Tuesday, 29 September 2009

Ba Ngày Du Ngoạn Miền Nam Oregon


September 24, 2009


Hoàng Sơn Long

Một tuần trước ngày Labor Day, một người bạn lâu năm của gia đình tôi hẹn nhau đi chơi xa cuối tuần bằng xe bus. Địa điểm chúng tôi du ngoạn thuộc phía Nam của tiểu bang Oregon và miền cực Bắc của California. Ba gia đình với sáu mạng già nếu cộng lại đem chia trung bình mỗi người sáu bó. Du ngoạn bằng xe bus có lẽ dễ dàng và an toàn hơn lái xe cho những người có tuổi như chúng tôi. Bảy giờ sáng chúng tôi lên xe bus của hãng du lịch có tên Joy Holiday. Trên xe chỉ có bọn tôi là người Việt Nam còn lại bao nhiêu là người Trung Hoa. Bus tour có trên 50 chỗ ngồi nhưng chỉ có 32 người đi chơi, điều này cho thấy kinh tế vẫn còn khó khăn. Chúng tôi chụm lại thành một nhóm ngồi hàng ghế phía sau trong khi xe chạy chúng tôi trò chuyện với nhau thật thoải mái. Vì ngôn ngữ bất đồng chúng tôi chỉ chào nhau khi lên hoặc xuống xe, người khách trẻ nhất trong chuyến đi này là một cậu bé trai 7 tuổi đi theo ông bà nội làm nhiệm vụ thông dịch. Người hướng dẫn viên nói tiếng Anh và tiếng Trung Hoa, nhưng anh nói tiếng Hoa nhiều hơn tiếng Anh.

Tác giả Hoàng Sơn Long người thứ ba từ trái, cùng bạn bè du ngoạn.Tác giả cung cấp

Xe rời vùng vịnh vào xa lộ 5 đi về hướng Bắc. Điểm tham quan đầu tiên là cầu Sundial Bridge thuộc thành phố Redding bắt ngang qua con sông Sacramento. Một cây cầu hoàn toàn xa lạ với tôi, nói đúng ra là tôi nhà quê chả biết những chuyện gì xảy ra trên vùng đất mình đang sống. Một cây cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 21. Chính thức khai mạc vào ngày lễ độc lập của Hoa kỳ năm 2004 do kiến trúc sư Santiago Calatrava họa đồ với kinh phí 23 triệu Mỹ kim nhưng chỉ dùng cho người đi bộ và xe đạp. Người hà tiện như tôi thì bảo: “Phí của!” còn người khác thì bảo: “Chơi sang như Mỹ!” Ở đây không nói xài sang hay phí của mà phải nói là một cây cầu gây ấn tượng cho du khách. Thị dân của thành phố Redding bảo đây là trái tim, là nhịp đập của thành phố chúng tôi. Hãy đến xem rồi đánh giá cũng không muộn. Sundial Bridge chẳng những đẹp về phương diện mỹ thuật, khung cảnh chung quanh cũng nên thơ, dòng sông nước trong xanh, sàn cầu lót bằng kính nhựa cũng màu xanh lơ, những dãy đá hoa cương trắng cùng với gạch tráng men màu sữa của trụ tháp nổi bật trên bầu trời xanh. Mười mấy sợi dây cáp treo cầu xem rất lạ mắt.

Cầu Sundial Bridge bắt qua sông Sacramento.Tác giả cung cấp

Sundial Bridge tạm gọi là cầu Nhật Khuê có nghĩa dùng bóng mặt trời để tính giờ. Cầu một nhịp dài 700 feet, bề ngang 23 feet được treo trên một trụ cao 217 feet bằng những sợi dây cáp. Tổng số xi măng bê tôn làm móng cầu tương đương với 43 nền nhà. Vật liệu làm cầu bằng thép và kính nhựa. Từ những vật liệu thông thường qua bàn tay của bậc thầy kiến trúc nó trở thành một hình thể đầy tính chất mỹ thuật. Trụ cầu dưới con mắt kém thẩm mỹ tôi thấy nó giống lưỡi phảng hay cần trụt. Thật ra nó có bóng dáng một cái tháp trong cửa cung điện Ai cập, vì thế người Mỹ gọi trụ Pylon. Ban ngày dưới ánh nắng mặt trời, bóng của tháp vạch trên mặt đất giống như cây kim chỉ giờ của đồng hồ cứ mỗi một phút bóng di chuyển đi gần một foot. Người ta gắn những con số chỉ giờ trên mặt đất từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Rời cầu Sundial chúng đi đến hồ Shasta thuộc vùng núi lửa Shasta, một thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang California. Chúng tôi đến xem thạch động có tên Lake Shasta Caverns. Sau khi đóng 22 Mỹ kim để mua vé, chúng tôi được một chiếc phà đưa qua bên kia bờ hồ và lên một xe bus nhỏ chạy đến cửa hang, đường núi quanh co có nơi vách núi cạnh vực sâu. Cửa hang cách mặt hồ ở độ cao 800 feet. Theo tài liệu hang đá được biết đến từ xa xưa do bộ lạc Lore of Wintu, nhưng người da trắng đầu tiên khám phá ra nó vào ngày 3 tháng 11 năm 1878 là ông Jame A Richardson.

Bước vào hang động chúng ta sẽ thấy cái kỳ diệu của thiên nhiên, thật ra thạch nhũ chỉ là một hiện tượng tự nhiên, khi nước mưa đi qua một vùng núi đá vôi và những giọt nước có mang chất vôi rơi xuống hang đá sau đó bốc hơi sẽ tạo thành thạch nhũ. Nhưng điều ngạc nhiên là những thạch nhũ có nhiều hình dạng lạ mắt. Như thoáng nhìn chúng ta thấy giống hình đầu voi, hình cọp, hình một lâu đài, hình người tuyết, nếu trong đầu của chúng ta nhiều trí tưởng tượng chúng ta sẽ thấy thêm nhiều hình khác nhau. Bên trong hang người ta làm những bậc thang hẹp nương theo vách đá để vào xem các động khác, cuối cùng hang được thông ra ngoài cách của vào hơn trăm feet chiều cao.

Rời thạch động trở ra xa lộ số 5 hướng về tiểu bang Oregon chúng tôi dừng lại thị trấn Klamath Fall ăn cơm Tầu ở Hotel Mỹ. Trong nhà hàng người chủ treo mấy lá cờ Trung Hoa Dân Quốc tự nhiên tôi có cảm tình với họ, đỡ hơn phải nhìn thấy cờ Trung Cộng trong lúc này, thức ăn xem ra cũng được giá cả vừa phải. Sau bữa cơm tối, chúng tôi được người hướng dẫn cho biết chương trình du ngoạn ngày kế tiếp, chúng tôi đi Wal-Mart mua thức ăn chuẩn bị cho buổi picnic ngày mai bên bờ hồ. Sáng ra trong khách sạn có điểm tâm miễn phí theo lối Mỹ. Chúng tôi rời thị trấn Klamath Fall lúc 8 giờ sáng để đến hồ Crater Lake. Theo con đường 97 đi về hướng Bắc bên trái là hồ Klamath, bên phải là đồi núi phải nói đây là một cảnh thơ mộng vào lúc bình minh. Người hướng dẫn viên cho biết khu vực này là khu sinh thái cho các loài chim.

Chúng tôi đến hồ Crater lúc 10 giờ hơn và đoàn có 2 tiếng đồng hồ để tham quan chụp ảnh và ăn trưa …, xe đậu một chỗ không chạy quanh hồ. Đây là thiệt thòi cho du khách đỗ đường từ California đến đây. Chỉ có 2 tiếng làm sao có đủ thời gian ngắm cảnh trước một cảnh trí bao la hùng vĩ. Riêng với tôi đầy là lần thứ hai tôi trở lại hồ này trong vòng hai năm. Lần trước tôi đã dã trại hai đêm và tôi đã đi quanh hồ nhiều bận kể cả việc đi bộ xuống mặt hồ, hôm đó trời gió mạnh nên tàu chạy quanh hồ không phục vụ làm tôi mất dịp quan sát. Người dân Oregon rất hãnh diện có được một thắng cảnh như Crater Lake. Hồ do núi lửa Mt Mazama tạo ra cách nay trên 7,700 năm. Hồ có dạng như một cái tô đường kính rộng 6 miles có độ sâu 1932 feet, đường xe chạy chung quanh hồ trên 30 miles. Hồ nằm trên đỉnh núi có độ cao 8,000 feet nếu đem so sánh với Lake Tahoe công tâm mà nói Lake Crater đẹp và hùng vĩ hơn Lake Tahoe rất nhiều. Nếu có thể ví von Crater Lake như một cô gái nhà quê đẹp tư nhiên còn Lake Tahoe là một thiếu nữ thành thị đầy son phấn.

Từ Crater Lake theo con đường 62 chúng tôi đến trung tâm nuôi cá hồi, một trung tâm được xem là lớn nhất của tiểu bang Oregon với khả năng nuôi trên 3.5 triệu con cá mỗi năm. Trung tâm nằm cạnh con sông Rogue có tên Cole M. Rivers Hatchery để vinh danh một nhà sinh vật học. Ở đây người ta lấy trứng cá hồi từ con cá cái làm thu tinh nhân tạo rồi cho vào phòng ấp trứng để sinh cá con, sau đó đem cá con ra hồ nuôi lớn và thả sông cho cá trôi theo dòng nước ra biển ra hồ. Chúng tôi chỉ dừng lại đây mấy mươi phút, chúng tôi trở ra xa lộ số 5. Từ xa lộ liên bang xe vào đường 199 đi về hướng Nam để trở về bang Cali con đường 199 nối liền xa lộ số 5 và thông lộ 101 theo hướng Bắc Nam.

Thông lộ 101 đoạn này chạy dọc theo bờ biển, chúng tôi dừng lại và nghỉ đêm tại thành phố Eureka, thành phố của du lịch, bến cảng, và thương mại… Trong nhà hàng bao bụng China Buffet chúng tôi gặp các chị trong hội Trưng Vương như nhà văn Kathy Trần cũng đi du lịch bằng xe bus. Khách sạn Red Lion trông bên ngoài bề thế có 178 phòng, nhưng bên trong phòng thật là tệ. Vừa mở cửa phòng một mùi mốc meo bốc lên, thảm phòng quá cũ, giường ngủ và phòng vệ sinh tạm được, Tôi phải mở hết cửa phòng và vặn máy điều hòa tối đa để xô đuổi mùi ẩm ướt mốc meo, phòng người bạn chung toán cũng gặp tình trạng như tôi ở cùng tầng lầu 2.

Sáng ra, trước khi rời thành phố chúng tôi được xem một lâu đài kiến trúc rất mỹ thuật trên một ngọn đồi thấp cạnh dòng sông. Lâu đài mang tên chủ nhân “The Carson Mansion” được xây dựng từ năm 1884 có 3 tầng lầu với tháp nhỏ ở tầng trên cùng. Lâu đài có tất cả 18 phòng chưa kể tầng hầm bên dưới. Tiểu sử chủ nhân của tòa lâu đài được tóm gọn “Ông William Carson là người đến quận Humboldt để tìm vàng, nhưng ông đã thành công và may mắn trong ngành lâm sản.” Khi ông xây dựng tòa lâu đài ông đã phát biểu như sau: “...if I build it poorly, they would say that I was dammed miser; if I build it expensively, they will say I’m a show off; guess I’ll just build it to suit myself.” Đúng là gai gốc miệng lưỡi nhà giàu có khác. Ngày nay The Carson Mansion và The Pink Lady có trong danh sách “National Register of Historic Places.”

Sau khi rời thanh phố Eureka chúng đi xem các cây cổ thụ trong vùng Redwood như “Trees Mystery”, “Founders Tree” cao 346.1 ft đường kính 12.7 ft có tuổi thọ ngàn năm, “Chandeller Tree” với bọng cây xe hơi chay qua được (rộng 6.ft, cao 9 ft) chiều cao của cây 315 ft. Ngoài ra chúng tôi còn được xem nhà làm trong bọng cây như “One-Log-House” là một nhà trọ trong đó có phòng khách, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh và phòng ngủ giống như một mobil home nhưng được làm từ một khúc gỗ dài 32 feet cao 7 feet, nặng 42 tấn. Phải hai người đàn ông làm việc trong tám tháng để đục khoét bọng cây làm nhà từ một cây Redwood sống trên 2,000 năm. Một ngôi nhà khác bên trong gốc cây với bảng tên “Tree House Believe It or Not” Chủ nhân ngôi nhà trên đi vắng nên không vào xem được.

Rời rừng cây Redwood trên đường trở về vùng Vịnh chúng tôi đến viếng chùa Vạn Phật. Trạm dừng chân cuối cùng ghé qua thung lũng Napa để thử và uống rượu sau 3 ngày du ngoạn đầy thích thú. [HSL]

********************************

source

Viet Tribune Online

Thursday, 17 September 2009

Áo Dài Thời Trang Quang Chánh Trong Dạ Tiệc Gây Quỹ Xe Lăn


September 17, 2009


Lê Vân

Đêm Chủ Nhật 12 tháng 9 vừa qua tại Viện Bảo Tàng Xe Hơi Cổ Blackhawk Museum ở Danville đã diễn ra buổi dạ tiệc và trình diễn thời trang gây quỹ cho xe lăn Việt Nam. Buổi dạ tiệc sang trọng do hội từ thiện Wheelchairs Foundation tổ chức với sự bảo trợ của công ty rượu cognac Martell với mục đích gây quỹ mua xe lăn gửi về cho người tàn tật ở Việt Nam.

Nhà thiết kế Quang Chánh và bộ sưu tập thời trang mới của anh.CHRISTINE NGọC/VIệT TRIBUNE

Cứ khoảng 2, 3 năm một lần, hội từ thiện Wheelchair Foundation tổ chức dạ tiệc này, số tiền gây quỹ được sẽ dùng cho việc mua xe lăn và sẽ được nhóm thiện nguyện VNHelp chuyển đến tận tay người nghèo và tàn tật khắp ba miền trong nước.
Đây cũng là lần thứ ba, Wheelchair Foundation mời nhà thiết kế Quang Chánh cùng với các người mẫu xinh đẹp trở lại sàn catwalk trình diễn bộ thời trang áo dài và áo dạ hội mới nhất. Bà Behring chủ nhân viện bảo tàng cũng là phu nhân ông Kenneth Behring người khai sáng ra tổ chức Wheelchair Foundation nhận xét: “Chúng tôi rất vui vì mỗi lần nhà thời trang QC trở lại là một bộ thời trang đẹp hơn và hấp dẫn hơn, bộ thời trang năm nay hấp dẫn hơn bao giờ hết!”

Các princess tại buổi trình diễn tại Viện Bảo Tàng Xe Hơi Cổ Blackhawk CHRISTINE NGọC/VIệT TRIBUNE

Nhà thiết kế thời trang Quang Chánh cho biết: “Vì trình diễn thời trang cho quan khách ngoại quốc, QC thiết kế những bộ áo dài cách điệu kết hợp nét cổ truyền với phong cách hiện đại, để người phụ nữ có thể mặc như những chiếc áo dạ hội trẻ trung. Tuy nhiên chiếc áo finale lúc nào cũng là chiếc áo truyền thống phong cách cung đình, phô trương văn hóa Việt.”
Trong thời buổi củi quế gạo châu, với số khán giả tham gia khoảng 200 người, thế mà buổi dạ tiệc đã gây qũy được trên $50,000 từ tiền bán đấu giá các hiện vật chưa kể tiền bảo trợ, tiền bán vé và bán xe lăn ngay tại đêm dạ tiệc.[LV]

********************************

source

Viet Tribune Online

Wednesday, 9 September 2009

New York City thế mà đã 400 năm, lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…


Chuyện cuối tuần:

Sep 06, 2009
Tòa nhà Empire State Building.
Tòa nhà Empire State Building.

Cali Today News - Washington D.C. là thủ đô chính trị của Hoa Kỳ, nhưng khi có ai hỏi “thế thành phố nào là thủ đô văn hóa, kinh tế, nghệ thuật” của nước Mỹ”? Hầu như ai cũng biết, đó chính là New York City.

Không có thành phố nào nổi tiếng như New York, không có thành phố nào đại diện xứng đáng hơn NYC cho tinh thần Hoa Kỳ và trong thành phố này, trái tim của mọi trái tim chính là Manhattan Island, cái đảo chỉ dài có 13 dặm, “đeo trên lưng” thành phố NYC, nhưng có quá nhiều cái nổi tiếng nằm ở đây.

Nào là Tòa Tháp Đôi nay đã không còn, nào là tòa Empire State Building, nào là đại lộ số 5, đại lộ Broadway, rồi Central Park, Trinity Church, trụ sở Liên Hiệp Quốc, Times Square…vv Những bộ phim Hollywood có lẽ đã “lôi” NYC nhiều nhất vào các danh phẩm màn bạc của mình trình ra khắp năm châu.

Ngày 12 tháng 9 sắp tới sẽ trôi qua lặng lẽ cho nhiều người Mỹ, nhưng sẽ không bình thường cho dân New York, vì đây là thời điểm đánh dấu 400 năm lịch sử của NYC.

Ngày 12 tháng 9 năm 1609, Henry Hudson và thủy thủ đoàn của mình đã ngỡ ngàng đưa thuyền của họ nhẹ nhàng lướt vào New York Harbor bây giờ, và khám phá ra đảo Manhattan.

Biết bao người dân New York ngày nay muốn biết lúc đó cặp mắt của Hudson thấy cái gì. Bao nhiêu năm tháng đã qua, cái gì đã hiện diện trước khi các tòa nhà chọc trời, những cây cầu và hàng bao nhiêu xe ngược xuôi như ngày nay?

Người muốn biết tường tận trong thế kỷ 21 chính là Eric Sanderson, nhà môi trường học của hiệp hội bảo tồn thiên nhiên WCS ở vườn thú Bronx. Nhưng nhà khoa học này quả… không giống ai, ông muốn thấy y như Hudson và mời chúng ta cùng thấy!

Hơn 10 năm qua, Sanderson chủ trì một project tại WCS để tái tạo lại cảnh quang Manhattan vào thời 4 thế kỷ trước đây một cách thực chính xác, nhằm mục tiêu kêu gọi người dân NYC hãy yêu thương và trân trọng từng mảng xanh còn sót lại.

Ông nói: “Tôi muốn mọi người thấy cảnh quang NYC ngày xưa hùng vĩ và xinh đẹp, đa dạng như thế nào trong vùng đất giờ đây chỉ là bê tông cốt sắt và thủy tinh!”

Trong một dịp tình cờ năm 1999, Sanderson thấy được bản đồ in màu rất đẹp từ năm 1782 đến 1783, dài 10 feet và rộng trên 3 feet của đảo Manhattan, có tên là “the British Headquarters Map”, do người Anh lập ra trong thời gian 8 năm họ chiếm NY thời cuộc chiến “American Revolution”. Tất cả chi tiết sông ngòi, động vật trên đảo được tái tạo thật chính xác vì người Anh muốn xây dựng tiền đồn bảo vệ Manhattan. Đây là dịp may bằng vàng cho Sanderson.

Lập tức Hudson và các đồng sự lấy tấm bản đồ ngày nay của NYC cho lồng lên tấm bảng đồ này và lần ra manh mối nhiều địa điểm thú vị, như nhà thờ Trinity Church được thành lập cuối thế kỷ 17 hay quãng trường Times Squares khét tiếng chỉ là một đầm lầy đầy cây maple lá đỏ với nhiều hải ly, nai và gấu đen.

Sử dụng kỹ thuật GPS và kèm theo một phiên bản do máy vi tính dựng lại tấm bản đồ cổ, nhóm của Sanderson có thể lần ra từng địa điểm của Manhattan chính xác đến “nữa block phố, tức khoảng 130 feet”. Thế là ông có thể biết từng nơi của NYC vào năm 1782 ra sao!

Nhưng Hudson muốn “lội ngược” đến năm 1609, thế là ông “lột hết” những gì người Anh xây dựng lên như đường xá, nông trang, trại lính, để trở về nguyên vẹn rừng cây hốc núí của Manhattan cách đây 400 năm.

Ông ngây người nhìn kết quả của toán làm việc: “Trời ơi, hồi xưa nơi đây đa dạng và đẹp quá, nếu Manhattan quay về thời cũ, chắc chắn nó đã trở thành một công viên quốc gia như Yosemite hay Yellowstone rồi!”

Giờ đây đã có tới 50 nhà sử học, khảo cổ, địa lý, động vật học, thực vật học, bảo tàng và nhiều cơ quan khoa học khác hào hứng tham gia chung với Sanderson.

Ông mơ màng: “NYC đâu chỉ là thành phố của âm nhạc, văn chương kịch nghệ và khoa học, nó còn là một vườn Địa Đàng đúng nghĩa thuở xưa, tuyệt đẹp, trinh nguyên trước khi cha ông chúng ta đến”.

Nhờ tấm lòng của nhà môi trường học này, dân New York có thể “bay ngược thời gian” để ngắm cảnh quang đặc sắc của rừng cây suối nước, chính xác đến từng chi tiết, quả là món quà trứ tuyệt cho sinh vật 400 năm của “thành phố của các tòa nhà chọc trời”này!
Hồng Quang
Page 1 of 1
********************************
source:
Calitoday