Monday, 25 January 2010

Đi xem “Tôi Là Người Việt Nam”



Cập nhật lúc 2:53:04 AM - 23/01/2010

DSC_0007.jpg


Nữ ca sĩ Nguyệt Anh trong show Vietnamese Divas


Ảnh:Trung tâm Thúy Nga cung cấp


Trần Hương


Tôi ít đi xem những show văn nghệ thu hình. Lý do đơn giản là nó dài quá, trung bình hơn 5 tiếng đồng hồ, đi đứt một ngày như không, chưa kể giờ sửa soạn, lái xe, parking...

Nhưng với show “Tôi Là Người Việt Nam” vừa qua, lần đầu tiên tôi ngồi tới giờ chót. Đây là chương trình đại nhạc hội kỷ niệm 35 năm người Việt xa quê hương do trung tâm Thúy Nga Paris By Night tổ chức ở Knotts Berry Farm trong hai ngày 16 và 17-1-2010, có khán giả người Việt từ nhiều nơi trên thế giới về xem.

Chủ đề đã được trung tâm Thúy Nga thực hiện một cách trang trọng, đầy tình tự dân tộc, để tôi cảm thấy trong tim mình dâng lên thật nhiều xúc cảm.


Những ca khúc quê hương


Mở đầu là đoạn phim ngắn “Tôi Là Người Việt Nam”, lời khẳng định của các người gốc Việt khắp thế giới từ Úc, Âu, sang Mỹ.

Và khi câu hát“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi” vừa cất lên, tôi đã thấy xúc động bồi hồi. Khi những cô ca sĩ bước ra sân khấu hát tiếp những lời “kinh” của bài “Tình Ca”, tôi đã ràn rụa nước mắt. Bài hát này tôi đã thuộc nằm lòng mấy chục năm qua, nay được thể hiện bằng những giọng hát trẻ trung của 8 cô và 4 anh ca sĩ trẻ đẹp, cùng những vũ công trong những bước vũ duyên dáng với áo dài khăn đóng trước một cái phông trống đồng. Vâng, tôi đã khóc khi nghe và xem Tình Ca của Phạm Duy hôm nay. Khóc vì nhớ nhà và tiếc cho một giải quê hương gấm vóc, với những con người cần cù dễ thương, bây giờ có lẽ sắp mất đi bản chất và chủ quyền vào tay (...).


OPENNING_0414.jpg


Tình Ca với những giọng ca nam nữ trẻ đẹp của Thúy Nga


Trong show hôm nay, tôi thấy trung tâm đã đưa ra rất nhiều ca khúc quê hương như Kỷ Niệm, trong đó Dương Triệu Vũ đóng vai một anh thanh niên (chưa già lắm), ngồi nhớ lại những kỷ niệm gia đình nhà quê, nhưng sao mà êm ả dễ thương quá. Hoạt cảnh Kỷ Niệm được dựng thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Chỉ tiếc ở đoạn cuối, cử chỉ diễn tả của Dương Triệu Vũ hơi mạnh bạo giống như sắp ra đánh giặc, chứ không phải là lời cầu xin “Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau”. Tại sao Phạm Duy sáng tác ca khúc này khi mới vào độ tuổi 40, phải chăng cuộc đời lăn lộn phấn đấu bươn chải quá nhiều, khiến người ta lúc nào cũng mơ về dĩ vãng tươi đẹp, yên ấm hiền hòa.


qle_0042.jpg


Quang Lê và những cô chèo đò xứ Huế trong bài Người Em Vỹ Dạ.


Còn nữa, “Quê Hương Tuổi Thơ Tôi” đã được Ngọc Hạ trong chiếc áo dài lấp lánh, tà áo sau dài tha thướt như một cô tiên, hát thật tha thiết đầy xúc cảm. Và “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” của Võ Tá Hân phổ thơ, được trình bày với giọng hát chắc nịch của Thế Sơn, đã gây trong tôi niềm xúc cảm lớn. Những bài hát quê hương khác nhẹ nhàng, ngọt ngào hơn như Quê Mẹ (Thu Hồ), Mời Anh Về Thăm Quê Em (Thùy Linh), Sóc Say Sóc Trăng (Thanh Sơn), Tình Đẹp Hậu Giang, Áo Thơm Rơm (Trần Thiện Thanh) Tình Cha (Ngọc Sơn) Người Em Vỹ Dạ (Minh Kỳ và Tôn Nữ Thị Khương), được hát lên bởi những giọng ca ngọt ngào của miền Nam như Hà Phương, Hương Thủy, Mai Thiên Vân, Quang Lê, Phi Nhung, Duy Trường, Thanh An... Có vẻ những ca khúc này gặt hái được rất nhiều cảm tình của đại chúng.


Những sáng tác mới với những nhạc sĩ mới


Một điểm đặc biệt trong show này là Thúy Nga đã hầu như “collect” rất nhiều những sáng tác mới của nhiều nhạc sĩ thế hệ mới. Ta có thể kể Tình Đã Vụt Bay (Tuấn Đức) với Kỳ Phương Uyên, Nhớ (Trịnh Nam Sơn) với Lưu Bích, Ở Đâu Cũng Có Em (Trần Quảng Nam) với Trần Thái Hòa, Dấu Chân Tình Ái (Ngọc Trọng) với Như Loan, Tóc Ngang Bờ Vai (Vũ Tuấn Đức) với Nguyễn Thắng, Câu Kinh Tình Yêu (Sỹ Đan) với Don Hồ, Tim Em Mãi Thuộc Về Anh (Đồng Sơn) với Minh Tuyết, Tôi Muốn Nói Yêu Em (Mai Anh Việt) với Nguyễn Hưng, Duyên Phận với Như Quỳnh, liên khúc Cơn Mưa Chiều Nay (Quốc Hùng) với Tú Quyên, Quỳnh Vi, Lam Anh, Xin Đừng Quay Lại (Diệu Hương) với Bằng Kiều, Cứ Lừa Dối Đi (Huỳnh Nhật Tân) với Hồ Lệ Thu, Biển Chiều (Trịnh Lam) với Trịnh Lam, Em Trong Mắt Tôi (Nguyễn Đức Cường) với Tóc Tiên, Quê Hương Mình (Hoài An)... Một nỗ lực đưa những sáng tác mới tới với quần chúng.


hthuy_2026.jpg


Hương Thủy và ca khúc Soksabay Sóc Trăng


Nhìn chung những ca khúc này, chúng ta có thể thấy đề tài muôn thuở vẫn là tình yêu và những trái ngang của nó, ít thấy những trăn trở về quê hương thân phận như thế hệ nhạc sĩ trước. Qua giọng ca tuyệt vời của các ca sĩ Thúy Nga, cộng thêm những điệu múa và nét diễn xuất nóng bỏng đầy gợi cảm của các vũ công và ca sĩ, các ca khúc này được đón nhận nồng nhiệt. Gợi cảm nhất vẫn là Minh Tuyết với chiếc áo “con nhà nghèo” hở bụng, hở chân. Như Loan cũng vậy. Bộ ba Tú Quyên, Quỳnh Vi và Lam Anh cũng sexy không kém. Trong khi đó, các anh thì “đằm “ hơn với những bộ âu phục bụi hay sang. Âu cũng là nét văn hóa nóng bỏng thời đại.

Những ca khúc cũ nhưng được làm mới như liên khúc Để Quên Con Tim và Và Tôi Cũng Yêu Em của Đức Huy thật sôi động, với phần trình diễn của Lương Tùng Quang và vũ đạo bay bướm cùng tiếng hát trẻ trung của Mai Tiến Dũng.


Hài kịch Thiên Đường Không Phải Là Đây


Phần hài kịch của Thúy Nga với tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn, một nhà văn hiện thực xã hội, luôn đem đến cho khán giả những cảnh đời tiêu biểu của những con người Việt Nam trong nước hay ngoài nước, làm khán giả vừa cười nhưng lắm lúc cũng vừa trào nước mắt. Tôi đã khóc cười nhiều với những vở hài kịch của ông. Hôm nay cũng vậy, vở hài kịch Thiên Đường Không Phải Là Đây đưa ra cảnh người từ quê nhà được đem sang Mỹ nhốt trong nhà, cảnh người chồng phải tằn tiện để vừa nuôi vợ mới từ Việt Nam qua, vừa nuôi con ăn học. Tuy nhiên, đối thoại giữa hai nhân vật mẹ con do Bé Tý và Thúy Nga thủ diễn đã hơi quá dài, nên phần nào giảm bớt sức chú ý của khán giả. Chí Tài thì vẫn xuất sắc qua vai những anh đàn ông lơ ngơ.


Giới thiệu những người Việt thành công


Phần giới thiệu những người Việt thành công đã được điều khiển khéo léo với các MC Nguyễn Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên và Trịnh Hội. Lần này, chúng ta được biết đến những người đã thành công trong “dòng chính” nhiều và đa số là thành công trong lãnh vực nghệ thuật hay dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Bích Yến, senior fellow của công ty Soitech, đã thành công với hằng trăm bằng sáng chế, mà bà khiêm tốn cho rằng có sự góp sức của nhiều người cùng làm việc. Bà cũng là một gương quả cảm, vì là con mồ côi của một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa với 8 anh chị em nuôi bởi một người mẹ hiền. Ông Chính Chu, tỷ phú ở tuổi 40, nhưng có một tấm lòng bác ái sâu dày, đã yểm trợ vợ là nữ ca sĩ Hà Phương trong những công trình bác ái. Vũ sư ballet Thắng Đào với màn vũ dựa trên nhạc phẩm Ướt Mi của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ đã đem lại cảm hứng cho anh khi nghe nhạc của ông trong một đêm buồn và cô đơn.

Về phần “bi di net”, người ta thán phục sự thành công của công ty BLT chuyên chế tạo vật dụng cho hãng Boeing, đứng đầu bởi 3 anh em trai Võ Bửu, Võ Tự và Võ Lập. Ông Võ Bửu đại diện đến tham dự cho rằng “Các bà vợ chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình chồng con không cần có mặt ở hãng” và sự thành công của các ông là nhờ vào sự cần cù, lòng đoàn kết và tình thương yêu, hy sinh của gia đình. Anh Quý Tôn, người được gọi là King of Nail Supplies, với giọng nói điềm tĩnh pha chút hài hước, chiếm cảm tình của khán giả. Nhưng phải nói anh Daniel Phú, người thấp hơn ông Nguyễn Ngọc Ngạn gần một cái đầu, là người “impress” tôi nhiều hơn cả. Anh rất tự nhiên, vui vẻ, hài hước và tỏa ra một niềm tin vô bờ bến về nghệ thuật của mình, khi đề nghị gắn lông mi giả cho ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Thân chủ của anh toàn là sao cỡ bự, từ Oprah Winfrey tới J. Lo, hình cho thấy anh đang gắn lông mi trong bộ quần áo phòng mổ với găng tay, kiếng, mặt nạ rất gồ ghề và... hạp vệ sinh. Độc đáo nhất là tiệm gắn lông mi của anh ở Beverly Hills có tên là “Lông Mi by Daniel”. Hỏi tại sao không đề tiếng Mỹ, anh trả lời vì “tôi là người Việt Nam”. Tôi khoái anh này quá và tự hẹn sẽ có ngày lên Beverly Hills kiếm cái tiệm của anh.

Còn anh fashion designer Calvin Trần, khi xuất hiện cùng 2 nhà tạo kiểu khác là Thiện Lê và Kim Trần, đã đưa ra những lời khuyên về fashion khá chí lý, là cô nào có cái gì đẹp như chân dài, ngực to... nên khoe ra hết. Những người này là những nhà tạo kiểu đang lên, đang có những cửa hàng fashion xịn ngay tại New York.


MC khỏi chê

Nguyễn Ngọc Ngạn với giọng nói, phong cách điềm tĩnh nhưng có duyên và hài hước, cộng thêm kiến thức sâu rộng về văn hóa Việt Nam, lẫn sự chuẩn bị chu đáo, dĩ nhiên là MC không đối thủ từ nhiều năm qua trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.


DSC_0128.jpg



MC và divas


Cô Kỳ Duyên trong những bộ áo dài thật đẹp, vẫn có duyên và đặc biệt là càng ngày càng hiểu biết thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Trịnh Hội trẻ tuổi đẹp trai có sức thu hút, nhưng có lẽ còn cần thêm thời gian để học nghề ông Ngạn.

Tôi ra về với lòng thán phục công ty Thúy Nga đã tổ chức những show càng ngày càng trôi chảy dù rất dài, chứng tỏ một sự phối hợp rất nhịp nhàng, những đầu óc tổ chức ngày càng tinh vi. Tôi chờ đón mua băng DVD - dĩ nhiên là băng gốc - để xem lại những màn trình diễn kể trên, đồng thời để biết thêm về những gương thành công Việt Nam khác, nghe nói là không giống với show ngày Chủ Nhật mà tôi đã đi xem. Còn show “Divas” ngày thứ Tư nữa, nghe nói là cũng rất hay, chờ mua DVD xem vậy.

******************
source

Vien Dong Daily

Wednesday, 6 January 2010

New York


New York

09-1226-02-NYC.jpgTrịnh Hội

Thành phố lớn nhất của Mỹ quả là đặc biệt. Không lần nào tôi đến New York mà tôi không bị nó chinh phục và cứ nghĩ là chắc chắn sớm muộn gì mình cũng phải tìm cách để đến sống ở New York vài năm cho phải đạo. Còn nhớ lúc tôi đến New York lần đầu tiên cách đây gần 10 năm về trước và tận mắt nhìn thấy sự sôi động và náo nhiệt của khu Times Square. Không có dịp ghé thăm thì thôi. Nhưng đã đến rồi thì khó mà quên được.
Thế mà bẵng đi mấy năm tôi mới có dịp ghé lại trong tuần vừa qua để thăm New York và một số bạn bè hiện đang sống và làm việc ở đó. Thoạt đầu nhìn vào thì hình như New York vẫn thế. Ồn ào, đông đúc và không bao giờ đi ngủ như câu nói mà chúng ta thường nghe về nó: the city that never sleeps. Lúc nào đường phố của nó cũng dầy đặc khách bộ hành. Và ngay cả khi trời đã hừng sáng nhưng các tiệm ăn, quán xá vẫn luôn có khách vô ra như thể đang vào giờ ăn trưa của một ngày làm việc.
Ở một khía cạnh nào đó tôi rất thích cái bận rộn của thành phố không ngủ này. Hầu như ai nấy đều luôn hối hả, bận rộn cho công việc mà họ đang làm. Từ anh cò mồi làm việc ở thị trường chứng khoán Wall Street, người đứng sắp bàn cho khách ở những quán ăn ngon nổi tiếng. Cho đến anh ăn mày đang sửa soạn bước qua đường trong bộ đồ xốc xếch. Ai nấy đều cũng rất nhanh nhẹn lúc đi đứng cũng như trong công việc. Cứ như là một nữ nhân viên thu ngân đang đứng đếm tiền trong một nhà băng ở Hồng Kông. Không một ai sánh bằng. Chỉ cần bạn chậm chân một tí vì bận đang lớ ngớ nhìn vào bản đồ để định hướng thì bạn sẽ nhận được ngay những cái cau mày khó chịu vì làm cản đường của người qua lại.

Nhưng không phải lúc nào người New York thường được thân mật gọi là New Yorker cũng không có thời gian dành cho người khác. Thấy bạn đang mặc một chiếc áo khoác đẹp là họ sẽ khen ngay. Bạn là khách du lịch lỡ đi nhầm đường thì cứ tự nhiên hỏi thăm bất cứ người nào đó đang đi gần bạn để nhờ giúp đỡ. Hình như chưa lần nào mà tôi bị từ chối trong vấn đề này. Mặc dù tôi đã bị lạc khá nhiều lần trong cái thành phố to khủng khiếp này. Hôm ngồi uống cà phê với mấy thằng bạn cùng đi với tôi lên New York, tôi đã dùng chiếc iphone của mình để lên mạng tìm hiểu thêm về New York thì mới biết được là nếu kể cả hai quận kế cận là Brooklyn và Queen thì New York có trên 8 triệu dân đang sống và sinh hoạt trên một diện tích xét ra khá nhỏ so với các thành phố lớn khác trên thế giới.

Cũng vì lẽ đó mà hầu như khu trung tâm thành phố Manhattan chỉ dành cho những ai có thật nhiều tiền. Hoặc phải chịu khó sống chui nhủi trong những căn phòng nhỏ hẹp chỉ vừa vặn cho người thuê nhà ở. Và nhà hoàn toàn không có phòng trống dành cho bạn bè đến ở những khi có dịp ghé thăm. Tiền mướn phòng hotel để ở thì lại cực kỳ đắt. Nhất là gần những nơi nổi tiếng như Central Park, Soho hoặc Broadway. Có lẽ cũng vì lý do này mà nhiều người (trong đó có tôi!) không thể đến New York thường xuyên thăm viếng. Vì chỉ nội phải lo tiền thuê phòng thôi đã đủ mệt.
Nhưng nó rất đáng cho chúng ta ít nhất một lần trong đời đến thăm bạn ạ. Sẽ không có một thành phố nào trên thế giới giống như thành phố New York. Khu đại lộ Fifth Avenue với hàng trăm tiệm quần áo của những nhãn hiệu nổi tiếng nhất thế giới sẽ làm cho bạn choáng ngợp với những bích chương quảng cáo và cửa hàng to như thể nó không thể nào to hơn được. Khu phố Tàu Chinatown với những tiệm ăn trông rất nghèo nàn nhưng lại rất ngon miệng và thích nhất là giá cả rất phải chăng.
Và dĩ nhiên cuối cùng phải kể đến là khu công viên Central Park nổi tiếng cả thế giới. Bạn sẽ không thể nào tin được là ở ngay trung tâm của một thành phố được biết đến là có giá cả về nhà đất mắc nhất thế giới lại có thể có một khu công viên to đến như vậy. Từng hàng cây xanh to kéo dài hai bên đường chỉ dành cho khách bộ hành và xe đạp nối tiếp nhau từ đồi này sang đồi khác. Những hồ nước cái to, cái nhỏ xen lẫn các sân vận động và khu vực vui chơi sinh hoạt cho từng lứa tuổi, người già, trẻ em. Thậm chí nếu bạn chỉ muốn đến để cỡi ngựa, xem hoa thì bạn cũng có thể làm điều đó rất dễ dàng.

Nhưng tôi nghĩ bạn không nên làm thế. Tốt nhất là bạn nên bắt chước nhóm anh em chúng tôi chịu khó thức sớm thả bộ từ khách sạn đến Central Park để sau đó là chạy bộ vòng quanh cả khu vực Central Park cùng với những người New Yorkers trong một buổi sáng đẹp trời. Nó sẽ ngốn khoảng hai giờ đồng hồ của bạn và độ chừng 7 miles (11km) nếu bạn chạy hết được một vòng như chúng tôi.
Sẽ khá thấm mệt đấy. Nhưng chắc chắn một điều là những hình ảnh của Central Park ngay trong trung tâm thành phố New York trong buổi sáng đẹp trời ấy sẽ không thể nào phai nhạt trong tâm trí bạn. Bạn sẽ nhớ lại từng khúc quanh trong khu công viên với những tòa nhà cao chọc trời nằm ngay ở phía sau. Từng gương mặt già có, trẻ có, kể cả những bà mẹ vừa chạy vừa đẩy xe cho đứa con đang nằm trong nôi mắt vẫn đang nhắm nghiền, tay cầm lọ sữa mải mê say mút.
New York là thế đấy bạn ạ. Một người có thể làm những hai việc ngay trong lúc họ được cho là đang thư giãn trong buổi sáng của một ngày cuối tuần.
Rõ là quá sôi động phải không bạn?

source

One Viet

Sunday, 3 January 2010

Những đứa trẻ ven sông Hồng



03/01/2010 15:04 (GMT +7)

Bãi Giữa sông Hồng chỉ cách hồ Gươm 500m đường chim bay. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ sống như cây cỏ hoang dại ở bãi Giữa. Ông muốn cho mọi người biết “ngoài bờ đê kia, ngay cách hồ Gươm không đầy nửa cây số đường chim bay, là một thế giới khác”.

Xem bộ ảnh mà ông đã kỳ công đeo đuổi thực hiện trong hơn một năm, chúng ta không khỏi ray rứt: tương lai của các em sẽ đi về đâu?

Một cô bé ở bãi Giữa ăn xoài. Không ai dạy em biết phải sử dụng dao như thế nào cho đúng cách - (Ảnh: Quang Phùng)
Hai đứa trẻ này hầu như không biết bố mình là ai. Anh tên Bắc, em tên Tuyết. Một đứa 10 tuổi, một đứa 9 tuổi. Với hai anh em này, một bữa mì ăn liền là một bữa cỗ. Gia vị của gói mì để ăn với cơm nguội. Ngày nào chúng cũng đi khiêng nước sông về cho mẹ dùng sinh hoạt
Túp lều nhà cu Bắc ở bãi Giữa (trái)... và sau khi bị giải tỏa
Giữa những lần “chạy” giải tỏa: ba mẹ con nhà cu Bắc lại phải chuyển nhà, người ta đuổi thì họ chạy, yên vài bữa lại về chỗ cũ, gia tài chất hết lên xe đạp
Bé gái này dùng dao cắt xoài đưa vào miệng. Đưa ngay phía lưỡi dao bén vào miệng mới kinh chứ! Chẳng có ai dạy cả mà...
Người lớn đi vắng hết, bé phải tự nấu ăn bằng củi rác ở rìa bãi sông
Cậu bé cầm cái ly bắt chước tôi chụp ảnh. Một năm có khoảng 10 vụ chết đuối ngoài bãi Giữa, thế mà bố mẹ vẫn phải để bé ở nhà một mình để đi kiếm ăn
Tôi tiếc cho gương mặt thiên thần như bé Tuyết bế tắc ở bãi Giữa...
“Còn bé này nữa. Tôi chụp bé trong một lần thấy cháu lẫm chẫm bước ra sông nghịch nước. Nhưng vài tháng sau thì nghe bé chết rồi. Cháu bị thụt xuống cái hố. Bé chỉ mới 3-4 tuổi. Bé ra đây bắt chuồn chuồn rồi bị chết. Chết vì con chuồn chuồn
Đây là búp bê của bé. Bé chết rồi, bố bé chôn luôn con búp bê, lâu ngày mưa xói, cát trôi, trồi lên búp bê còn mỗi cánh tay
Tương lai của những đứa bé ở bãi Giữa chưa biết đi về đâu. Nhưng một đứa trẻ nữa sắp sửa ra đời! Cô gái trẻ trong ảnh mà tôi chụp tuổi chỉ mới đôi mươi nhưng sắp làm mẹ...

Khi giới thiệu những tấm ảnh này, ông Quang Phùng vừa sờ vào ảnh, vào từng khuôn mặt của nhân vật vừa nói như nói về con mình, cháu mình. Bộ ảnh mới nhất của ông có chủ đề “Những đứa trẻ ven sông Hồng” được thực hiện trong hơn một năm.

Lão nghệ sĩ Quang Phùng: Nhiếp ảnh là nhân chứng

Ngõ Hạ Hồi nằm giữa Hà Nội, toàn “nhà giàu” nhưng vẫn giữ nguyên được một khu vườn xanh mát như trong thơ Lưu Quang Vũ. Trong mảnh vườn xanh ấy có một ngôi nhà nhỏ xíu, cũ kỹ. Đó là nhà lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, năm nay vừa bước qua tuổi 80. Ông Quang Phùng làm cán bộ ngoại giao, hơn 50 năm trời đi khắp thế giới, nhưng về già dân trong ngõ chỉ biết ông là ông già chụp ảnh. Ông không chụp ảnh Hà Nội đẹp và thơ, ông toàn chụp Hà Nội nghèo và buồn.

Lão nghệ sĩ Quang Phùng - Ảnh: Hà Hương

Bộ ảnh mới nhất của ông có chủ đề “Những đứa trẻ ven sông Hồng” được thực hiện trong hơn một năm. Thực hiện xong bộ ảnh ấy, ông bệnh một trận liệt giường, đến gần cuối năm 2009 mới nhúc nhắc đi lại. Và chúng tôi là một trong những người đầu tiên ông đem khoe “Những đứa trẻ ven sông Hồng”.

* Có rất nhiều thứ trong cuộc sống đáng để chụp, sao cụ chỉ thích chụp những đề tài gai góc và xa lạ với mình như thế?

- Không phải là tôi thích, mà tôi thấy mình có nghĩa vụ phải chụp.

* Năm 2004, cũng vì “nghĩa vụ” mà cụ đã có được cuộc triển lãm nổi đình nổi đám về chủ đề “Ma túy lộng hành giữa thủ đô”?

- Đúng vậy. Ai mà chịu nổi cái cảnh mấy con nghiện cứ vén quần lên giữa thanh thiên bạch nhật để chích vào háng bao giờ.

* Cụ cũng đã có một bộ ảnh “Gánh hàng rong” đậm chất hiện thực phê phán?

- 50 năm làm ngoại giao, tôi rút được một chân lý máu thịt: người nước ngoài chỉ tôn trọng mình khi họ chắc chắn mình là một người VN yêu nước. Yêu nước, theo tôi, đơn giản nhất là phải có văn hóa Việt trong máu, và đừng để bị “xâm lược văn hóa”. Đừng thấy người ta giàu mà phát sốt lên, đừng thấy đồ người ta “xịn” mà sinh ra mặc cảm về áo dài nón lá, về gánh hàng rong nhà mình.

* Chụp những ảnh gai góc thế, cụ không sợ sao?

- Chụp những đứa côn đồ, nghiện ngập, cứ chụp xong tôi lại đến sờ vào người chúng nó, chúng nó không nghĩ là tôi biết chụp ảnh. Đừng giấu máy. Hay chụp bọn trẻ con ở bãi Giữa, lạ lắm, cho tiền cũng không khiến được chúng. Chúng bảo báo chí rách việc lắm, đăng lên thì thể nào chính quyền địa phương cũng đi đuổi họ với cái cớ: “Chúng bay sống bẩn thỉu báo chí nó nêu kia kìa”.

Vì thế, bọn trẻ tránh báo chí, kể cả người lớn cũng thế. Nhưng tôi thì cứ kiên trì lần theo, rồi mọi người cũng không để ý đến ông già này, và nhờ thế tôi đã có được những bức ảnh cho thấy sự tương phản của cuộc sống những đứa trẻ ven sông với xã hội phồn vinh của thủ đô chỉ cách đó 500m đường chim bay.

Tôi chụp không dụng công để đăng báo, tôi chụp để mong thanh lọc, minh bạch. Ảnh của tôi là ảnh thực trạng, ảnh minh chứng. Cốt lõi của nhiếp ảnh là nhân chứng của thời đại, của từng giai đoạn lịch sử. Tôi muốn mọi người biết ngoài bờ đê kia, ngay cách bờ hồ Gươm không đầy nửa kilômet, là một thế giới khác, là những cảnh đời đáng được sống hạnh phúc không kém gì chúng ta, vậy mà họ đang phải tồn tại qua ngày với “mức sống” như thế này.

Theo Thu Hà - Hà Hương

source

http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/phongsukisu/425357/index.html