Thursday 29 April 2010

Cánh đồng hoa Mỹ Tho


Cánh đồng hoa Mỹ Tho
Cập nhật lúc 2:33:35 AM - 17/04/2010

1.jpg


Cánh đồng hoa vàng ngời tuyệt đẹp.


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Mỗi lần về Việt Nam, tôi thường gặp các bạn trẻ nhiếp ảnh các quận quanh Sài Gòn. Tuy nói bạn trẻ thực ra cũng không ít bạn quá lục tuần như anh Điển giáo chức, anh Ngọc Sơn nhạc sĩ thời trước 75, nay chuyên viết nhạc film. Nhóm bạn ảnh này có lối sinh hoạt vừa bình dân đạm bạc, lại tình cảm anh em, làm cho tôi ngày càng gần gũi hơn, cơ hồ như tôi cũng là một thành viên chính thức vậy. Trong số đó, Thanh là người năng động xông xáo nhất, mỗi khi anh em vấp váp về máy móc, hay cần “cài đặt phần mềm” hoặc một vấn đề nào đó trong chuyên môn, đều được Thanh sốt sắng giúp đỡ. Tôi học thêm được nhiều điều mà tự mình khó biết đâu tìm.

Năm nay, sau những ngày đi Sapa chụp ảnh mùa lúa chín, các bạn tiếp tục lên các tỉnh vùng Tây Bắc, tôi quay vào Quảng Bình tìm chùa Kim Phong núi Thần Đinh (1), hẹn gặp nhau tại Sài Gòn đi miền Tây chụp mùa nước nổi.


Không phải lúc nào công việc định trước cũng đúng theo lịch trình, chuyện “mùa nước nổi” bị trôi qua do anh em nhiều việc, đến đầu tháng 2-2010, nhóm có chuyến đi làng hoa Mỹ Tho. Từ Nha Trang tôi vào tháp tùng, tưởng như những lần trước, chương trình tự phát, hóa ra lần đi này do CLB nhiếp ảnh Gia Định tổ chức, thuê bao xe hơi, không phải chạy xe gắn máy. Tôi do dự vì mình không là hội viên thì đi thế nào, song Thanh đã ghi tên giùm, và bảo đảm không có gì lôi thôi. Hoa là đề tài quá quen, không hấp dẫn mấy, nhưng trên đường đi biết đâu không gặp cái hay, hơn nữa có dịp đi là quí rồi. 4 giờ kém điện thoại reo, Thanh chờ đón tôi trước khách sạn để đến địa điểm tập trung, 4 giờ 30 khởi hành.


2.jpg


“Phái đoàn” nhiếp ảnh viên nghỉ mệt.


Sài Gòn, chạy xe vào giờ này thật thú vị, không bị bụi bặm không bị tiếng còi inh tai, trời mát mẻ dễ chịu. Chúng tôi vào khu cư xá Bắc Hải, nhà anh Thủy (chủ nhiệm CLB) đã có một một số các bạn ảnh ngồi rải rác trên vỉa hè bên kia đường. Ai cũng đai bị, chân máy, ba lô, như chuẩn bị cho một cuộc hành quân xa. Trong khi chờ xe đến, anh em từng nhóm quây quần bên bàn cà phê kháo nhau đủ thứ chuyện. Tôi thắc mắc về “Cư xá Bắc Hải”, trong XHCN không có cư xá, không có chung cư (sau này mới dùng chữ chung cư) chỉ có “khu tập thể”. Một người cho biết, cư xá Bắc Hải là nơi ở của nhiều tướng tá trước 75, “tướng râu kẽm” (2) cũng một thời ở đấy.


Xe hợp đồng 4 giờ 30 khởi hành mà đã trễ hơn tiếng, chả thấy đâu, cuối cùng phải thuê xe khác. Làm ăn ở xứ mình thoải mái thật, thích thì đi, không thì thôi chẳng cần thông báo, nghĩa là “siêu tự do”. Chiếc xe vừa vặn cho 16 người. Tài xế chạy theo những đường mới mở: “xa lộ Đông Tây”, cao tốc Bình Chánh Mỹ Tho, mỗi chiều hai làn xe, đường cao hơn mặt ruộng chừng 2m, chẳng khác gì Free Way ở Mỹ, nhưng ít xe lưu thông.

Lúc về gần Mỹ Tho, mặt trời vừa lên sau màn sương, sương sớm ở Việt Nam không dày đặc như sương mù ở Luân Đôn hay ở California vào mùa Thu, một thứ sương mỏng như “voan”, cảnh vật từng lớp mờ dần nhẹ nhàng như một bức tranh thủy mạc. Nghe tiếng hít hà khen đẹp, xe từ từ dừng (3), anh em đổ bộ xuống bên đường và nhanh chóng tản ra “sáng tác”. Mặt trời không lớn lắm, và ửng một màu hồng nhè nhẹ, như gương mặt hây hây e thẹn của người con gái dậy thì. Chốc chốc vài ba em nữ sinh thong thả đạp xe qua, màu áo ấm nổi trên nền làng mạc xa xa xám nhạt. Tôi bất chợt trở về một thời xa thật xa của tuổi học trò, những tà áo trắng nơi bến đò Thừa Phủ (Huế) vào những buổi sáng tinh mơ, sông Hương sương phủ mờ. Cảnh trí cho dù không đặc sắc khi ra ảnh, song đối với tôi đây là giây phút hiếm hoi để được sống lại những ngày qua, những ngày thần tiên êm đềm của tuổi học trò. Với đà “phát triển” của đất nước hôm nay, tôi e những hình ảnh thơ mộng của sông Hương núi Ngự sẽ không bao giờ tìm lại được. Tuy ngày nay “văn hóa” được rêu rao cổ xúy khắp hang cùng ngõ hẻm, từ Bắc chí Nam, song, thực tâm mà nói, ai cũng thấy một đất nước chưa có được nền giáo dục đúng nghĩa, thì “văn hóa” ở đâu ra. Hàng ngày biết bao nhiêu điều không mấy tốt đẹp từ nhà trường, từ lớp mẫu giáo lên đại học. “Chạy trường, chạy chức, chạy việc, mua bán bằng...” có lẽ ngoài Việt Nam, thế giới không nơi nào có. Thương và tiếc cho tuổi trẻ hôm nay...lầm lũi đi trong sương mù.


3.jpg


Ba tà áo ấm nữ sinh trong ánh nắng mai mù sương.


Người hướng dẫn cho biết đã gần đến địa điểm chụp hoa, anh em cứ việc thong thả. Mỗi khi có dịp về đồng quê, nhất là lúc bình minh hay chiều tà, người chơi ảnh như sa vào mê hồn trận, nhiều người lội xuống bờ ruộng hạ thấp máy, tìm một góc riêng để tác phẩm khỏi “đụng hàng”. Tôi tách ra đưa máy theo ba em nữ sinh thong thả đạp xe qua lộ. Màu sắc và đường nét rất ăn khớp với bối cảnh. Nếu trong cảnh mù sương mà ba tà áo trắng tung bay, thì chắc không có gì bắt mắt. Ở đây nhờ ba màu áo ấm choàng ngoài, làm cho ảnh rõ tương phản về màu sắc lẫn đường nét. Cũng đến nửa tiếng, xe mới nổ máy tiếp tục. Ra khỏi đường cao tốc, chạy thêm một đoạn đã thấy những thửa ruộng hoa hai bên đường. Xuống xe đi bộ vào xóm, chừng vài trăm mét, là cả một cánh đồng hoa vàng rực trước mặt, mãi tận xóm làng nơi chân trời. Lâu nay chỉ nghe nói hoa vườn, chưa thấy đồng hoa bao giờ. Ở Cali vào mùa Xuân, những cánh đồng hoa Poppy bạt ngàn ở vùng Lancaster, nhưng không rực rỡ như nơi đây. Poppy là hoa dại nhỏ cánh, có màu mà không có dáng. Sắc vàng của cánh đồng hoa như nhuốm lên cảnh vật và người. Ai ai cũng thấy hăm hở trong người, một cảm giác tươi vui tưởng như mình trẻ lại.

Nắng lên, màu hoa càng tươi hơn, vài ba nhân công đang tưới nước (4), một cụm năm bảy người bê hoa tập trung một chỗ để chuyển ra lộ cho thương lái chở đi. Sinh hoạt trên cánh đồng hoa không có gì rộn ràng tấp nập như đồng lúa ngày mùa... Người cầm máy tự động tìm góc độ riêng cho mình. Không ai làm vai trò dàn dựng, nên trong khi chụp, người thì bảo “cười đi”, người thì kêu khom xuống...Cái đặc biệt ở đây là nguyên cánh đồng hoa vàng. Hoa cúc nhiều loại: Cung Mâm Xôi, cúc Hà Lan, cúc vàng “hè”, hoa Vạn Thọ...Cúc Hà Lan bông lớn vừa phải, cánh hoa thưa xếp nếp rõ rệt, không dày đặc như cúc Đại Đóa. Một vài đám Trạng Nguyên đỏ thắm hay Vạn Thọ sẫm màu, nhờ vậy anh em có nhiều bố cục cho tác phẩm của mình. Anh em nhiếp ảnh phân mỏng nhiều tốp ra nhiều hướng, nhưng đề tài thì cũng bấy nhiêu, một số đi tìm những hình ảnh cận cảnh (close up).


4.jpg


Công nhân đang tưới nước cánh đồng hoa.


Nắng lên cao, hoa như nghe đã nặng máy, nhưng mọi người vẫn mải mê “săn lùng”, tôi đi lần ra lộ vào quán giải khát, một xe vận tải đang dừng trước đường, chờ đưa hoa lên xe. Các chị gánh hoa từ ngoài đồng về xếp thành một khuỷnh trước sân nhà quán. Những giỏ hoa bao kín giấy báo, chỉ hé tí xíu, nhìn chị gánh hoa hôm nay, tuy là hình ảnh “lao động tốt”, nhưng chắc không thể nào giúp nhạc sĩ Hoàng Giác có được tác phẩm Mơ Hoa với hình ảnh thơ mộng thuở nào:


Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân
Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời
Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên,
Quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ.


Chị gánh hoa hôm nay mặt bịt kín vì nắng gió, vì bầu không khí của thời đại mới không còn trong lành dù nơi đồng quê thôn dã. Không cứ gì những người lao động chân tay phải trùm đầu bịt mặt, các thiếu nữ thị thành chạy xe trên đường phố cũng chỉ còn hai con mắt, đố ai biết được đẹp xấu ra sao. Ngày trước, người ta thường đổ lỗi do các cô đẹp mới gây ra tai nạn giao thông, ngày nay không hiểu lý do gì mà trong mấy ngày Tết Canh Dần vừa qua, có đến 300 người thiệt mạng, liệu nhà sản xuất và bán “mũ bảo hiểm” có bồi thường cho nạn nhân đồng nào không. Ngoài Việt Nam, thế giới không nước nào có loại “bảo hiểm” này.

Ngồi trong quán nhìn ra đường, thỉnh thoảng một vài cô gái đạp xe xuống vườn mua hoa về, cảnh hay hay, máy ảnh có việc làm. Hỏi thăm bà quán về đồng hoa, bà cho biết đây là ấp Hộ Gia, xã Mỹ Lợi, cách thành phố Mỹ Tho 2km. Lát sau, anh em đã lục tục kéo ra, đồng hồ quá 11 giờ, nghỉ giải lao một lúc, xe tiếp tục đưa đoàn về thành phố nghỉ trưa, chiều có chương trình khác. Ngày Xuân có dịp du hành ngoại dã, lại được tiếp xúc với nhiều người, học thêm những điều mới của xã hội Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên không phải thứ gì cũng học được, nhất là ngôn ngữ ngày nay biến thiên đến dị dạng, học để tránh ngộ nhận chứ còn áp dụng thì không phải dễ. Đôi lúc nghe “văn chương tuổi trẻ” y như một thứ tiếng xa lạ, có người bảo muốn sửa lại cho ngay ngắn trong sáng cũng phải vài trăm năm. Lỗi vì ai!


02 – 2010


(1). Trang 136 QHQOK tập 10

(2). Biệt danh của NCK lúc còn là tướng không quân trước 75. Tướng NCK gây tai tiếng nhiều trong CĐ người Việt tị nạn do về làm ăn với (...) và tỏ ra thần phục nịnh bợ quá đáng. Dư luận cho rằng với một anh lính quèn cũng không đốn mạt đến vậy, huống hồ nguyên một “lãnh đạo” quốc gia!

(3). Đặc biệt ở Việt Nam, trên Free Way, muốn dừng chỗ nào cũng được.

(4). Tưới nước vào gốc, tránh ướt hoa. Sáng sớm, hoa đã được lau sương, chờ ráo bọc giấy mang đi. Đây là “kỹ thuật” giữ hoa tươi lâu. Do đó không dùng hoa sen, ảnh thiếu linh động.


Đã có QHQOK tập 10.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.Từ nay đến hết ngày 31- 5- 2010 độc giả mua nguyên bộ (10 cuốn) chỉ trả 50% (110$ + 5$ cước phí).

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260, email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net

Tuesday 13 April 2010

Nghe sy Tran Cong Nhung











ẢNH: COLOR

MONOCHROME



Bàimới :March..2010

Cây Kiểng: SănCây

TảnMạnĐX: TảnmạnVII

QHQOK: Ở nơi xứ người - Tản mạn Mây tre

Trang ĐB: - Bên đời hiu quạnh - Tình anh QG - Tàu Trường Xuân

Mùa NL: Đoạn 8

Nhiếp Ảnh: Mắt người mắt máy

Thăng Trầm : Nghề chơi


Mùa Nước Lũ


A - B - C





Sau thời gian dài do trở ngại máy móc, do công việc

đăng đăng, trang Web như vạt đất hoang, nay

người "làm vườn" trở lại sửa sang quét dọn

bày biện chút đỉnh, nhưng việc làm cũng chỉ có tính

cách thủ công thô sơ. Gọi là cho vui thôi.

Mong các bạn thường ghé qua thông cảm .

(Ngày đầu năm con Cọp 2010)




Tản Mạn Đường Xa

Thăng Trầm

QH QuaỐngKính

trang Đặc Biệt

Buồn Vui NC Cây Kiểng

Viết Về Nhiếp Ảnh















Sông Lô Hà Giang
Đầm Nại Phan Rang




Sapa

Nhìn từ núi Bài Thơ Quảng Ninh


Home Previous Next

source

http://www.ltcn.net/nghethuat/A%206.htm