Wednesday, 7 October 2009

Poipet


Poipet

09-1004-02-poipet border.jpg
Trịnh Hội

Cũng vì chén nước mắm thơm phưng phức và mâm bánh hỏi đang nằm khiêu khích trên mặt bàn mà tuy thân xác đang nằm ở biên giới Thái-Miên nhưng thần trí của tôi hình như lúc ấy đã trôi lạc về tận Sài Gòn, Thủ Ðức. Cũng đã khá lâu rồi tôi chưa có dịp trở về thăm quê mẹ. Mới thấy đó mà một năm đã trôi qua. Và có biết bao sự việc đã xảy ra kể cả những điều mà chính người trong cuộc cũng không thể nào ngờ là nó có thể xảy ra mau đến vậy. Thế mà nó vẫn đến. Và hững hờ đi sau khi để lại những chứng tích không thể nào xóa mờ được.
Nếu tôi không nhầm, chỉ cần ngồi xe vài tiếng đồng hồ nữa là sẽ đến Phnom Penh. Và từ đó đến biên giới Việt-Miên không xa quá là bao. Nhưng tôi bỗng chợt nghĩ, quê hương (...) lúc này tuy rất gần, như có thể với tay chạm lấy nó nhưng cùng một lúc, tôi cũng tự biết là nó đang rất xa mình. Xa vời vợi, xa thật xa mà chẳng biết đến bao giờ tôi mới có cơ hội trở về trong nỗi niềm hân hoan, hạnh phúc.

Sau khi ăn xong và trả tiền bill cho bà chủ quán (là người Thái chứ không phải người Việt), tôi cũng chẳng buồn hỏi tại sao bà lại nấu món ăn Việt Nam để bán vì nhìn ra đường tôi chợt thấy có khá nhiều người đang nhanh chân đi về phía cổng biên giới.
Họ sắp đóng cửa chăng? Hay là những người như tôi chưa có visa phải lo mau lẹ đến nộp đơn trước 5 giờ là giờ các cơ quan hành chính thường đóng cửa nghỉ việc?

Chân lo sải bước theo dòng người nên tôi cũng không để ý kỹ là có nhiều dịch vụ lo visa vào Cambodia trên dãy đất Thái phía bên này hay không. Ðêm trước khi khởi hành tôi đã lên Internet để tìm hiểu và biết khá rõ về thủ tục đi lại ở mốc biên giới này. Theo như lời khuyên của nhiều tay backpackers ‘Tây ba lô’ thuộc hàng kỳ cựu thì trong những năm gần đây vì việc đi lại đã dễ dàng và các thủ tục giấy tờ xin visa đã được đơn giản hóa tối đa nên tôi không cần phải nhờ vào bất cứ một dịch vụ nào mà tự tôi có thể một mình đi bộ qua biên giới và sau đó xin visa nhập cảnh ở ngay tại cửa khẩu phía bên Cambodia.
Tiền lệ phí là 20 đô y như các hành khách khác bay vào thủ đô Phnom Penh.
Thế là tôi mạnh dạn rảo bước. Mặc cho bao lời chào mời tôi dùng dịch vụ của họ. Hoặc sử dụng xe của họ để đi tiếp đến Siem Reap. Nghe nói đâu trước đây từ Poipet đến Siem Reap, nếu dùng taxi cũng phải mất ít nhất từ 4 cho đến 5 tiếng vì đường phố vẫn còn đầy ổ gà, lầy lụa khó đi. Vì thế cũng không có nhiều xe để đón. Nhưng kể từ đầu năm nay khi con đường mới rộng thênh thang được khánh thành thì chuyến đi chỉ ngốn nhiều nhất là hai tiếng đồng hồ của khách và nhờ vậy, có rất nhiều xe taxi ở phía bên kia sau khi thả khách đi từ Siem Reap đến Poipet sẽ ở lại để chờ khách đi ngược trở về Siem Reap.
Và đúng như có người đã từng nói: Knowledge is Power. Kiến Thức là Quyền Lực. Nhờ biết trước mà tôi đã hoàn toàn không bị hớ trong những chuyến đi du hành như thế này.
Không phải là backpacker thuộc hạng kỳ cựu lại chẳng có sự ngổ ngáo cóc sợ chết của những tay anh chị đã bao năm phiêu bạt giang hồ, trước khi đến những nơi hẻo lánh hoặc không biết tí ti gì về nó, điều đầu tiên tôi làm là mua cho mình một cuốn sách chỉ dẫn du lịch travel guide của Lonely Planet. Và sau khi đọc xong, trước khi khởi hành, tôi thường lên Internet google thử xem có tin tức gì mới hay không liên quan đến nơi tôi sắp đến.
Không ít thì nhiều bạn sẽ đọc được những kinh nghiệm khác nhau của những người đi trước.
Và từ đó bạn sẽ chọn lọc được cho mình những tin tức mới nhất, hữu ích nhất cho chuyến đi của bạn. Kể cả cách bạn cần phải xử sự ra sao nếu gặp phải sự lộng quyền của những người lẽ ra phải giúp bạn.

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh nước Thái và bước ra bên ngoài building để đi về phần đất của Cambodia, không như người bản xứ từng đoàn từng nhóm cứ tự tiện đi qua đi lại hai bên không một ai xét hỏi, tôi và người bạn cùng đi chung tự biết phải đi thẳng đến nơi có bảng chỉ dẫn ghi rõ ‘Visa Office’ để xin nhập cảnh.
Ðầu tiên tôi dùng tiếng Anh để hỏi xin tờ đơn để điền vào.
Không một câu trả lời chỉ hất hàm đưa mắt nhìn về phía góc tường bên cạnh.
À! Thì ra nó nằm ở bên đó. Thank you very much. Cảm ơn anh.
Sau khi điền xong, tôi đính kèm một tấm ảnh chụp bán thân passport photo của tôi như thủ tục đòi hỏi. Nhưng ngặt nỗi cô bạn của tôi lại quên không mang theo tấm ảnh passport nào bên mình.
Thế là thủ tục đầu tiên - tiền đâu đã được nhắc đến một cách hoàn toàn công khai, không giấu diếm trước mặt mọi người. Khách cũng như quan.
‘3,000 bahts for one visa’ (3,000 bahts cho một visa) (3,000 bahts tương đương với khoảng US$90-$100).
‘I'm sorry. Why 3,000 bahts sir? Isn't it only $20 for each visa?’ (Xin lỗi ông tại sao 3,000 bahts? Không phải là 20 đô mỗi visa sao?).
‘No photo, 3,000 bahts’ (Không hình, 3,000 bahts).
But I have photo. Only my friend doesn't have one (Nhưng tôi có hình. Chỉ có bạn tôi là không có thôi).
‘OK. Then you 20 dollars. Your friend 3,000 bahts.’
‘Oh. I see. Is there a photo shop around here?’ (À. Thì ra là vậy. Ở đây có shop chụp hình không?)
‘No. No shop. You pay 3,000 bahts’ (Không có shop ở đây. Phải trả 3,000 bahts).
‘But I don't have 3,000 bahts’ (Nhưng tôi không có 3,000 bahts).
‘How much you have?’ (Mày có bao nhiêu?)
‘I only have 200 bahts left’ (Tôi chỉ còn có 200 bahts) (Khoảng 7 đô).
‘1,000 bahts, OK?’
‘I only have 200 bahts.’
‘500 bahts for photo?’
‘No, I only have 200 bahts.’
‘500 bahts you have?’
‘No, I only have 200 bahts.’
...
‘OK. You pay 40 US dollars for 2 visas. 200 bahts for photo. I do it for you.’
...
Ummmmm...
...
...
OK. Thank you sir.
...
Thật là hết chỗ nói. Chưa bao giờ tôi chứng kiến thấy tận mắt cảnh nhân viên hải quan ăn hối lộ trắng trợn và trơ trẽn như thế này. Lần đầu tiên tôi đến Phnom Penh vào khoảng năm 2005, tôi đã bị nhân viên hải quan hỏi thẳng ngay tại quầy làm giấy nhập cảnh là tôi có 10 đô không cho anh ta xin (và dĩ nhiên là tôi bảo tôi không có). Nhưng sau đó thì anh ta vẫn cho tôi qua.
Nhưng 4 năm sau, hình như thói quen làm tiền khách du lịch trông vẫn có vẻ không được khá hơn cho lắm ở cái xứ nghèo khó này. Ở điểm này tôi chợt nghĩ có thể nói (...) đã có nhiều thay đổi tích cực. Không còn những cảnh (...) kiều về thăm quê hương bị làm tiền một cách trắng trợn. Và hơn bao giờ hết, thái độ cũng như cách làm việc của các nhân viên ở cả hai cửa khẩu (...) và (...) tôi nhận thấy ngày càng tốt và văn minh hơn. Ít nhất ra là cũng đối với riêng tôi.
Hay ít nhất ra là cũng hơn một tí các cậu ở nhà bên cạnh.
(Còn tiếp)

********************

source

Oneviet

No comments:

Post a Comment