Ngõ Hạ Hồi nằm giữa Hà Nội, toàn “nhà giàu” nhưng vẫn giữ nguyên được một khu vườn xanh mát như trong thơ Lưu Quang Vũ. Trong mảnh vườn xanh ấy có một ngôi nhà nhỏ xíu, cũ kỹ. Đó là nhà lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, năm nay vừa bước qua tuổi 80. Ông Quang Phùng làm cán bộ ngoại giao, hơn 50 năm trời đi khắp thế giới, nhưng về già dân trong ngõ chỉ biết ông là ông già chụp ảnh. Ông không chụp ảnh Hà Nội đẹp và thơ, ông toàn chụp Hà Nội nghèo và buồn.  | Lão nghệ sĩ Quang Phùng - Ảnh: Hà Hương | Bộ ảnh mới nhất của ông có chủ đề “Những đứa trẻ ven sông Hồng” được thực hiện trong hơn một năm. Thực hiện xong bộ ảnh ấy, ông bệnh một trận liệt giường, đến gần cuối năm 2009 mới nhúc nhắc đi lại. Và chúng tôi là một trong những người đầu tiên ông đem khoe “Những đứa trẻ ven sông Hồng”. * Có rất nhiều thứ trong cuộc sống đáng để chụp, sao cụ chỉ thích chụp những đề tài gai góc và xa lạ với mình như thế? - Không phải là tôi thích, mà tôi thấy mình có nghĩa vụ phải chụp. * Năm 2004, cũng vì “nghĩa vụ” mà cụ đã có được cuộc triển lãm nổi đình nổi đám về chủ đề “Ma túy lộng hành giữa thủ đô”? - Đúng vậy. Ai mà chịu nổi cái cảnh mấy con nghiện cứ vén quần lên giữa thanh thiên bạch nhật để chích vào háng bao giờ. * Cụ cũng đã có một bộ ảnh “Gánh hàng rong” đậm chất hiện thực phê phán? - 50 năm làm ngoại giao, tôi rút được một chân lý máu thịt: người nước ngoài chỉ tôn trọng mình khi họ chắc chắn mình là một người VN yêu nước. Yêu nước, theo tôi, đơn giản nhất là phải có văn hóa Việt trong máu, và đừng để bị “xâm lược văn hóa”. Đừng thấy người ta giàu mà phát sốt lên, đừng thấy đồ người ta “xịn” mà sinh ra mặc cảm về áo dài nón lá, về gánh hàng rong nhà mình. * Chụp những ảnh gai góc thế, cụ không sợ sao? - Chụp những đứa côn đồ, nghiện ngập, cứ chụp xong tôi lại đến sờ vào người chúng nó, chúng nó không nghĩ là tôi biết chụp ảnh. Đừng giấu máy. Hay chụp bọn trẻ con ở bãi Giữa, lạ lắm, cho tiền cũng không khiến được chúng. Chúng bảo báo chí rách việc lắm, đăng lên thì thể nào chính quyền địa phương cũng đi đuổi họ với cái cớ: “Chúng bay sống bẩn thỉu báo chí nó nêu kia kìa”. Vì thế, bọn trẻ tránh báo chí, kể cả người lớn cũng thế. Nhưng tôi thì cứ kiên trì lần theo, rồi mọi người cũng không để ý đến ông già này, và nhờ thế tôi đã có được những bức ảnh cho thấy sự tương phản của cuộc sống những đứa trẻ ven sông với xã hội phồn vinh của thủ đô chỉ cách đó 500m đường chim bay. Tôi chụp không dụng công để đăng báo, tôi chụp để mong thanh lọc, minh bạch. Ảnh của tôi là ảnh thực trạng, ảnh minh chứng. Cốt lõi của nhiếp ảnh là nhân chứng của thời đại, của từng giai đoạn lịch sử. Tôi muốn mọi người biết ngoài bờ đê kia, ngay cách bờ hồ Gươm không đầy nửa kilômet, là một thế giới khác, là những cảnh đời đáng được sống hạnh phúc không kém gì chúng ta, vậy mà họ đang phải tồn tại qua ngày với “mức sống” như thế này. |
No comments:
Post a Comment