hồi quang quá khứ tại cửa hàng bán những vật lưu niệm từ thời cộng sản tại Công viên Tượng: băng đĩa, CD với những ca khúc ngợi ca lãnh tụ, ngợi ca đời sống mới, thúc giục cách mạng; những huân chương, huy chương, phù hiệu trao tặng các “anh hùng” trong “lao động, sản xuất và chiến đấu”; mô hình xe Trabant, được coi là đỉnh cao và niềm tự hào của nền công nghiệp XHCN Đông Đức; những áo phông có in hình và danh ngôn của các lãnh tụ cộng sản, hoặc những vật dụng thời “bao cấp” tại Hungary (Hungary cũng có những thập niên “bao cấp” với nền kinh tế kế hoạch tập trung như ở (...)).

Đặc biệt được thích thú là những vỏ đồ hộp xưa được đóng lại với vỏ ngoài mang đậm dấu vết thời xưa, với hàng chữ “Hơi thở cuối cùng của CNCS”. Còn rất nhiều những điều thú vị như thế khi chúng ta đến thăm bảo tàng viện đặc biệt này. Không chỉ những hình ảnh, dấu ấn của thời cộng sản, mà sự hoài niệm, “vang bóng một thời” cũng rất rõ nét tại nhiều địa điểm giải trí ở Budapest.

Một trong số đó là Quán bia, tiệm cà phê mang tên Café Lánchíd Söröző tại trung tâm thủ đô Budapest, dưới chân Cầu Xích, cây cầu cổ nhất của Budapest đã có hơn 150 tuổi. Được coi là quán café và bia có không khí đô thị nhất của Budapest, Café Lánchíd Söröző có vài ngàn tấm ảnh đen trắng về những ngày xưa cũ treo trên tường, và rất nhiều những đồ vật nhắc nhớ quá khứ.

Đa số khách đến đây là người nước ngoài (đặc biệt là người Đức, Áo), họ thích thú vì có thể nhìn lại, hồi tưởng những con người, những địa danh từ Prague, Budapest đến New York, có dịp cầm trong tay những vỏ băng, đĩa từ hơn nửa thế kỷ, lắng nghe những bản nhạc hiếm, “độc” của các thập niên 50-60.

Tượng Lenin

Tượng Lenin

Rất nhiều khách đến đây để cùng nhau xem lại một concert, một bộ phim hay một trận đấu bóng đá huyền thoại nào đó trong ký ức, bên cốc bia Hungary, trong bầu không khí thân tình của những ngày xưa. Theo đánh giá của người sành điệu, với giá cả phải coi là rất rẻ so với du khách ngoại quốc, thì đây quả là một lựa chọn “5 sao” khi họ muốn tìm về hoài niềm quá khứ khi đến thủ đô Budapest của Cộng hòa Hungary! ******************************
source
RFI