Friday 2 October 2009

Xem tranh Võ Tá Đồng


August 14, 2009


Thanh Thương Hoàng

Đây là lần thứ hai bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng mở cuộc triển lãm tranh. Lần trước năm ngoái cũng vào ngày tháng này và cũng tại địa điểm này, họa sĩ Võ Tá Đồng lần đầu tiên “ra mắt” một số lượng tranh khá lớn đã làm nhiều người ngạc nhiên không ít. Ngay bà dược sĩ chủ nhà thuốc tây cạnh phòng mạch BS Võ Tá Đồng cũng sửng sốt kêu lên: “Tôi ở bên cạnh ông ấy bao nhiêu năm nay mà đâu có biết ông ấy là họa sĩ!”. Vâng, ông bác sĩ này vốn là người khiêm tốn lại ít nói. Ông ít nói về mình. Ông chủ trương để những bức họa của mình “nói” thay mình.

Hình trái: Bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng, trái, hoạ sĩ Trương Thị Thịnh và nhà văn Trương Vũ trong ngày khai mạc phòng tranh. Hình phải: Nữ nhạc sĩ Tú Minh, trái, và Cô Laurianne Le (Lợi), người tổ chức phòng tranh. Photo Trương Xuân Mẫn

Lần triển lãm thứ hai này cũng gây ngạc nhiên không ít, ngoài những bạn bè thân thiết, những người khách phương xa du ngoạn thành phố Thung Lũng Hoa Vàng, tình cờ bước vào phòng tranh Võ Tá Đồng đã không ngớt lời khen tặng. Có vị kéo tay nhà họa sĩ tới ngay trước bức tranh “Hoàng Hôn Trên Sông” nói: “Tôi lấy bức tranh này”. Bức tranh vẽ buổi hoàng hôn trên sông với trời nước bao la hòa quyện trộn lẫn trong một mầu vàng tươi sậm. Giữa dòng sông là ba chiếc thuyền nan nhỏ xíu lững lờ trôi. (Phải chăng đó là tượng trưng cho những phận người nhỏ nhoi lênh đênh trên dòng đời mênh mông dưới một tia sáng (nhỏ) mặt trời rọi chiếu. Bên kia ven sông là xóm làng quê với những vòm cây xám đen âm u thầm lặng. Bầu trời mênh mông vàng thắm như tấm lụa cùng với con sông nước (cũng vàng thắm như tấm lụa) bao quanh trùm phủ xóm làng. Đây rõ ràng là điển hình một xóm làng Việt Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù trải qua bao biến thiên vẫn chẳng hề thay đổi sắc mầu, thay đổi da thịt! Vẫn mầu vàng quê hương nồng thắm Việt Nam với tầng cây xanh đậm hay dầy đặc những hàng dừa xanh ngắt từ muôn đời, không phai mầu, không trơ trụi. Vị khách quả là người tinh ý và bén nhậy khi chọn lựa mua ngay bức tranh này.

Tranh Võ Tá Đồng-Chân Dung Nữ nhạc sĩ Tú Minh.Photo Trương Xuân Mẫn

Một vị khách khác dưới quận Cam lên sau khi mua bức “Bác sĩ Nguyễn Thế Kiệt” nhất định đòi mua thêm bức “Nỗi Nhớ Quê”. Tiếc rằng bức này đã có người mua từ lúc khai mạc phòng tranh. Tranh vẽ cái cầu tre với hai chân cầu mong manh, chênh vênh bắc ngang con sông nhỏ êm đềm thầm lặng đưa nước về những cánh đồng. Bên kia sông lác đác vài ba căn nhà mái tranh (lại cũng vàng thắm) thân yêu ngàn đời của miền thôn quê Việt Nam. Đề tài bức tranh không có gì mới lạ, nếu không nói là…rất cũ. Nhưng với nét vẽ của tác giả, nhìn vào bức tranh lòng người thưởng ngoạn không thấy cũ mà còn cảm thấy sao xuyến cả tâm can. Tình quê hương cứ thế rào rạt dâng lên. Ôi con sông nhỏ với “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, với xóm làng nghèo nàn đơn sơ những mái nhà lá xám vàng hiu hắt. Nỗi nhớ quê hương dài dằng dặc như dòng Cửu Long chẳng bao giờ ngưng chuyển nước. Nhưng ở phía sau những căn nhà lá đơn sơ đó (chắc chẳng phải tác giả vô tình) người ta thấy thấp thoáng một chân trời nơi chốn xa xa ẩn hiện những áng mây ngũ sắc như báo hiệu một mùa xuân lấp ló, đang đến gần. Người ta bảo mỗi bức tranh là một bài thơ không lời (A picture is a poem without word – Horace). Quả đúng như vậy.
Khác với lần triển lãm trước, lần này họa sĩ – tuy vẫn với tinh thần ngẫu hứng (thích là vẽ) có “phân định” cho phòng tranh của mình ba “lằn ranh” rõ rệt: 10 bức vẽ chân dung các nhân vật quen biết trong cộng đồng hay là bạn thân của tác giả. 10 bức vẽ phong cảnh – đa phần là cảnh quê xưa. 10 bức tranh trừu tượng. Thêm vào đó là mấy bức tranh “nuy” được tác giả “nhốt” trong một góc phòng nhỏ có màn che như muốn chỉ dành riêng cho quý ông “chiêm ngưỡng” đường nét diễm kiều hấp dẫn của những người đẹp, nhất là bức “Tắm Đêm”, vẽ một cô gái hoàn toàn để mình trần đứng bên vại nước sửa soạn dội nước xuống tấm thân ngà ngọc. (Nhiều đấng nam nhi muốn mua về nhà treo lắm – trong phòng ngủ hay phòng tắm thì thật tuyệt vời nhưng có lẽ ngại các “mợ” hoạn thư cự nự – nên đành ngắm tranh cho thỏa…con mắt!.)
Trước hết tôi muốn nói về 10 bức tranh trừu tượng. Đa số được vẽ trên khổ lớn với những mầu sắc xanh vàng đỏ tím tươi sáng, rực rỡ, mạnh bạo. Nhất là bức “Ngưỡng Cửa Thiên Đàng”. Phải nhìn nhận là tác giả công phu lắm khi vẽ và gửi gấm nhiều điều không thể nói bằng lời qua bức tranh này. Càng nhìn, càng ngắm (người coi) càng thấy muốn hiểu sao, nghĩ sao cũng được vì “nó” mông lung huyền ảo, không diễn tả một cái gì nhất định nhưng lại diễn tả rất nhiều. Có lẽ tác giả muốn dành phần này để khách thưởng ngoạn tự sáng tạo. Có một ông Tây đã nói người văn nghệ sĩ chỉ sáng tạo 50% tác phẩm, 50 % còn lại dành cho người thưởng ngoạn tự sáng tạo. Và “nghệ thuật vĩ đại cũng phi lý như âm nhạc vĩ đại. Nó điên cuồng với vẻ đáng yêu của nó”. (George Jean Nathan)
Về các bức vẽ chân dung, phải nói là tác giả đã thể hiện được “cái thần” hay nét đặc trưng của từng khuôn mặt của từng nhân vật. Mỗi khuôn mặt là một vẻ, một dáng điệu. Khi bước vào phòng tranh tôi không khỏi sững sờ với một bức tranh thật lớn, lớn nhất trong phòng tranh, vẽ một người đứng như người thật với khuôn mặt đăm chiêu nghiêm nghị, đôi mắt xa vời như đang đi tìm một cái gì đó ở nơi chốn chân trời nào đó. Đây là bức tranh duy nhất họa sĩ vẽ đủ mặt mũi thân mình chân tay một nhân vật chiếm trọn bức tranh. Đó là bức tranh vẽ nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh. Tôi tưởng như ông đang đứng trong khung vải. Nét vẽ sinh động của họa sĩ đã làm nhiều người hết lời ca ngợi. Rồi bức “Áo Tím Ngày Xưa” không phải chỉ riêng các ông mà các bà cũng thắc mắc “có phải là bà ấy không?”, “Thì còn ai vào đây nữa”. Bức tranh này làm tôi nhớ tới 4 câu thơ của thi sĩ Hải Phương: “Nghe rằng xưa tóc em dài. Nghe rằng áo tím sớm mai tới trường. Chỉ nghe chim hót ngoài vườn. Đọc thơ xứ Nghệ mà thương nàng kiều”. Còn nhiều bức chân dung có thể nói là ngó qua rồi khó quên như bức vẽ một nữ ca nhạc sĩ nổi danh (tôi xin không nêu tên). Như bức “Người Đi Trên Mây” với những đường nét tài hoa, sinh động. Mái tóc bạc bàn tay trái chống cằm, đôi mắt nhìn đâu đâu không biết. Tôi cũng là người đang đi trên mây nên rất thích bức tranh này. Hỏi mua thì được trả lời là có người đặt rồi.
Về 10 bức phong cảnh được nhiều người “chiêm ngưỡng” nhất. Có lẽ tình quê hương sau hơn 30 năm xa cách vẫn bừng bừng nở rộ trong tim mọi người khi nhìn thấy cảnh cũ vật xưa.
Bài viết đã khá dài mà tôi thì còn muốn viết nữa, vì còn quá nhiều điều muốn nói nhưng ông bạn chủ biên cứ luôn nhắc: “Ông ơi, một trang thôi nhé!” nên tôi xin mượn lời nhận xét của một họa sĩ nhà nghề để kết thúc bài báo này. Khi được hỏi anh có nhận xét gì về những bức tranh của họa sĩ Võ Tá Đồng, họa sĩ Đào Hải Triều đáp: “Tranh vẽ đẹp, đẹp lắm! Và tôi yêu nhất những bức vẽ về những chân trời cũ, tức cảnh đồng quê sông nước của quê hương chúng ta”. Còn bác sĩ-họa sĩ Võ Tá Đồng thì cho biết ông chưa hài lòng lắm về những “đưá con” của mình. Theo ông, chỉ khi nào những bức tranh được đời nhìn nhận là tác phẩm thì lúc đó mới dám nhận mình là họa sĩ.
Tôi không phải là họa sĩ, cũng không phải là nhà phê bình hội họa. Tôi chỉ viết theo cảm nhận chủ quan của tôi, một người thưởng ngoạn nghệ thuật trong một hiểu biết hạn hẹp về hội họa. Theo tôi, tranh của Võ Tá Đồng đa số đều vui tươi tràn đầy hy vọng, tràn đầy sức sống với những sắc mầu rực rỡ. Rất hiếm những cảnh đơn điệu tiêu điều buồn thảm tối tăm. (Chỉ có một bức duy nhất “Tiếng Hát Trương Chi” là buồn thôi, nhưng là cái buồn có từ ngàn xưa, chỉ còn dư vang ở lại). Phải chăng đó là tấm lòng của người thầy thuốc yêu người yêu đời đã trộn lẫn nghề vào với nghiệp? Người văn nghệ sĩ cũng như người thầy thuốc, phải có một tấm lòng thì mới thành đạt mong muốn hoài bão của mình. Nếu không chỉ là những thợ viết, thợ vẽ hay những con quạ đen khoác áo trắng rúc rỉa thân xác bệnh nhân.
Tôi tin con đường hội họa phía trước đang rộng mở để chờ đón những người tình nguyện dành cả đời mình cho nghệ thuật. Họa sĩ Võ Tá Đồng đang bước trên những bức họa của mình hôm nay để tiến tới danh phận một họa sĩ chính danh với những bức họa xứng đáng là những tác phẩm hội họa. [TTH]

*************************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment