Saturday 27 June 2009

Nụ hôn thần chết


Nụ hôn thần chết
CAO THANH TÙNG - Việt Tribune
Nụ Hôn Thần Chết do xưởng Galaxy quay, HK Film phát hành (Việt Nam) tháng 12 năm 2007, được gởi tham dự Liên hoan Phim Quốc tế (VIFF 4, Mỹ) năm nay. Phim thành công Tết 2008: năm trăm ngàn vé (70 phần trăm khán giả Sài Gòn và 20 phần trăm khán giả Hà Nội).
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới vừa hoàn tất và phát hành thêm tập hai: Giải Cứu Thần Chết. Dấu ngoặc: Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Dũng là Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, phim gởi tham dự VIFF 3 hai năm trước (có họa sĩ Trịnh Cung và nhà thơ Đỗ Trung Quân trong số các vai phụ, phim thể hiện một trại tâm thần mà bà giám đốc cũng ..tâm thần luôn). Nói tóm: Nguyễn Quang Dũng thuộc thế hệ những nhà làm phim trẻ, tốt nghiệp Đại học Điện ảnh và Sân khấu (Sài Gòn) năm 1999. Đạo diễn trong tuổi thiếu niên, rất giỏi bóng bàn. Lớn lên làm phim, hút thuốc như ống khói tàu. Giám đốc hình ảnh của Nụ Hôn Thần Chết nói thay anh về chủ đích trong nội dung Nụ Hôn..

Người Johnny Trí Nguyễn, phải, và Thanh Hằng trong một cảnh phim Nụ hôn thần chết.HOAHOCTRO.COM
Du (Johnny Nguyen) tham gia với cha anh (Diêm vương) làm Thần chết trong một cuộc thực tập, đi lùng một cô gái, hôn được cô là kể như cô.. ngủm. Mặc đồ đen, đội mũ trùm đầu (mặt không vẽ hoằng huệnh) Thần chết chọn được một cô gái (Thanh Hằng) nói với cô rằng cô sẽ chết trong 3 hôm nữa. Cô gái nầy, nhảy nhót trong một quán ba, rượu như hũ chìm, thuốc lá như ống khói tàu, nhưng hay đi xem bói, có tài sân khấu, xài xen phôn, rất thương hành khách trên một xe đò đứt thắng đi Dốc Mơ và yêu mến các cô nhi trong một nhà trẻ có thánh giá trên nóc. Đó là một cô gái mồ côi lớn lên, yêu đời, bực bội vì mình bị Thần Chết theo dõi, hỡ ra là gọi xen phôn cho Công an, Sở Cứu hỏa (những cơ quan bảo vệ dân lành). Đương nhiên, chỉ có cô là trông thấy được Thần chết (đẹp trai) vì những kẻ mà sự chết không chọn mình thì được tiếp tục sống, không thấy được ông thần nầy.
Người sống và kẻ chết đầy quyền uy có mâu thuẩn tuyệt đối? Sự tương phản sống chết có, sau đó, biến thành tương phản giữa những thần chết với nhau? Để cứu cho một người đẹp tiếp tục sống? Để dạy cho những thần chết khác một bài học về sự sống (đẹp lắm), vì những ông thần trùm đầu, tay cầm phảng nầy chưa hề sống?
Trả lời khán giả trong buổi chiếu phim hội luận (10 tháng Tư) giám đốc hình ảnh của phim nói thay cho đạo diễn rằng quan điểm chính của tác giả (vừa biên kịch vừa đạo diễn) là: Tình yêu mạnh hơn cái chết. Thể hiện quan điểm thường nghe ấy (dễ sa vào chỗ lâm ly, bi đát – nghĩa là Xến) Nguyễn quang Dũng đã chọn thủ thuật Hài.
Nụ Hôn Thần Chết là một phim hài. Tính chất hài nầy lại xây dựng trên bi kịch của Shakespeare (Romeo and Juliet) với bài hát quen thuộc “A Time For Us” (trong phim của Franco Zeffirelli quay năm 1968) , ôm hôn Thần chết theo kiểu Tây phương (có khán giả góp ý: Việt Nam không có làm thế), nhiều xảo thuật, đáp ứng được nhu cầu khán giả trong nước (Tết vui vẻ, phim có hậu). Tính chất hài khiến khán giả lăn ra cười gồm cả sự chết và những quyền lực siêu nhiên, như “thần chết mà cũng nhắn tin bằng xen phôn!”, “tôi mê kung-phu rồi nghen..”, “bọn thiên thần yếu đuối, tối ngày chỉ triết lý” lẫn những quyền lực không siêu nhiên: “đây là sở cứu hỏa, không phải chuyện chơi nghe”, “chết vì nhau – kịch thôi”, “không phải cái gì dân thấy, công an cũng thấy”.
Nụ Hôn Thần Chết còn là một phim phóng tưởng (fantasy) nên không thể lấy cặp mắt xem phim tả chân mà thưởng thức phim. Đời sống trong phim là.. bãi cỏ mọc um tùm và những con bướm bay, người đẹp trên lưng Thần chết đang cõng mình: “nơi nầy ngày xưa em ra chơi với chúng bạn”, sự đối đầu giữa cái chết và tôn giáo là một lô rần rần những thần chết tay cầm phảng, đầu trùm mũ đen (không bộ xương) đối đầu với giáo đường có cha xứ, thánh giá và đèn nến xung quanh dưới cơn nguyệt thực. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn hài hước cho đến độ trong một xen cuối, các trẻ em bên mộ người chết, nước mắt chảy tiếc thương người trẻ ra đi, màn ảnh ngay sau đó của ông: bảng chữ “Chọn lựa 2”. Ai muốn kết thúc kiểu khác, vui hơn, thì hãy xem đây..
Chúng ta tấm tắc với công lao và tài ba của đạo diễn với người cầm máy ở xen bên trong nhà trẻ mồ côi. Làm sao tập dượt và thu hình các vai phụ trẻ em và các vai chính hết sức tự nhiên, phát biểu ngây thơ và khôi hài? “Trẻ con là tương lai của thế giới”. Còn trẻ con mồ côi? Thường làm phim “chọc” cho người ta khóc, không khó. Chọc cho người ta cười: khó. Chọc cười không vô duyên: khó nhất. Ở trong một đất nước mà bên ngoài xã hội, ai cũng thủ thế, ai cũng lăm lăm, chỉ có nhà hát là nơi có thể có nụ cười!. Một tác giả, một tác phẩm mang tới nụ cười và tiếng cười khiến cho chúng ta ngưỡng mộ. Diễn viên Johnny Trí Nguyễn còn là diễn viên chính của “Dòng máu anh hung” (VIFF 3). Phim ấy, đạo diễn Charlie Nguyễn thành công, có nhiều khán giả trong nước. Trong phim nầy, Johnny có nét mặt, dáng vẻ không hợp với vai diễn một phim hài. Chúng ta có cảm tưởng, vai hài hước thành công nhất chính là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ông không đóng phim, nhưng ông đã viết và đã chọn hai vai phụ công an, quay cảnh hai vai nầy ra về, phát biểu: “không phải dân thấy cái gì, công an cũng thấy”.
Thấy ma! Chỉ có kẻ sắp thành ma mới thấy được. (CTT)
Đạo Diễn:Nguyễn Quang DũngDiễn viên:Thanh Hằng, Johnny Trí Nguyen93 phút.Lượng giá:
source
Việt Tribune

No comments:

Post a Comment