Phụng Linh
Phải mất một thời gian chờ đợi khá lâu, chúng tôi mới gặp được đôi vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp. Họ đang tất bật chuẩn bị tham dự một cuộc triển lãm khoảng đầu năm 2009 tới.
Ông bà còn tiết lộ, đang dốc thời gian làm việc cho cuộc triển lãm trù tính trong một tương lai gần kỷ niệm 40 năm ngày cưới của đôi vợ chồng họa sĩ tài danh. Bà Nguyễn Thị Hợp cho biết, tại cuộc triển lãm ở Houston sắp tới sẽ trưng bày khoảng 20 tấm tranh mang chủ đề thuộc về đề tài ưa thích lâu nay của bà: phụ nữ Việt Nam, mẹ con, các em thiếu nhi... Đó là thế mạnh của cây cọ nữ Nguyễn Thị Hợp. Còn họa sĩ Nguyễn Đồng, phu quân của bà, thì khá nổi tiếng tại Sài Gòn, nơi tranh của ông thường xuyên xuất hiện trong các cuộc triển lãm của nhóm họa sĩ, chung với Nguyễn Trung…
[Đôi vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng tại xưởng vẽ]
Viễn Đông: Thưa, ông bà có nhớ tổng số bức tranh đã hoàn thành trong thời gian qua?
Nguyễn Thị Hợp: Không nhớ hết nổi. Các cuộc triển lãm chung hầu như năm nào cũng có, với một nhóm từ 3 – 4 tới 10 người. Sau này chúng tôi thỉnh thoảng triển lãm tranh riêng của 2 người, tính ra khoảng 4-5 lần. Sau năm 1975, hầu như mỗi năm đều có triển lãm chung tại Âu châu. Ở tại đây, chúng tôi từng triển lãm tranh nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới tại trụ sở báo Viễn Đông bây giờ, cách nay 10 năm. Đáng lẽ năm nay chúng tôi triển lãm nhân kỷ niệm 40 năm nhưng chưa làm kịp, còn trong vòng dự tính. Cái chính là mình làm việc, chứ con số thì vẫn là con số thôi. Cuộc triển lãm gần đây nhất tổ chức tại Phân khoa Mỹ thuật đại học Minnesota. Tổng số tranh vẽ của hai chúng tôi hiện tại không biết bao nhiêu vì chưa làm thống kê nên không biết, nhưng so với các họa sĩ phương Tây thì không nhiều lắm đâu, mặc dù chúng tôi làm việc liên tục. Chúng tôi có điều giống nhau là vẽ chậm lắm. Vì không ưng ý, thường phải sửa hoài.
Viễn Đông: Cùng làm việc chung trong một môi trường nghệ thuật, cùng là họa sĩ, ông bà có giúp đỡ nhau trong việc sáng tác hay không?
Nguyễn Đồng: Chúng tôi làm việc riêng, giữ sự độc lập cần thiết của mỗi người, nhưng sau khi vẽ xong rồi thì người này góp ý cho người kia, phê bình lẫn nhau. Chúng tôi chuộng sự thẳng thắn đóng góp cho nhau để mỗi người khá hơn.
Viễn Đông: Thưa bà, điều thú vị ở chỗ ông là thầy giáo, đã tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn rồi ra dạy nhưng lại thích vẽ nhiều hơn và bước vào nghề sớm hơn bà, trong khi bà đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật năm 1964. Nghe nói ông bà quen nhau trong một cuộc triển lãm hội họa ở Sài Gòn. Có phải tình yêu nghệ thuật hội họa đã khiến ông bà gắn bó với nhau?
Nguyễn Thị Hợp: Lập gia đình cùng chung sống với nhau, tôi mới biết mình vẽ ít hơn anh. Anh khuyến khích mình trở lại vẽ, thay vì chỉ minh họa sách.
Viễn Đông: Bà đang dốc lòng cho cuộc triển lãm kỷ niệm 40 năm ngày cưới của hai ông bà?
Nguyễn Thị Hợp: Chúng tôi sẽ “trình làng” ít nhất 15 tấm mỗi người, tổng cộng cả hai có khoảng 30 tấm.
Viễn Đông: Công việc có bận rộn lắm không, thưa bà vì hiện nay bà còn đang là họa sĩ trình bày cho một nhật báo ở Nam California?
Nguyễn Thị Hợp: Thời giờ làm việc ở sở cộng với thời gian sáng tác hội họa quá nhiều, đôi khi cũng khiến tôi quên mất… gia đình. Đó là thiếu sót không thể phủ nhận. Nhưng nay thì tôi dành thời giờ cho gia đình nhiều hơn. Trước nay mỗi lần đi làm về rồi hùng hục vẽ, nhà cửa bề bộn. Tôi đang vẽ một bức chân dung theo yêu cầu của khách hàng và anh giúp tôi rất nhiều để hoàn thành bức tranh đặc biệt này.
Viễn Đông: Thưa ông, chúng tôi thấy có những bức vẽ ghi tên hai họa sĩ, công trình chung của hai người. Liệu rằng vẽ chung có làm mất đi tính cách riêng vốn có của mỗi họa sĩ hay không?
Nguyễn Đồng: Hồi còn độc thân, tôi có một cuộc triển lãm lần đầu tiên ở Sài Gòn, còn Hợp triển lãm đầu tiên ở Đài Loan. Năm 1968, chúng tôi làm lễ thành hôn. Thời gian độc thân thì không ai biết ai. Mãi cho đến khi cưới nhau rồi sang Đức, chúng tôi có toàn thời gian để vẽ, nên có cơ hội tham dự nhiều cuộc triển lãm ở Paris. Bức tranh của riêng từng người vẽ thì rất khác nhau. Với tác phẩm có tính chất nửa trang trí thì chúng tôi vẽ chung, thí dụ như loại tranh minh họa, ký tên Nguyễn Thị Hợp – Nguyễn Đồng. Những bức tranh chung đó có một phong thái lạ không riêng người nào. Lần triển lãm rồi ở Irvine College, chúng tôi triển lãm 3 phần, 2 phần riêng và 1 phần chung. Đó là loại tranh minh họa theo mẫu có sẵn, chúng tôi chỉ dựa theo đó mà phóng lớn. Tranh cọ để sẵn trong xưởng vẽ, ai rảnh thì cầm cọ lên…
Viễn Đông: Sở trường của hai ông bà có điểm nào trùng hợp không, thưa bà?
Nguyễn Thị Hợp: Anh thường vẽ toàn thể, cảnh vật, cảnh trí chung quanh vì anh chuyên về hoa lá, phong cảnh. Côn tôi chuyên vẽ người nhiều hơn cho nên chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau rất nhịp nhàng, ăn ý. Đối với loại tranh mà một nửa mang tính cách trang trí thì có thể cùng lúc 4 – 5 người có thể cùng làm dựa vào một bản phác thảo đã đồng ý. Chúng tôi từng có những tác phẩm vẽ chung như thế.
Viễn Đông: Thưa ông, nhìn lại quãng thời gian hoạt động cho nghệ thuật hội họa đã qua, ông có hài lòng với công việc đã làm?
Nguyễn Đồng: Khó trả lời được rằng hài lòng hay không hài lòng. Tôi nghĩ, không ai có thể trở lại con đường đã qua. Nhưng có thể nói rằng khó có ai hài lòng với những gì mình đã làm. Cũng như người viết văn, nếu bạn đọc cho viết lại tác phẩm của mình thì họ có thể sửa hoài.
Viễn Đông: Bà có kinh nghiệm nào trong thời gian qua?
Nguyễn Thị Hợp: Tôi thích xem tranh của người khác để học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm cho riêng mình. Hiện nay tôi có thời gian 1 năm ngưng làm việc ở tòa soạn để được yên ổn, dành toàn thời gian cho việc sáng tác, rất thú vị vì không phải sa vào thời gian vẽ một cách vội vã, hấp tấp.
[Tác phẩm “Mùa Xuân” (tranh màu nước) của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp]
Viễn Đông: Tình hình suy thoái của nền kinh tế thị trường liệu có tác động đến đời sống vật chất cũng như hoạt động sáng tác của người họa sĩ không, thưa ông bà?
Nguyễn Thị Hợp: Tình hình kinh tế khó khăn cũng tác động một phần. Nhưng sự khó khăn đó chỉ có vẻ khởi đầu thôi, chưa biết sau này ra sao. Trước đây tôi từng chứng kiến một đợt suy thoái trầm trọng, ngân hàng xiết nhà cắm bảng đỏ đầy đường. Lúc mới từ Đức sang đây khoảng năm 1987, chúng tôi cũng vất vả lắm. Ở nhà nhờ, đi xe nhờ, đến nỗi con gái chúng tôi luôn miệng hỏi “hôm nay mình sẽ đi xe của ai, ở nhà ai?” Có lẽ hồi đó còn khó khăn hơn bây giờ, đối với riêng chúng tôi.
Viễn Đông: Ông bà có cách tìm cảm hứng cho mình?
Nguyễn Đồng: Chúng tôi thích đi đó đi đây, nhìn ngắm vạn vật thiên nhiên. Năm nào cũng đi, chúng tôi mới vừa đi Nhật về. Đi chơi là đi thôi chứ không nghĩ đến vẽ. Nhưng vì mình là người thích nghệ thuật, chuộng sự thưởng thức nghệ thuật nên rất siêng đi bảo tàng viện, đi xem các cuộc triển lãm lớn, nghe hòa nhạc… Đó là những nơi gây cảm hứng, nhất là khi đi nghe nhạc. Còn xem triển lãm thì chúng tôi học hỏi rất nhiều. Nghệ thuật cần coi trọng cái mới, những hình thức mới nhất của nghệ thuật, có điều là mình không bắt chước. Cái mới từ trong lòng mình ra thì là mới, còn từ những gì mình nhìn thấy thì đã cũ rồi.
Viễn Đông: Qua cách nói, chúng tôi đoán hình như ông hỗ trợ cho bà trong nghề nghiệp nhiều hơn, phải không thưa ông?
Nguyễn Đồng: Không biết được, mạnh ai nấy làm và chỉ giúp nhau thôi. Nếu không có người này hì người kia cũng làm, vì công việc từ trong lòng mình ra. Nhưng tôi nghĩ hai vợ chồng cùng ngành cũng có lợi vì có thể hỏi ý kiến của nhau, nếu không thì không biết hỏi ai.
Viễn Đông: Có khi nào ý kiến của người này làm người kia thay đổi hẳn một sáng tác?
Nguyễn Đồng: Thỉnh thoảng cũng có xóa đi làm lại. Nhưng có điều chắc chắn là ai cũng có cái nhìn và quan điểm riêng của mình, và ý kiến của người khác sẽ giúp mình làm việc chín chắn hơn.
Viễn Đông: Thưa bà, các gia đình Việt Nam trong nước vẫn còn nặng tinh thần phong kiến, chẳng hạn như là vợ phải làm việc nhà nhiều hơn, lo cho gia đình nhiều hơn so với ông chồng. Còn với bà thì sao?
Nguyễn Thị Hợp: Chúng tôi chia nhau việc nhà mà làm, giống hai người bạn thân, chia nhau công việc. Anh và gia đình anh là những người có tư tưởng rất mới, đặc biệt là cha mẹ chồng của mình. Mình là người may mắn nhất trong gia đình vì quen anh và được lấy anh từ nơi làm việc.
Viễn Đông: Có nghĩa ông là người do bà chọn lựa, chứ không phải là người chồng do bố mẹ chọn rồi “bắt ép duyên”, thưa bà?
Nguyễn Thị Hợp: Tôi may mắn được như thế, nhưng cũng có phần nhờ thời thế đổi thay. Hơn nữa gia đình của anh sống trong Nam và gia đình tôi từ khi di tản vào miền Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều.
Viễn Đông: Bà có kinh nghiệm gì giữ gìn hạnh phúc gia đình?
Nguyễn Thị Hợp: Nhờ trời, với lại tùy theo số phận.
Viễn Đông: Còn ông thì sao?
Nguyễn Đồng: Công việc vẽ vời đưa chúng tôi lại với nhau. Tôi nghĩ cuộc sống gia đình nếu có giận hờn, sóng gió thì cũng là chuyện thường của những người yêu nhau. Nếu tranh toàn màu đen sẽ không giúp cho con người biết màu trắng, nếu cuộc đời chỉ vui thôi thì lại không thấy vui hơn sau nhưng lần có chuyện buồn giận. Chắc ông trời sinh ra như vậy, có nghèo giàu, có khác biệt… Vấn đề là mình hiểu sự khác nhau là một cái gì hết sức tự nhiên để không đi đến đổ vỡ.
Viễn Đông: Ông nghĩ gì về sự độc lập sáng tạo của một nghệ sĩ hội họa? Hiện nay người họa sĩ có thể sống được bằng nghề vẽ của mình không?
Nguyễn Đồng: Tôi không muốn lệ thuộc vào việc vẽ thương mại, nên phải làm một nghề để sống, để được vẽ theo ý thích của mình mặc dù những sáng tác đó chưa chắc được người ta hưởng ứng, mua tranh… Vì thế cho nên tôi không ngạc nhiên khi biết các bậc nghệ sĩ Tây phương đều có một nghề riêng để sống và để viết theo ý muốn của họ. Phải có cách nào để sống để được ngồi viết theo ý của mình.
Viễn Đông: Xin cám ơn ông bà và kính chúc ông bà hạnh phúc, trẻ trung trong dịp Giáng Sinh và Năm Mới, và cho ra đời nhiều bức tranh được công chúng yêu thích.
source
Vien Dong Daily News
No comments:
Post a Comment