Monday 9 April 2012

Lãng mạn Sapa


Lãng mạn Sapa
Friday, February 10, 2012 2:59:19 PM


Pao Lâm

Có hai thành phố được xem là thơ mộng nhất Việt Nam, đó là Ðà Lạt và Sapa. Người ta nói Ðà Lạt là thành phố của tình yêu và Sapa là thành phố trong sương, đầy lãng mạn và tinh khôi.

Một kiến trúc kiểu Pháp ở Sapa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Thuộc khu vực Tây Bắc của Việt Nam, Sapa nằm trên vùng núi với độ cao trên 1,500 m, thuộc tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh Sapa được vẽ bằng những sáng tạo của con người và địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng và sắc màu nhảy múa trên trang phục của người dân tộc. Một bức tranh hài hòa tạo nên một vùng đất với nhiều cảnh sắc thơ mộng, nồng nàn và thân thiện.

Một cô gái người dân tộc ở thị trấn Sapa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Sapa là tên xuất phát từ tiếng quan thoại “Sa Pả”. “Sa” nghĩa là cát và “Pả” nghĩa là bãi. Ðịa danh “bãi cát” này cách thị xã Lào Cai 32 km đường núi. Ngày xưa chưa có thị trấn Sapa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói là “đi chợ Sa Pả”. Từ hai chữ “Sa Pả,” người phương Tây phát âm không có dấu, nên thành Sapa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là “Cha Pa” và một thời gian rất lâu người ta đều gọi “Cha Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt.

Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sapa chìm trong sương huyền ảo mỗi buổi sáng. Khí hậu nơi đây trong lành mát mẻ và mang nhiều sắc thái đa dạng. Quý vị sẽ được thấy bốn mùa trong một ngày ở Sapa khi sáng sớm thức dậy với hơi sương ẩm ướt của Mùa Xuân. Trưa đến, nắng vàng rực rỡ trải khắp núi rừng với một chút hơi nóng của Mùa Hè. Xế chiều, những tia nắng yếu dần để từng cơn gió thoảng qua mang hơi mát của Mùa Thu và cảm giác se lạnh, thoáng rùng mình của Mùa Ðông khi màn đêm buông xuống. Sapa mang sắc thái của xứ ôn đới với nhiệt độ trung bình 15-18 độ C, từ Tháng Năm đến Tháng Tám có mưa nhiều.

Các điểm du lịch

Chợ đêm Sapa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Sapa có đỉnh Phan Si Păng cao 3,143 m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi là Hoàng Liên Sơn bởi vì duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra, dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của nhiều loài gỗ quý và chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, 56 loài thú, 553 loài côn trùng, trong đó có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ” Việt Nam.

Núi Hàm Rồng nằm sát ngay thị trấn Sapa với cảnh đẹp mê hồn đầy hoa trái. Lên Hàm Rồng, quý vị sẽ lầm tưởng lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất. Thấp thoáng trong mây, ẩn hiện trong núi là tiếng đàn, sáo dập dìu và những tà áo sặc sỡ của người dân tộc Hmong. Ðỉnh Hàm Rồng là nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, bản Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói.

Ruộng bậc thang ở Sapa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Thị trấn Sapa duyên dáng và thanh lịch với những ngôi biệt thự cổ kính được xây dựng từ thời Pháp dịu dàng nép sau vườn cây xanh mướt với những lối đi quanh co, yên tĩnh. Chợ trung tâm Sapa khiêm nhường với những đặc sản của phố núi như thuốc bắc, thổ cẩm, vòng bạc, đồng. Nổi bật giữa thị trấn là nhà thờ cổ trang nghiêm mà gần gũi, cách đó không xa là một tu viện được xây chủ yếu bằng đá trên một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Chỉ cần thả bộ quanh thị trấn yên bình, lãng đãng mây đã thấy hương núi rừng lâng lâng và ngây ngất như đang say với men rượu cần.

Sapa nổi tiếng với thung lũng Mường Hoa có hơn 196 hòn đá cổ, chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Nhìn từ trên cao, thung lũng Mường Hoa như tấm thảm xanh trong mùa lúa đòng đòng, quanh co uốn lượn dọc theo dòng sông với cây cầu treo vắt vẻo. Cảnh đẹp thanh bình và trú phú đến say sưa.

Sapa còn được biết đến như là “vương quốc” của hoa trái với ngàn hoa đua sắc như hoa glaieul, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng. Ði đến đâu cũng gặp hoa, hoa trên hàng rào, hoa dưới mặt đất, hoa đậu trên cao, hoa tràn thung lũng. Ðến Sapa vào Mùa Xuân, nhìn đâu cũng thấy những hoa đào, hoa mận đang e ấp với gió Xuân. Cách thị trấn không xa là Thác Bạc hùng vĩ, tung bọt trắng xóa từ độ cao trên 200 m tạo thành âm thanh núi rừng đầy hấp dẫn bên sự mong manh của hoa lá.

Chợ phiên Sapa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Một trong những điểm tham quan thú vị nhất của Sapa là đi thăm các bản làng người dân tộc Hmong, Dáy hoặc người Dao đỏ sống xung quanh thị trấn để tìm hiểu cách sống và phong tục tập quán của họ. Những chuyến đi bộ (trekking) men theo đường mòn xuyên qua những ruộng bậc thang kỳ vĩ, những ngôi làng của người dân tộc, sẽ giúp quý vị hòa nhập cuộc sống người bản địa, tìm hiểu những nét văn hóa và phong tục tập quán độc đáo, tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày của những người dân tộc Ý Linh Hồ, Lao Chải và Tả Van, Tả Phìn, Ô Quy Hồ, Bản Hồ, Cát Cát. Tuy là vùng đất du lịch không bị ảnh hưởng của sự chộn rộn nửa phố nửa làng, người dân giữ gìn truyền thống rất kỹ khiến thời gian như ngưng lại ở nơi đây.

Những nét văn hóa

Thác Bạc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Sapa là nơi cư trú của sáu dân tộc thiểu số, mỗi nhóm có một vốn văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, đặc sắc trong đời sống ở đây. Chính những phong tục độc đáo, mang đậm tính truyền thống với các lễ hội như lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy ở Tả Van, lễ hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Hmong, lễ “Tết nhảy” của người Dao Ðỏ, đã mang đến cho Sapa sự hấp dẫn không nơi nào có được.

Chợ phiên của Sapa họp vào ngày Chủ Nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sapa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày Thứ Bảy. Vào tối Thứ Bảy, mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Hmong, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Hmong, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi. Trước đây, những phiên chợ như vậy được gọi là “chợ tình” bởi vì các chàng trai, cô gái đến đây gặp gỡ, giao lưu và ưng ý thì sẽ rủ nhau vào rừng tâm sự đến sáng hôm sau mới chia tay và hẹn ngày “cướp vợ”. Ngày nay, phiên chợ Sapa mang nghĩa vui chơi và mua bán nhiều hơn là điểm hẹn dù thỉnh thoảng đâu đó vẫn vẳng ra tiếng khèn gọi bạn tình réo rắt của cái thuở xa xa nào khiến người nghe không khỏi thấy ngẩn ngơ như mất đi một người bạn của thời dĩ vãng. Có lẽ vì vậy mà ít ai nhắc đến phiên chợ tình Sapa ngày xưa.

Du khách đi bộ (trekking) men theo đường mòn. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Ðến Sapa, quý vị đừng quên thưởng thức những món đặc sản dân dã nhưng hấp dẫn như ngọn su su xào, măng vầu luộc chấm vừng, cá suối rán giòn. Sapa còn có một đặc sản nữa là các món quà nướng đượm nồng, thơm nức như ngô nướng, khoai nướng, trứng nước. Ngồi quanh bếp lửa giữa cái se lạnh của sương đêm để thưởng thức những món ăn dân dã, thơm ngon là những khoảnh khắc khó quên trong hành trình đến thành phố mờ sương.

Gió, nắng, sương và mây cùng với khung cảnh đất trời man mác và con người Sapa hiền hòa đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về một “thành phố trong sương” đã đi vào thơ ca và cả những bài hát với những giai điệu ngọt ngào say đắm. Sapa làm vương vấn người đi và nức lòng người đến.

Thông tin du lịch

Sapa cách Hà Nội 360 km. Từ Hà Nội đi xe lửa đêm từ 8 giờ tối và đến Lào Cài lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau. Theo đường bộ từ Lào Cai lên Sapa 32 km, mất 1 giờ lái xe.

Có nhiều loại vé xe lửa từ Hà Nội đi Lào Cai và ngược lại từ hạng trung bình đến sang trọng với đầy đủ tiện nghi (giường, đệm, ga, gối, điều hòa không khí).

Khi đi du lịch xuống bản nên chuẩn bị sẵn kẹo cho trẻ em.

Tôn trọng văn hóa và phong tục của người dân địa phương. Luôn lưu ý hỏi hướng dẫn viên của quý vị để tránh những hành động, lời nói không đúng với phong tục, tập quán của người dân bản địa.

CIAO TRAVEL

Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam

Tel: 84 4 39290270; Fax: 84 4 39290271

E-mail: info@ciaotravel.vn

Website: www.ciaotravels.com

source
Nguoi - Viet Online

Friday 6 April 2012

Nhạc sỹ Thanh Sơn qua đời vì bạo bệnh


Nhạc sỹ Thanh Sơn qua đời vì bạo bệnh

Cập nhật: 08:22 GMT - thứ năm, 5 tháng 4, 2012

Thanh Sơn trong một chương trình ca nhạc tại TPHCM

Nhiều nghệ sỹ nhận xét Thanh Sơn là người hiền lành, mộc mạc, chân thành

Thanh Sơn, một nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc boléro trước năm 1975 đã qua đời vào hôm thứ Tư ngày 4/4 tại thành phố Hồ Chí Minh do bạo bệnh ở tuổi 74.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ khán thính giả Việt Nam yêu thích và thuộc nằm lòng, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm ‘Nỗi buồn hoa phượng’.

Ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người nằm một chỗ hơn một năm qua.

Đam mê văn nghệ

Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện. Ông sinh năm 1938 tại tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình có đến 12 anh chị em.

Theo lời tâm sự của ông với báo chí trong nước thì từ nhỏ ông đã đam mê văn học nghệ thuật.

Ông có thời gian lên Sài Gòn học nhạc với nhạc sỹ Lê Thương năm ông 17 tuổi. Sau đó ông tham gia cuộc tuyển lựa ca sỹ của Đài phát thanh Sài Gòn và đạt giải nhất.

Khi đó ca sỹ Thanh Sơn đã tham gia vào nhóm hát Tiếng tơ đồng của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Khoảng thời gian này, ông đã tiếp xúc với nhiều nhạc sỹ nổi tiếng đương thời và học hỏi các kinh nghiệm sáng tác.

Tác phẩm đầu tiên của ông là ‘Tình học sinh’ được viết vào năm 1962 nhưng không tạo được tiếng vang. Đến năm 1963, ông cho ra đời ‘Nỗi buồn hoa phượng’. Nhạc phẩm này với tiếng hát của ca sỹ Thanh Tuyền đã ngay lập tức thành công vang dội và được khán giả hết sức đón nhận.

Cũng trong năm này, ông chuyển hẳn hoàn toàn sang viết nhạc và bỏ hẳn nghề ca sỹ.

Ông đặc biệt yêu thích chủ đề mùa hè – mùa chia tay của học sinh. Các nhạc phẩm về chủ đề này chiếm một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có thể nói Thanh Sơn là nhạc sỹ Việt Nam viết về mùa hè thành công nhất từ trước đến nay.

Ngoài Nỗi buồn hoa phượng, ông còn viết Lưu bút ngày xanh, Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Phượng buồn, Màu áo hoa phượng, Ve sầu mùa phượng...

"Thanh Sơn viết theo dạng dễ hiểu, gần gũi với bối cảnh cuộc sống của con người, không bóng bẩy, không trừu tượng."

Ca sỹ Chế Linh

Bên cạnh đó, ông còn có những nhạc phẩm trữ tình rất nổi tiếng như Trả lại thời gian, Nhật ký đời tôi, Đoản xuân ca, Mùa hoa anh đào...

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, những nhạc phẩm của Thanh Sơn bắt đầu thấm đẫm những tình cảm đối với quê hương, nhất là với miệt miền Tây sông nước vốn là nguyên quán của ông.

Các tác phẩm Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ, Yêu dấu Hà Tiên, Áo mới Cà Mau có những hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, cầu tre, đồng lúa và mang âm hưởng nhạc ngũ cung của sân khấu cải lương mà Thanh Sơn thừa nhận là ông bị ảnh hưởng.

Cuộc đời sáng tác liên tục của ông đã để lại cho đời hơn 500 bài hát. Các ca khúc của ông không chỉ được các ca sỹ hàng đầu của miền Nam trước đây thể hiện mà còn được các ca sỹ trong nước hiện nay chọn để trình diễn.

Giai điệu trong các ca khúc của ông đều rất trữ tình và mang một nỗi buồn man mác trong khi ca từ đẹp, mượt mà, dịu dàng, thấm đẫm tình cảm và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng.

Nghệ sỹ đau buồn

Nhạc sỹ Thanh Sơn và vợ

Thanh Sơn đã để lại cho đời hơn 500 ca khúc

Từ thành phố Hồ Chí Minh, con trai thứ bảy của nhạc sỹ Thanh Sơn là ông Lê Duy Long cho BBC biết trong ngày tang lễ đầu tiên đã có rất nhiều khán giả hâm mộ đến chia buồn mà gia đình cũng không biết họ là ai.

Ông Long cho biết do nhạc sỹ Thanh Sơn đã bị liệt một chỗ nên thần kinh cũng hao tổn hơn một năm qua do đó ông cũng không có dự án hoặc nhạc phẩm nào đang còn dang dở.

Ông cho biết là cha ông tâm đắc nhất bài hát Nỗi buồn hoa phượng vì ông đã từng trả lời phỏng vấn báo chí là ông có yêu một nữ sinh tên Phượng thời ông còn là học sinh.

Thanh Sơn cũng không muốn các con theo nghiệp của ông, ông Long cho biết.

Từ Hoa Kỳ, ca sỹ Chế Linh, một người bạn thân của nhạc sỹ Thanh Sơn, cho biết ông ‘hết sức đau lòng’ khi nghe tin Thanh Sơn ‘bỏ cuộc’.

“Trong làng nghệ sỹ không chỉ riêng tôi mà tất cả anh chị em đều đau buồn trước sự mất mát này,” ông nói và cho biết ông đang viết bài chia buồn gửi đến kênh truyền hình SBTN của người Việt ở Mỹ.

Chế Linh cho biết 4 năm trước khi hãng đĩa Thúy Nga Paris làm chương trình vinh danh Thanh Sơn tại Mỹ thì lúc ấy mặc dù ông ‘đã yếu rồi’ nhưng vẫn cố gắng ra hải ngoại để tham dự chương trình.

“Thanh Sơn viết theo dạng dễ hiểu, gần gũi với bối cảnh cuộc sống của con người, không bóng bẩy, không trừu tượng,” ông giải thích lý do các ca khúc của Thanh Sơn dễ đi vào lòng người.

source

BBC Vietnamese