Thursday 11 February 2010

"Chim Việt đậu cành Nam"


Con người nào rồi cũng trở về với bến xuân vĩnh hằng của mình. Ấy là bến xuân được đoàn tụ với cội nguồn, non nước.

"Bến Xuân" được Văn Cao viết năm 1942, cùng với Phạm Duy tham gia viết lời. Sau đó Văn Cao đặt thêm lời 2, lấy tên mới là "Đàn chim Việt".

Đây có lẽ là một trong những bản tình ca đẹp nhất của người nghệ sĩ tài danh này. Và cũng là tác phẩm đỉnh cao nhất của thời kì âm nhạc lãng mạn Việt Nam.

Bến xuân của Văn Cao là quê hương yêu dấu. Là những điều giản dị rất mực, nhưng lại thiêng liêng rất mực.

Người nghệ sĩ lớn thì không bao giờ cao giọng. Văn Cao không nói về tình yêu, không giảng giải về tình yêu. "Bến xuân", đơn giản, đã là bản thân tình yêu rồi.

Khi bỏ lại cuộc đời, bỏ lại ngày tháng, con người nào rồi cũng sẽ trở về với bến xuân vĩnh hằng của mình. Đó là sự đoàn tụ cuối cùng với cội nguồn, non nước của chính mình.

Quê hương tôi, mai này còn lại gì, đó chính là những bản tình ca này.

"Chim Việt đậu cành Nam"

Theo điển tích, chim Việt sinh ra ở đất Việt (phía Nam Trung Quốc), cảm thụ được khí ấm áp nên khi bay đi xứ khác bao giờ cũng đậu cành phía Nam là phía ấm áp hợp với chỗ quê hương.

Ngựa Hồ là ngựa sinh ra ở nước Hồ - một nước khí hậu lạnh ở phía Bắc Trung Quốc. Giống ngựa này cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh, thường được dùng làm ngựa chiến. Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ. Mỗi khi gió bấc nổi lên, tuyết rơi lả tả nơi đất khách thì ngựa lại cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.

Theo đó, người đời sau hay dùng dùng từ "chim Việt, ngựa Hồ" (Việt điểu, Hồ mã trong câu "Hồ mã tê Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi" - Ngựa Hồ ngóng gió Bắc, Chim Việt đậu cành Nam) để chỉ nỗi nhớ quê hương cố quốc.

Đàn chim Việt "lưu luyến một trời xa", nhớ đồi Yên Thế, nhớ hoàng hôn Thái Nguyên, trăn trở với sông Gấm, đất Bắc hay trời Nam... hay chính nỗi lòng những người con đất Việt đang mong ngóng về quê hương từng ngày.

Đến tận cùng của nghệ thuật, bản nhạc chạm đến đáy hồn người. Ở đó gợi lại sợi dây liên kết bền chặt của mỗi người với non nước - nơi họ đã được khởi nguồn.

Những ngày này đây, khi xuân về với sự đoàn tụ của người Việt Nam, còn có những những đàn chim Việt đang tha hương từ khắp nẻo giang hồ, đang mãi vương vấn nặng lòng với non nước này.

... Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa

Bến xuân

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến thăm một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân

Từng đôi chim trong nắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương nhớ, chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn còn ngây ngất trầm vương

Dìu nhau theo dốc núi nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước lòng ngập ngừng
Núi non như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ, thẹn thùng ngoài bến xuân.

Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào bay thiết tha, lưu luyến một trời xa


Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét dáng yêu

Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hòa
Chim reo thương nhớ, chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây chân bước lòng ngập ngừng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.

Đàn chim Việt

Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô
Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca ... u u u u u
Mờ mờ trong nắng ven trời
Chim reo thương nhớ chim ngân xa ... u u u u u
Hồn còn vương vấn về xưa

Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân

Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa

source

"Chim Việt đậu cành Nam"

No comments:

Post a Comment