Sau ba tuần lễ công chiếu, tập nhì của bộ phim Kung Fu Panda (Gấu trúc học võ) đã thu về hơn 300 triệu đôla. Trong đó có gần một nửa số doanh thu đến từ thị trường Mỹ. Đáng ngạc nhiên hơn cả là bộ phim rất ăn khách tại Hoa Lục. Sự thành công này khiến cho nhiều người ở Trung Quốc không mấy hài lòng.
Tại Trung Quốc, bộ phim Gấu trúc học võ tập nhì đã phá kỷ lục với 18 triệu rưỡi đôla (12,8 triệu euros) chỉ riêng trong tuần lễ đầu tiên ra mắt khán giả ở rạp. Như vậy, tập hai bội thu hơn cả tập một và đồng thời vượt qua mặt Hải tặc vùng Caribê (Pirates of the Caribbean), được xem như là bộ phim Mỹ đầu tiên vượt qua ngưỡng doanh thu đầy biểu tượng 100 triệu yuan tương đương với 15 triệu đôla (10,6 triệu euros), sau 7 ngày chiếu ở rạp.
Về nội dung, chuyện phim của tập nhì nối tiếp phần một. Gấu trúc sống ở vùng Thung lũng Bình yên cùng với 5 huynh đệ đồng môn (Hổ, Hầu, Hạc, Xà và Bọ ngựa). Nhưng thế giới an lành ấy lại bị đe dọa bởi sự xuất hiện của Thái tử Châu Tước (chim công). Nhân vật này trở về Trung Hoa với một loại vũ khí bí mật đáng gờm, dùng pháo hoa để chế biến súng pháo thần công (đại bác), dùng hỏa lực để tiêu diệt các môn võ cổ truyền và thỏa mãn tham vọng làm bá chủ giang sơn.
Về hình thức, Gấu trúc học võ tập nhì ngoạn mục hơn nhiều tập một chủ yếu nhờ vào công nghệ quay phim ba chiều (3D). Kỹ xảo điện toán tinh vi giúp cho các màn bắn pháo hoa trở nên vô cùng rõ sắc và đẹp mắt. Nhưng đổi lại, tập hai không gây nhiều ngạc nhiên bằng tập trước : Các màn pha trò tiếu lâm tiếp tục khai thác sự chênh lệch trong tình huống, tuy vẫn hài hước vui nhộn nhưng không còn bất ngờ như ban đầu.
Vào lúc mà bộ phim tiếp tục lôi cuốn đông đảo khán giả nhỏ tuổi vào các rạp hát, thì tranh luận lại nảy sinh về điều được gọi là ‘‘văn hóa ngoại xâm’’ trên các diễn đàn trực tuyến và nhất là trên các mặt báo ở Trung Quốc. Tại các nước Âu Mỹ, giới trẻ thích truy cập các trang Facebook và Twitter, thì một cách tương tự thanh niên Trung Quốc thích vào mạng xã hội có tên là Xiaonei (renren.com).
Được thành lập cách đây vài năm, mạng Xiaonei đã nhân lên gấp ba số thành viên từ 70 triệu vào năm 2008 lên đến hơn 200 triệu vào năm nay. Trên mạng Xiaonei, có một trang tên là Bạn mê xem phim, nhưng lại ghét Gấu trúc học võ. Đó là nơi mà các thành viên trao đổi ý kiến với nhau và đa số đều có vẻ không hài lòng cho lắm trước hình ảnh của con gấu trúc theo cách vẽ của các nhà làm phim Mỹ.
Đối với người Trung Quốc, con gấu trúc được xem như là một biểu tượng quốc gia. Chỉ cần nhìn vào các mặt hàng bày bán trên thị trường, ta sẽ thấy có khá nhiều thương hiệu sản phẩm tạc hình con gấu trúc. Còn trong mắt của các nhà làm phim hoạt hình thuộc hãng Dreamworks, thì nhân vật gấu trúc lại ham ăn lười biếng, cái bụng phệ lúc nào cũng kêu to như thể chưa xong phần tiêu hóa. Rốt cuộc, con gấu trúc cũng trở thành anh hùng, nhưng lại là một thứ anh hùng bất đắc dĩ. Bộ phim vui nhộn vì biết khai thác những tình huống ngược đời. Ở cùng một nhân vật, người Âu Mỹ chủ yếu thấy nét suy ngẫm khôi hài, người Trung Quốc lại thấy sự châm biếm mỉa mai.
Có lẽ cũng vì thế mà khi Gấu trúc học võ được công chiếu ở Trung Quốc, nghệ sĩ Zhao Bandi đã kêu gọi tẩy chay bộ phim vì theo ông, các nhà làm phim Mỹ không hiểu gì mà lại đi bóp méo văn hóa Trung Hoa. Còn giáo sư Chen Wu thuộc trường đại học Bắc Kinh thì chỉ trích thâm ý của các nhà sản xuất phim Mỹ, khai thác hình tượng con gấu trúc để trục lợi kiếm lời, nấp mình đằng sau công nghiệp giải trí để truyền đạt ý tưởng của mình đến nhiều đối tượng cùng một lúc. Vị giáo sư này gọi đó là một cuộc ‘‘xâm lăng của văn hóa ngoại bang’’ và giải thích rằng một bộ phim với toàn là những nhân vật Mỹ chưa chắc gì đã thuyết phục được khán giả Trung Quốc, nhưng một bộ phim Mỹ hàm chứa nhiều nét văn hóa Trung Hoa sẽ dễ dàng đánh trúng đối tượng là người Trung Quốc hơn.
Cuộc tranh luận xung quanh bộ phim Gấu trúc học võ thật ra là một câu chuyện dài nhiều tập. Nó bắt nguồn ngay từ lúc ra mắt tập đầu tiên tức là vào năm 2008. Vào thời đó, đạo diễn Steven Spielberg, một trong những người sáng lập hãng phim Dreamworks, đã tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Lúc đầu, ông nhận lời làm cố vấn nghệ thuật trong cách dàn dựng lễ hội Olympic, nhưng sau đó ông rút lui để phản đối việc chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn Sudan, mặc dù thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở vùng Darfour của nước này. Chính cũng vì vậy, mà tập đầu của Gấu trúc học võ đã gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ, khi phim được công chiếu ở Trung Quốc.
Để tránh cho tranh luận tái diễn, hãng phim Dreamworks lần này đã tỏ ra khôn khéo hơn trước rất nhiều, đặc biệt là ở ba điểm. Thứ nhất, các nhà sản xuất chọn một nữ đạo diễn người Mỹ gốc Hoa, cô Jennifer Yuh Nelson. Thứ nhì, đoàn làm phim đã nhiều lần đến thăm các hiệp hội bảo vệ loài gấu trúc ở Trung Quốc. Thứ ba, ban đặc trách khâu quảng cáo đã thực hiện công việc tiếp thị ngay từ giai đọan tiền kỳ của bộ phim, để lọt thông tin ra bên ngoài để bắt mạch thị trường, tránh vận dụng những hình tượng như long phụng vào các nhân vật phản diện (rồng là linh vật đối với người Trung Hoa, nhưng lại là hung thần đối với văn hóa Âu Mỹ). Nói tóm lại, ngay từ đầu, đoàn làm phim đã tìm cách giới hạn càng nhiều rủi ro chừng nào, thì càng tốt chừng nấy.
Trên các diễn đàn thông tin, không phải chỉ có những ý kiến bất bình với hai tập phim Gấu trúc học võ. Về điểm này, thì các ý kiến đăng tải trên mạng cho thấy là dư luận Trung Quốc bị chia thành hai phe. Một bên thì phản đối, còn một bên thì cho rằng thay vì đi chỉ trích người khác, tại sao các nhà làm phim Trung Quốc không tự nhìn lại mình. Đối với nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc, thì nền điện ảnh Hoa Lục còn vướng phải lưỡi kéo kiểm duyệt. Trước một sự kiểm sóat như vậy, không phải là không còn sáng tạo, nhưng các tác phẩm mang tính chất phê phán chỉ có thể thành hình ở ngoài luồng. Bằng chứng là nhiều phim Trung Quốc thành công ở nước ngoài, một là quay lén, hai là tìm cách luồn lách để đi vòng sự kiểm duyệt.
Theo lời ông Wu Jiang, Giám đốc nhà hát Kinh kịch Quốc gia, phần lớn bộ phim Gấu trúc học võ đều dựa trên văn hóa Trung Hoa, vậy thì tại sao người Trung Quốc lại không làm được một bộ phim như vậy? Báo Courier International thì trích dẫn đạo diễn Lu Chuan cho rằng thay vì phí lời chỉ trích, thì nên để dành công sức để xây dựng ngành làm phim nội địa xứng đáng hơn với hình ảnh của một cường quốc điện ảnh. Theo đạo điễn này, nếu như các tác giả Trung Quốc phải được duyệt qua trước, luôn tục làm theo chỉ đạo, thì e rằng chẳng còn ai thật sự còn có hứng thú để sáng tạo. Trong bối cảnh này, đạo diễn trẻ tuổi Lu Chuan cảm thấy vui mừng khi mà Trung Quốc đầu tư vào việc thành lập một hãng phim hoạt hình có tầm cỡ, đặt tại thành phố cảng Thiên Tân, nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng một tiếng đồng hồ đi xe hơi.
Còn theo báo Le Monde, Gấu trúc học võ tập hai trước hết là một câu chuyện ngụ ngôn thú vị, dành cho mọi lứa tuổi. Bộ phim có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và một trong những cách đọc là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai siêu cường Hoa Kỳ Trung Quốc. Anh hùng thắng kẻ tà vì ở một bên Gấu trúc tuy dùng võ nhưng thế mạnh lại xuất phát từ tâm, trong khi chim công chỉ đơn thuần dùng hỏa lực. Không biết ẩn dụ này làm cho người Trung Quốc nhột ở chỗ nào. Từ năm 2008, Bắc Kinh tập trung phát triển việc sử dụng quyền lực mềm (soft power) để tô điểm hình ảnh, nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.
Khái niệm này, kể từ một thập niên qua, được định nghĩa như khả năng thu hút và thuyết phục các quốc gia khác mà không cần sử dụng đến sức mạnh (hard power). Quyền lực mềm được thể hiện qua hàng loạt các yếu tố như hình ảnh, uy tín, năng lực giao tiếp, mức độ cởi mở của xã hội, tính gương mẫu của chính quyền và sức quyến rũ của nền văn hóa, vân vân… Nhưng rõ ràng là trong lãnh vực sử dụng quyền lực mềm, người Mỹ đã ghi được một bàn thắng với sự thành công không thể chối cãi của bộ phim Kung Fu Panda ở Hoa Lục. Tuy nhiên, bộ phim Gấu trúc học võ tập nhì sẽ hay hơn thế nữa, nếu như các nhà làm phim Mỹ đã không tự kiểm duyệt mình để tránh đụng chạm. Rốt cuộc thì Panda của Mỹ lại sợ bị gõ đầu bằng gậy trúc. Còn gấu trúc Trung hoa thì lại bị gậy ông đập lưng ông.
source
RFI Vietnamese
No comments:
Post a Comment