Wednesday, 11 November 2009

Duyên dáng trong nhiếp ảnh



Cập nhật lúc 4:59:53 PM - 19/01/2009

Bài và ảnh: Thái Minh Trung, M.D.

LTS: Vào ngày thứ Bảy, 24 tháng Giêng 2009, Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Ảnh sẽ tổ chức một buổi triển lãm nhiếp ảnh lúc 10 giờ sáng tại thiền viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA 92841, (714) 323 3002. Xin mời quý độc giả đến xem hình triển lãm.


Nhiều người hiểu lầm rằng khi ta có máy ảnh và ống kính tốt thì tự nhiên hình sẽ ra đẹp. Nhưng thật ra không hẳn như thế. Máy ảnh và ống kính tốt chỉ là những công cụ giúp hình rõ nét và có độ sáng đúng mức mà thôi. Đứa trẻ nào sanh ra cũng tập nói và tập đi được, lời nói và bước đi có thể ví như kỹ thuật của nhiếp ảnh. Mặc dù phát âm và đi đứng vững chắc nhưng không hẳn cái duyên dáng có sẵn trong tiếng nói hay bước chân. Nhiếp ảnh cũng thế, nếu muốn có tính chất nghệ thuật trong ảnh thì ta phải học hỏi và luyện tập những yếu tố tạo ra nghệ thuật trong bức ảnh. Cũng như duyên dáng là cái hồn của cơ thể, nghệ thuật là tình cảm và tinh thần của bức ảnh. Bức ảnh không có nghệ thuật làm người xem dễ chán và sẽ không thu hút được sự chú ý của họ.

duyen-dang-trong-nhiep-anh.jpg

[Một bức ảnh đẹp vì cho thấy ánh sáng]

Cái nhìn

Yếu tố quan trọng nhứt tạo ra một bức ảnh nghệ thuật là cái nhìn của nhiếp ảnh gia. Khi nói đến nhìn, không phải mở mắt ra là nhìn được. Đôi khi con mắt người ta mở trân trân mà không thấy.

Sự chú ý rất quan trọng trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Sự chú ý giúp nhiếp ảnh gia quan sát những diễn biến của đời sống chung quanh để có thể chụp ra một tấm hình tạo sự xúc động cho người thưởng thức. Hình nghệ thuật có thể ví như món ăn tinh thần đem lại sự tỉnh thức cho người xem. Ta có thể đi qua khung cảnh nào đó cả trăm lần đến độ nhàm chán. Nhưng khi nhiếp ảnh gia chụp cùng một khung cảnh ở một góc cạnh và ánh sáng nào đó, nó bất chợt trở nên khác lạ và có sự thu hút lạ thường. Bức ảnh nghệ thuật đó như một tiếng chuông xoáy vào tâm hồn người xem làm họ tỉnh thức và nhìn ra vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

Muốn có cái nhìn duyên dáng của nghệ thuật, chúng ta phải cởi bỏ những ưu phiền khi cầm máy ảnh trên tay. Máy ảnh bây giờ trở nên một công cụ đưa ta sang một thế giới mầu nhiệm của ánh sáng. Một số người thích tụng kinh hay cầu nguyện để cho tâm hồn lắng dịu lại sau những bão táp của cuộc đời. Đối với nhiếp ảnh gia nghệ thuật thì những tấm hình nghệ thuật là những câu kinh kệ hay lời cầu nguyện tuyệt diệu đưa ta đến thế giới của chân, thiện và mỹ.

Ánh sáng và mầu sắc

Khi bạn biết nói chuyện với ánh sáng thì cả một chân trời mầu nhiệm sẽ mở ra trước mặt bạn. Ánh sáng rất quan trọng trong nhiếp ảnh. Ảnh ra tầm thường hay tuyệt mỹ là do bạn chọn lựa ánh sáng. Khi bạn tập dùng ngôn ngữ của ánh sáng trong nhiếp ảnh thì đến một lúc nào đó bạn cảm thấy rất gần gũi với tính linh thiêng của tạo hóa. Lúc đó bạn kết hợp được ánh sáng tỉnh thức trong tâm với ánh sáng vô tận bên ngoài. Khi làm được như vậy thì những suy tư buồn phiền trở thành vô nghĩa trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.

Ánh sáng lúc nào cũng là một chủ đề làm cho con người quan tâm. Lúc tổ tiên ta còn ăn lông ở lỗ thì ánh sáng đồng nghĩa với sự sống. Có vô số nguy hiểm có thể xảy ra trong màn đêm. Có lẽ vì thế hoàng hôn lúc nào cũng gợi cho loài người một cảm giác buồn man mác. Có lẽ đâu đó còn phảng phất trong tâm tư nỗi lo âu mất mát khi đêm đến. Có phải vì thế mà khi ta bị căng thẳng trong cuộc sống thì tối lại bị mất ngủ vì màn đêm trong tiềm thức tượng trưng cho nguy hiểm chăng? Ta phải thức để canh chừng. Ngược lại khi mặt trời lên, mùa xuân đến, là những khoảng thời gian được coi là an toàn vì có nhiều ánh sáng, hoa quả và mùa màng dư thừa. Như bạn thấy đó, sự hiện diện của ánh sáng lúc nào cũng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Sự hiện diện của ánh sáng còn đi đôi với màu sắc. Màu sắc cũng là dấu hiệu của sự sinh sản ở muôn loài, sinh vật lẫn thực vật. Vì thế ánh sáng và màu sắc có khả năng đem đến niềm vui và hy vọng trong tâm thức con người.

Khi người nghệ sĩ tập nói chuyện bằng ánh sáng và màu sắc thì niềm vui chung quanh họ sẽ vô tận. Chúng ta rất có phước sanh sống vào thời đại khoa học kỹ thuật trên đà phát triển. Lúc nào ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo cũng bao quanh ta. Vì thế mà những cơ hội chụp hình không bao giờ thiếu, từ sáng tới tối. Cái thiếu sót là do ta không biết nhìn ra và tận dụng những cơ hội này. Nếu tổ tiên ta mà được sống chỉ một giây phút trong xã hội ban đêm tràn đầy ánh sáng nhân tạo của thời nay thì chắc chắn là họ tin rằng họ đã đầu thai lên thiên đàng. Đa số chúng ta coi thường điều đó, vì thế mất cơ hội tận hưởng cái hạnh phúc do ánh sáng đưa đến. Ta còn cái phước nữa là ở thời đại này ta có máy ảnh digital, chụp ra coi liền lại được, không phải chờ chụp hết cuốn phim và đem ra tiệm rửa hình. Hình ra không như ý muốn, ta có thể điều chỉnh lại tức thời nên không bị bỏ lỡ cơ hội chụp. Với loại máy ảnh này, khả năng tiến bộ của ta sẽ vượt bực thế hệ trước trong nháy mắt.

Tâm hồn ta mở rộng thật nhiều khi tập nhìn ánh sáng. Ta tập thức dậy sớm để nhìn ánh mặt trời đầu tiên của một ngày mới. Ánh sáng đẹp nhất trong ngày là ánh sáng vài tiếng sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn. Những nhiếp ảnh gia kỳ cựu gọi thời điểm này là thời điểm vàng trong nhiếp ảnh. Đa số những ảnh phong cảnh thắng giải đều được chụp vào thời điểm này. Lúc này cảnh vật có màu sắc đậm đà rất đẹp.

Những phần tương phản sáng tối cũng rất mỹ thuật. Loại ánh sáng này làm giọt sương ban mai long lanh trên cọng cỏ non và làm những hàng dừa in bóng dài trên bãi biển vắng thơ mộng. Chỉ đợi vài tiếng sau, khi mặt trời lên cao thì sự mầu nhiệm của ánh sáng nghiêng dần dần biến mất. Đây là thời điểm khách du lịch cầm máy đi ra chụp hình. Những hình chụp vào trưa sẽ tạo ít ấn tượng nghệ thuật và màu sắc bị lợt lạt rất nhiều. Ánh sáng đầu tiên của ngày có thể ví như nụ cười e ấp của một thiếu nữ. Rồi khi mặt trời lên cao đến đỉnh trời thì nụ cười đó trở thành nụ cười chào hàng của cô tiếp viên, không còn duyên dáng dễ thương nữa.

Khi ta tập nhìn ánh sáng và màu sắc đẹp đẽ chung quanh thì dần dần những ý tưởng bi quan bị tan biến. Kiếp sống ta không còn hạn hẹp trong những ý muốn cá nhân không thành, tạo sự bực bội lẩn quẩn trong đầu ta. Ta có cái nhìn rộng hơn vì biết thưởng thức sự rộng lượng của thiên nhiên. Ánh sáng không ích kỷ, lúc nào cũng trao tặng người nghệ sĩ muôn vạn màu sắc tuyệt đẹp. Ánh sáng, khác với vật chất, lúc nào cũng vô tận. Có muôn người chụp mà không bao giờ hết. Càng nhiều người chụp thì ta càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ánh sáng không hạn hẹp như tiền bạc, danh lợi và sắc đẹp, người này được khiến cho người kia mất. Người vui trên chiến thắng thì có kẻ đau khổ trong thất bại. Cho nên khi ta làm quen với ánh sáng thì tâm hồn ta sẽ nếm được sự đẹp đẻ, không lo nghĩ của tâm tĩnh lặng.

Những bức ảnh

Khi bạn làm quen với ánh sáng rồi thì những tấm hình không quan trọng. Thú vui của nhiếp ảnh gia nghệ sĩ là không ngừng sáng tác với ánh sáng vô tận. Tấm hình có thể đẹp, được nhiều người trầm trồ khen ngợi và có thể được trúng giải. Nhưng tấm hình không phải là sở đắc của nhiếp ảnh gia. Nó chỉ là một cửa sổ giúp cho người xem quên tức thời những buồn lo để đi vào thế giới huyền diệu của mỹ thuật. Bức ảnh chỉ là viên sỏi để lại cho đời, nhân đó mà có người tìm được con đường dẫn đến thế giới chân thiện và mỹ. Nếu bỏ viên sỏi đó vào đôi giày để làm tâm đắc thì nó chỉ làm ta đau chân chớ không có ích lợi gì. Khi ta chọn một tác phẩm làm tâm đắc và bực bội khi tác phẩm đó bị chê thì ta vô tình mở cửa cho trần thế vào làm ô nhiễm cái thế giới nhẹ nhàng của ánh sáng rồi. Điều quan trọng nhứt là bạn tập được sự đẹp đẽ trong tâm hồn mình để tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nữa.


***********************

source

Vien Dong Daily News

2 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Bài viết hay và thiệt thực lắm.
    Linh Cường – Nhân viên Marketing
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Các cách để tìm một nhiếp ảnh gia phù hợp
    • Hoặc Cac cach de tim mot nhiep anh gia phu hop

    ReplyDelete