*Tác phẩm của Đinh Cường, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, và Nguyễn Việt Hùng
*Giới thiệu buổi “Nhạc Chiều Cuối Năm” trong khung cảnh tranh đẹp
Triển lãm Hội Họa
Vào những ngày từ 22 đến 25 tháng Giêng năm 2009, nhóm họa sĩ quen thuộc với cộng đồng Little Saigon gồm Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, và Nguyễn Việt Hùng, cùng họa sĩ Đinh Cường từ miền Đông Hoa Kỳ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tranh mừng Xuân hằng năm tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông. Chủ đề năm nay đặt trọng tâm vào các tác phẩm có kích thước cỡ trung bình và cỡ nhỏ, và vì thế được đặt tên là “Small Wonders”, có thể hiểu như những điều kỳ diệu nhỏ bé. Những sáng tác có kích thước khiêm tốn sẽ đem lại nhiều điều lý thú cho khách thưởng ngoạn và tình cảm, tài năng đặc biệt của mỗi họa sĩ vẫn có thể nhận thấy được qua những sáng tác của họ.
Địa điểm: Phòng SH báo Viễn Đông, 14891 Moran St., Westminster, CA 92683
Thời gian: 22-25 tháng Giêng, 2009, từ 10 giờ sáng tới 6 giờ chiều
Tiếp tân khai mạc: Thứ Bảy 24 tháng Giêng, 2009, từ 2 giờ chiều
Buổi “Nhạc Chiều Cuối Năm”
Đặc biệt, một buổi nhạc có tên “Nhạc Chiều Cuối Năm” sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối thứ Bảy 24 tháng 1, 2009 tức ngày 29 Tết với sự góp mặt của Bích Liên, Phạm Hà, Vương Lan, Như An, nhóm ca Sóng Xanh, Đan Tâm, Thế Hậu, nhóm ca Gió Núi, Kim Anh, Kim Liên, ban Thiếu Nhi Ngàn Khơi, danh cầm Đỗ Đình Phương và dương cầm thủ Phương Lan. Vào cửa tự do.
Nhạc hay và tranh đẹp đi đôi với nhau để nâng cao tâm hồn người thưởng ngoạn.
Chân dung hội họa
Dưới đây là chân dung hội họa từng họa sĩ của buổi triển lãm:
Đinh Cường với tác phẩm “Đêm Thắp Nhang Ngoài Trời Mù Sương”, tranh sơn dầu, 24 x 30 inches, 2008.
Bố cục là một người thắp nhang đứng giữa khung trời xám vào cảnh đêm trăng tròn. Người đứng thẳng, không hẳn vào trung tâm của bức tranh, trong bầu không gian màu xám ngả xanh rất trầm mặc, kết hợp với những nét cạo sơn vừa vô tư như trẻ thơ, vừa điêu luyện của bậc thầy hội hoạ, những bệt màu xám trắng diễn tả khuôn mặt và đôi bàn tay chắp lại, giữ một thanh nhang đang cháy đỏ. Dáng người cao thanh và sắc độ không ồn ào của màu xám, có điều gì làm liên tưởng đến cách tạo hình của điêu khắc gia họa sĩ Giacometti.
Những đường nét cạo sơn, một lối nghệ thuật hoang dã “primitive” mà họa sĩ Dubuffet khởi xướng, và được các danh họa đương thời Cy Twombly và Antoni Taipes thăng hoa. Hội hoạ Đinh Cường đạt đến cao điểm về kỹ thuật và tư duy của nền hội hoạ Hiện Đại (Modern Art, vào đầu thế kỷ 20). Tác phẩm này đủ sức mạnh để thuyết phục được những khách xem tranh lão luyện. Đây là tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa tư tưởng Á Đông và kỹ thuật Tây phương. Một sáng tác có được tiêu chuẩn viện bảo tàng.
Nguyễn Đồng với tác phẩm “Ánh Lửa Trong Nhà”, tranh màu nước, 15 x 11 inches.
Tranh Nguyễn Đồng thường mang đến cho người xem một hoài niệm miền quê Việt Nam, nhất là miền Tây Nam bộ. Căn nhà lợp tranh ở vị thế giữa họa phẩm, với rừng dừa cao bao bọc sau nhà và bụi dừa nước thấp chặn đằng trước. Căn nhà ấm lên ngọn lửa khi hoàng hôn chậm đến. Những màu sắc bồi đắp lên nhau tạo hiệu quả sâu lắng và ấm áp của một buổi chiều. Khung cảnh rất thật và quen thuộc, nhưng thực tế thì khó mà tìm được khi thời gian đã xóa dần đi những vùng thôn quê dân dã. Có thể họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ những gì rất thực, rất bình thường, và sẽ trở thành những gì thật cao xa, mất hút. Đó là loạt tranh về cảnh miền quê, hầu như không có hình ảnh con người, cho dù họa phẩm mang dấu vết dân gian như nhà tranh, cầu ván, ao cá…
Hình như họa sĩ Nguyễn Đồng yêu thích sự riêng tư cá nhân hơn là nhóm hội đông người. Hội hoạ Nguyễn Đồng mang âm hưởng của hội hoạ Paul Klee về màu sắc đầm thắm, tình cảm cô đọng, và nét tạo hình đơn giản.
Nguyễn Thị Hợp, “Mùa Xuân”, tranh màu nước, 12 x 12 inches, 2008.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp có nét vẽ nhẹ nhàng thanh thản trên tranh lụa, nhiều vùng nhạt trắng tạo khoảng không gian thoáng, nói lên nét tao nhã của hội họa Á đông. Bức tranh diễn tả thiếu nữ đang nằm, nhìn ngắm hoa Mai, hoa Đào trong bối cảnh không gian Việt Nam. Thiếu nữ vô tư để hở một bên ngực, ve vẩy tay quạt trong buổi trưa tươi mát mùa Xuân. Cho dù cách chọn lựa đề tài, nhân vật, sự sắp xếp cảnh trí của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp đều liên hệ đến Việt Nam nhưng tính hiện đại của nền hội hoạ Tây phương đã có dấu ấn nơi chị.
Hình như họa sĩ Henry Matisse với các tác phẩm “Thiếu Nữ Khỏa Thân” đã ngấm ngầm, tự nhiên và vô thức đi vào một số tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. Đôi mắt đen đầy và cánh tay của thiếu nữ vắt ngang lên đầu từ các tác phẩm của họa sĩ Matisse, là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ Việt Nam, điển hình là tác phẩm “Thiếu Nữ bên Hoa Huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, và không ít những họa phẩm “Thiếu Nữ” của những họa sĩ thuộc nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ thành phố Sài Gòn năm nào đều có bố cục tương tự (Ngay cả họa sĩ Picasso cũng chịu ảnh hưởng từ dáng điệu thiếu nữ của họa sĩ Matisse qua tác phẩm “Nude in a Red Armchair - Khỏa thân trên Ghế Bành Đỏ”). Chính nét ẩn của chất hội hoạ Hiện Đại trong tranh họa sĩ Nguyễn Thị Hợp đã tạo nên sự yêu mến tranh chị từ giới sưu tập và thưởng lãm nền hội họa Việt Nam.
Nguyên Khai, “Ngựa”, tranh sơn dầu, 30 x 40 inches.
Ngựa là một trong những đề tài họa sĩ Nguyên Khai thường vẽ. Đối với người Việt, Ngựa không là thú vật thân quen, nhưng không ít họa sĩ Việt Nam vẽ hoặc tạo hình về đề tài này. Bởi thế đừng nghĩ họa sĩ Nguyên Khai có sự liên hệ mật thiết với giống thú này. Thật ra Ngựa mang nhiều đặc tính của sự lãng mạng, nhiều chất thi ca trong nền văn hóa Đông phương. Đàn ngựa phi tung vó, quây quần đùm bọc bên nhau, nhưng vẫn phóng khoáng tự do. Bức tranh Ngựa của Nguyên Khai gồm tám con, có lẽ là con số hên theo truyền thống Trung Hoa.
Họa sĩ Nguyên Khai không đặt nặng tư tưởng vào trong các tác phẩm của mình, điều họa sĩ thật sự bận tâm là bố cục và màu sắc. Những con ngựa trắng, màu trắng phủ lên các màu có trước tạo nên sắc độ ẩn hiện. Màu trắng là màu thành công của họa sĩ Nguyên Khai. Nguyên Khai là một trong những họa sĩ trụ cột của Hội Hoạ Sĩ Trẻ vào thập niên 1960 –1970, là nhóm họa sĩ mang nhiều ảnh hưởng của nền hội hoạ Hiện Đại Âu châu đầu thế kỷ 20, điển hình qua các danh họa Chagall, Paul Klee, Picasso,….
Nguyễn Việt Hùng, “Chân Dung Đá”, sơn acrylic trên đá, kích thước so sánh với đồng xu penny, 2008.
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng dựa vào những hình dạng có sẵn trên viên đá ở vùng biển gần nhà mà sáng tác theo ý tưởng của mình. Từ những lỗ hổng đây đó trên viên đá, đưa đến những đề nghị về hình thể khuôn mặt, hoặc vài bộ phận trên thân thể. Thiên nhiên là đấng sáng tạo vĩ đại, không có hai viên đá hoàn toàn giống nhau, và họa sĩ đã nương theo nguyên lý này để sáng tạo những tác phẩm độc nhất. Mỗi chân dung đá là một tác phẩm duy nhất trên thế gian này.
“Chân Dung Đá” của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng một phần chịu ảnh hưởng từ cách tạo hình của họa sĩ Picasso; những biến dạng hình thể đến tính chất dục cảm rất thô bạo. Hội hoạ Nguyễn Việt Hùng kết hợp nhiều tính chất của các hình thái nghệ thuật tạo hình, từ nghệ thuật truyền thống cổ xưa, đến cách tạo hình của hội hoạ Hậu Ấn Tượng (Cezanne, Van Gogh), hội hoạ Hiện Đại (Picasso, Dubuffet, Miro’), và hội hoạ Đương đại (Diebenkorn, Lucian Freud, David Hockney).
Trên đây là đôi lời giới thiệu đến bạn đọc, hy vọng khách yêu thích nghệ thuật sẽ viếng thăm phòng tranh của 5 họa sĩ Đinh Cường, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, và Nguyễn Việt Hùng. Với những sắc thái rất đặc biệt của từng họa sĩ, những ai có lòng say mê hội hoạ, đều tìm được những cảm xúc thật sự qua cuộc triển lãm nầy.
*************************
source
Vien Dong Daily News
No comments:
Post a Comment