Wednesday 11 November 2009

10 câu hỏi cho họa sĩ Hà Cẩm Tâm "Cám ơn hoa đã vì ta nở"


April 03, 2009


Nguyễn Thạch

Hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm sinh năm 1933, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Trước năm 1975, tranh ông từng được triển lãm tại Hội Việt-Mỹ Sài Gòn, Trung tâm Văn hoá Pháp, Pháp Văn Đồng Minh Hội, U.S.I.S. Hall, Saigon, Trung tâm Văn hoá Đức, Thư viện Sài Gòn. Tranh ông cũng từng tham dự các cuộc triển lãm quốc tế tại Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật, Úc, Brazil, Algeria… Tại Hoa Kỳ tranh ông từng được triển lãm từ năm 1978 đến nay tạiPennsylvania, Washington, Washington D.C., Oregon, California, Hawaii và Utah. Những bài viết và phỏng vấn hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm từng xuất hiện trên tạp chí Văn [hải ngoại], New York Times, Journal d’Extreme-Orient, Washington Post, San Jose Mercury News, Lần triển lãm này của hoạ sĩ Hà CẩmTâm gồm 35 bức mới nhất tại Hội trường Đời Mới 345 E. Santa Clara st. # 2nd Floor, San Jose, CA 95113 từ 3 giờ chiều Chủ Nhật 5 tháng Tư, 2009 và kéo dài đến 30 tháng Tư, 2009. Mỗi ngày từ 9:00 AM đến 7:00PM.

Tác phẩm “Gió Xuân” của họa sĩ Hà Cẩm Tâm


1 – Xin hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm cho biết trong cuộc triển lãm lần này có chủ đề gì? Ý chúng tôi muốn hỏi ngoài đề tài NGỰA tràn ngập trong các tác phẩm của ông, điều gì mới trong đợt triển lãm này?
Cuộc triển lãm kỳ này có chủ đề là Ngựa, Hoa và Trừu tượng. Cái đẹp của đường nét ngựa, tâm tánh, sự phục vụ của một loài vật về mọi mặt tự cổ chí kim. Cái đẹp của các loài hoa và thiên nhiên. Cái đẹp của tâm tưởng (tranh trừu tượng) không nói nên lời.
2- Màu sắc CHỦ trong tranh ông là gì? Tại sao?
Màu sắc của trời đất, biển cả, sông ngòi, hoa cỏ, “của trời đất kho vô tận”. Màu sắc “chủ” trong tranh tôi kỳ này là “Trắng và Đen”.

3- Ông nghĩ người xem nên thưởng ngoạn tranh ông bằng thái độ nào?
Mở tấm lòng, thưởng thức bằng cảm tính, không bằng lý tính, bằng tịch mịch không bằng lý luận ồn ào…

4- Theo ông, người xem tranh, có cần kiến thức về hội hoạ không? Tại sao?
Nghệ thuật tạo hình, màu sắc, bố cục… là một thế giới bát ngát, mênh mông. Lòng yêu tranh là yếu tố đầu tiên và căn bản để lãnh hội được niềm hạnh phúc khi thưởng thức cái đẹp. Tuy nhiên kiến thức về hội hoạ cũng rất cần biết về những điều căn bản bằng cách kêt thân với một vài hoạ sĩ và đi xem các cuộc triển lãm của các hoạ sĩ kim cổ đông tây. Căn bản vẫn là trái tim thao thức.

Tác phẩm “Hường về ánh sáng” của họa sĩ Hà Cẩm Tâm

5- Trong những tác phẩm của ông, ông yêu tác phẩm nào nhất? Bức đó đã vẽ vào giai đoạn nào trong đời ông? Tại sao?
Sự xúc động về cái tàn bạo của chiến tranh và bạo lực đau nhói tâm can nên tôi đã sáng tác một bức tranh khổ lớn 3mX 1.50m vào năm 1965. Bức tranh này triển lãm ở Hội Việt Mỹ Sai gòn vào cuối năm 1965 và được một người Mỹ mua. [Ông có một gallery ở New York, sưu tập tranh tôi về các thể loại: trừu tượng, ngựa, hoa, thiên nhiên…] Ngoài ra, trong thập niên 1080-1990 tôi có sáng tác một loạt tranh trừu tượng khổ 4’X4’, 4’X6’, 4’X8’ mà tôi rất ưng ý. Nhớ lại kỳ triển lãm tranh vào tháng Bảy, 1973 tại Alliance Francaise (Pháp Văn Đồng Minh Hội) tại Sài gòn, tôi có bày một bức khổ lớn là 1.20mX2.40m tên là Transition (Hoán Chuyển) do ông bà Nguyễn Kỳ và Thanh Thuỷ mua và để ở phòng khách đường Bùi Thị Xuân. Ông bà Kỳ qua Mỹ vào tháng 4, 1975. Những người em của ông bà đã ở lại trong ngôi nhà đó và sau đó vượt biên được an toàn vào các năm 1978, 1979 và 1980. Có tin đồn là bức tranh Transition có một sức mạnh huyền nhiệm giúp bao nhiêu người ở trong căn nhà đều vượt biên và đến bờ bến an toàn. Trong đời vẽ tranh có nhiều kỷ niệm thật dễ thương và ngược lại. Nhưng đời c’est la vie mà!

6- Ông nghĩ gì về hội hoạ Việt Nam hải ngoại? Xin ông một cái nhìn chung về các tác giả hiện ở hải ngoại và tác phẩm của họ?
Thành thật mà nói hội hoạ Việt Nam Hải ngoại vẫn tà tà hội nhập vào sinh hoạt của ngành nghệ thuật tạo hình quốc tế, nhưng chưa có một tiếng vang hay đặc diểm nào nổi bật. Tôi chỉ vẽ tranh như một nhu cầu trong đời sống để có sức quân bình mà tồn tại trong nền văn minh vật chất. Tôi ân cần dâng hiến cho đời niềm vui nhỏ thưởng thức nghệ thuật, thư giản áp lực bủa vây như hiện nay.
7- Ông có xem tranh của các hoạ sĩ trong nước không? Ông có đặc biệt yêu thích tác giả nào hiện nay trong nước?
Trong nước có nhiều gallery mọc lên như nấm, hoạ sĩ sáng tác cũng rất rất là nhiều. Đủ các trường phái không sao kể cho hết. Hoạ sĩ tôi thích là Nguyễn Trung. Anh đã hồn nhiên đổi sang trừu tượng, sáng tạo rất sung mãn. Thế giới tạo hình Nguyễn Trung rất lạ, riêng, huyền bí. Tự do, tình yêu và hạnh phúc tràn trề trong hoạ phẩm Nguyễn Trung.
8- Ông thường sáng tác vào thời gian nào trong ngày, trong tuần, trong tháng trong năm? Sáng trưa chiều tối? Đau khổ, đớn đau? Niềm vui hạnh phúc? Tại sao?
Thời gian sáng tác rất uyển chuyển. Có khi vẽ suốt ngày, suốt đêm liên tiếp suốt tuần suốt tháng. Có khi cầm cọ, palette màu ngồi trước khung bố cả mấy giờ liên tiếp và cảm hứng bị nghẹt ngòi đành bỏ bỏ cọ, xách xe chạy lang thang vào các công viên nhập cùng cây cùng cỏ, cùng nước trời… Tôi vẽ hạnh phúc, tôi vẽ nỗi buồn, niềm vui, nỗi tuyệt vọng, nét ngậm ngùi, niềm hy vọng. Từ ngày vượt biên và đến Mỹ (1978-2009) là 31 năm, không tháng năm nào là tôi ngưng sáng tác. Nghệ sĩ không sáng tạo là nghệ sĩ chết. Tôi sống và vẽ không ngơi nghỉ. Màu sắc là người bạn chân tình, là bóng mát giữa sa mạc, là giòng suối ca hát trong lòng… Có rất nhiều người Mỹ khi ngắm bức tranh Ngựa hỏi tôi sáng tác một bức tranh trong bao lâu. Tôi trả lời tôi vẽ từ 12 tuổi, học trường vẽ 10 năm, suy tư một tháng và hoàn thành bức tranh trong ½ ngày hay nhanh hơn, chậm hơn…
9-Cuộc sống của một hoạ sĩ như ông ra sao trong thời gian này?
Cuộc sống tôi đơn giản như đang giỡn. Mỗi ngày sống là một ân huệ trời ban. Đói ăn khát uống và luôn biết ơn và nhớ ơn người ơn đời. Cảm tạ đất nước Mỹ là quê hương thứ nhì đã dung dưỡng trong suốt hơn 30 năm. Cảm tạ hoa cỏ thiên nhiên đã thân ái dạy tôi cách sống thanh thản tử tế và thuận thảo trong tất cả mọi hoàn cảnh trong từng hơi thở nhịp tim.
10- Nếu phải bỏ hết những gì ông đã sáng tác, chỉ giữ lại trong căn phòng mình một bức thôi, thì bức đó đã có chưa? Hay còn thai nghén?

Họa sĩ Hà Cẩm Tâm và tác phẩm “Ngựa” của ông

Tôi vẽ tranh trong 60 năm. Không tháng nào là tôi không vẽ. Mỗi năm trung bình triển lãm hai lần, trong nước và nước ngoài. Thật lòng, tôi đã quên đi những bức tranh tôi đã vẽ một cách hồn nhiên. Tôi cũng không có ý giữ một bức tranh nào gọi là tuyệt tác phẩm (masterpiece – chef-d’oeuvre). Tôi muốn cống hiến tất cả tranh tôi cho đời gọi là chút niềm vui nhỏ như một giọt nước trong tứ hải muôn trùng. Vì tôi là người vẽ, nên chữ nghĩa tôi không đủ để diễn tả những điều bí ẩn, thiêng liêng. Nên xin đền đáp bằng những bức tranh, gói ghém tất cả tình cảm của một linh hồn phiêu bạt. Xin được dùng bốn câu thơ của thi sĩ Tô Thuỳ Yên trong “Tôi Về” để làm lời kết:
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nổi lẻ loi…”
(NT)

******************************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment