Monday 20 July 2009

cái giếng

May 31, 2009

cái giếng

Hoàng Ngọc Tuấn

Má tôi nói chúng tôi đã rời quê hương và đến sống trên một miền đất mới, nhưng tôi nói chúng tôi đã rời một cái giếng và đến sống với một cái vòi nước. Một cái giếng, vâng. Đó là hình ảnh rõ ràng nhất còn lại trong ký ức tôi về thời thơ ấu của mình. Tôi rời nó lúc tôi được chín tuổi. Bây giờ tôi hai mươi. Mười một năm sống với một cái vòi nước, và còn nhiều năm nữa sẽ đến. Chắc chắn như thế.
À, cái giếng. Tôi có thể nói gì về nó? Một ngày, cách đây mười một năm, trong khi tôi đang gội đầu bên cái giếng, tôi nghe má tôi nói: “Đừng chơi với nước nữa, Hằng. Lau khô tóc đi rồi xếp đồ đạc lẹ lên…”. Vâng, chúng tôi phải xếp đồ đạc nhanh chóng để đi đến sân bay. Lúc đó là giữa trưa. Nhìn xuống giếng, tôi thấy bóng tôi và bầu trời xanh phía sau. Những giọt nước từ tóc tôi rơi xuống và chạm vào tấm gương nước. Nhiều vòng tròn xen vào nhau, lan ra, làm bóng tôi và bầu trời xanh run rẩy. Tôi nói: “Tạm biệt nhé...”, và tôi nghe nó trả lời khe khẽ: “Tạm biệt nhé...”. Đó là lần đầu tiên cái giếng nói chuyện với tôi.

Hình Minh Họa. Photos.com

Chúng tôi bay từ một lục địa này đến một lục địa khác. Chúng tôi bay trên đại dương, Đại dương xanh. Một tấm gương mênh mông cho ai soi? Những giọt nước từ tóc ai sẽ rơi xuống và chạm vào nó? Chúng tôi đến một miền đất mới và tôi thấy ba tôi vẫy tay và chạy đến với chúng tôi. Ông ôm chầm lấy chúng tôi. “Rốt cuộc, mình lại có nhau” – ba tôi nói. Những giọt nước từ mắt má tôi rơi xuống và chạm vào miền đất mới. Ba tôi ôm tôi thật chặt, nhìn vào mắt tôi. “Ôi, con gái của ba” – ông nói. Đôi mắt ông đỏ lên. Thình lình những giọt nước từ đâu tràn lên mắt tôi và rơi xuống… Nhiều người nghĩ tôi bị ám bởi cái giếng. Tôi không thể cãi lại, dù tôi tin đó không hề là một sự ám ảnh. Đúng ra, tôi hiếm khi nói chuyện với ai về cái giếng. Chỉ mỗi năm một lần, hay hai năm một lần, tôi mới nói đến cái giếng, trong những trường hợp mà đề tài cuộc trao đổi tình cờ bao gồm một mẩu chuyện vặt có liên quan đến cái giếng. Tôi vẫn còn nhớ những lần đó khá rõ. Một lần, lúc tôi mười tuổi, ba tôi chở má tôi và tôi đến một nông trại để mua rau trái giá rẻ. Tôi đi lòng vòng trong nông trại đó rất lâu và không thấy cái mà tôi cần. – Ở xứ này có một cái giếng nào không? – Có nhiều cái giếng ở quanh đây, tôi đoán thế. – Bạn có bao giờ nghe chúng nói không? Một lần, lúc tôi mười một tuổi, các bạn cùng lớp và tôi bàn cãi với nhau xem cái gì ngoạn mục nhất trên đời. Biển. Núi. Sông. Sa mạc. Không ai đồng thuận với bất cứ ý tưởng nào. Tôi chẳng đề nghị một điều gì cả, và các bạn cứ khăng khăng đòi tôi phải đóng góp ý tưởng của tôi. – Chứ mày thích cái gì nhất trên đời? – Cái giếng. – Tại sao? – Tại vì nó biết nói.

Một lần, lúc tôi mười hai tuổi, cô giáo dắt chúng tôi đến một công viên. Ơ gần cổng, chúng tôi thấy một cái wishing well (1) khá cạn nước và trong đó có nhiều đồng xu. Hôm sau, cô giáo bảo chúng tôi vẽ lại cái wishing well. Tôi cố gắng hết sức nhưng không thể nhớ nổi hình dáng nó như thế nào. – Không, đó không phải là một cái wishing well, Em phải vẽ nó giống như cái mà em vừa thấy hôm qua đấy. – Dạ, thưa cô. Dạ, thì đây chính là nó. – Trông nó sâu quá... – ... Thế thì nó mới nói rõ tiếng hơn.
Một lần, lúc tôi mười bốn tuổi, một bà hàng xóm đến trò chuyện cho vui với má tôi ở sân sau nhà chúng tôi. Những công việc làm ăn. Tiền bạc. Hôn nhân. Con cái. Những cái hoá đơn điện thoại. Những cuộc thi hoa hậu. Chuyện vay tiền mua nhà... – Đây là một mảnh đất rất tươm tất. Bà dự tính sẽ làm gì với nó? – Chồng tôi muốn trồng các thứ dược thảo, nhưng tôi muốn có một vườn cây ăn trái. – Và con muốn có một cái giếng xinh đẹp… – Nhưng tại sao vậy, bé gái? – Để con nói chuyện với nó.
Một lần, lúc tôi mười sáu tuổi, ba tôi và tôi đi xem một cuộc triển lãm hội hoạ ở địa phương. Trong một bức tranh sơn dầu của một ông Nguyễn nào đó, có một cái giếng trông hoàn toàn giống như cái giếng của tôi. – Ba ơi, ba mua bức tranh này cho con nhé ba? – Nó mắc tiền nhưng không có giá trị cao. – Nhưng nó có một cái giếng. – Thì sao? – Không có gì đâu, ba. Con chỉ nói vậy thôi.
Vào ngày sau hôm sinh nhật mười bảy của tôi, Andy – một chàng trai trẻ (hơn tôi bốn tuổi) cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, đẹp trai (tất nhiên!) – mời tôi cùng đi dạo mát trên chiếc xe hơi của chàng. Ôè, Andy. Tôi nên thú nhận cùng bạn (độc giả của tôi) rằng tôi cảm thấy lãng mạn khi ở gần bên chàng. Mỗi lần chàng nhìn vào mắt tôi, trái tim tôi tăng tốc độ một chút – allegro ma non troppo (2).

Đó là lý do tại sao tôi đã nhảy vào trong xe của chàng. Chàng chở tôi đến bờ biển. Chúng tôi đi chân trần trên cát chừng một tiếng đồng hồ, lượm những vỏ sò ốc, cười rất nhiều. Rồi chàng chở tôi đến thảo viên quốc gia. Đó là lúc chiều tà và phong cảnh đẹp một cách ám ảnh. Chàng dừng xe gần một cái hồ có mặt nước giống như một tấm gương bạc phản chiếu bầu trời đỏ rực. Chúng tôi ngồi trong xe, im lặng nhìn qua cửa kính một lúc. Rồi, thế rồi, Andy thình lình hôn lên môi tôi. Những nụ hôn của chàng làm tôi choáng ngợp, tan chảy. Và điều đó đã làm cuộc sống tôi thay đổi một cách ngọt ngào. Bây giờ, nhìn lại, tôi phải thú nhận rằng nó đã làm tôi thay đổi rất nhiều.
Sau đêm bên bờ hồ ấy, tôi hoàn toàn quên cái giếng. Nó không còn xuất hiện trong những giấc chiêm bao của tôi nữa. Thay vào đó, trong nhiều giấc chiêm bao, tôi thấy Andy và tôi bơi trong cái hồ ấy, thân thể của chúng tôi sáng lên như bạc dưới ánh chiều tà. Tôi thấy chúng tôi cùng bay trong bầu trời và bên dưới chúng tôi có một tấm gương khổng lồ. Tôi không còn nói với bất cứ ai (kể cả Andy) về cái giếng nữa. Thay vào đó, tôi nói rất nhiều về Andy và những điều khác: những cuốn phim, những chiếc quần jeans, những cái váy mới, những chiếc điện thoại di động, những cái email, những cuộc chat, những thứ quần áo bán hạ giá, CD, MP3, DVD, sim cards, SMS, những loại son môi…
Tôi bắt đầu cười mỉm nhiều hơn và cười rộ nhiều hơn. Nhưng tôi cũng khóc dễ dàng hơn. Nói tóm lại, tôi yêu cuộc sống nhiều hơn bao giờ.
Vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái, ba má tôi quyết định trở về thăm quê hương và ở lại năm tuần với bà con thân quyến. Andy đến chào tạm biệt tại sân bay. Tôi khóc chút ít. Thật ra, tôi không muốn đi cùng với ba má tôi, nhưng tôi không muốn làm ba má tôi thất vọng.
Tôi ngồi nhìn mãi qua cửa sổ máy bay để ngắm bầu trời và những đám mây. Đôi khi tôi thấy mặt đất. Đôi khi tôi thấy biển. – Mình sẽ thấy lại ngôi nhà của mình. – Ngôi nhà của mình? – Ừ. Khi mình ra đi, gia đình chú của con đã đến ở. Má muốn xem bây giờ ngôi nhà như thế nào rồi.
Ngôi nhà trông quá khác lạ đến nỗi tôi không thể nhận ra bất cứ cái gì nữa. Cổng mới, Hàng rào mới. Bước vào sân trước, tôi quan sát chung quanh và chỉ có thể nhận ra cái bể nuôi cá cũ kỹ. Ngôi nhà trệt bây giờ đã biến thành hai tầng. Những cánh cửa mới. Sàn gạch mới… – Bọn em đã tân trang và nâng cấp mọi thứ. – Chúc mừng chú thím. Thật là cực kỳ gây ấn tượng. – Con gái của anh chị bây giờ đã thành một tiểu thư sang trọng rồi đấy. – Ừ, nó được mười chín tuổi rồi…
Ban đêm, nằm trên giường, tôi nghĩ đến Andy và các bạn và tự hỏi không biết họ đang làm gì trong mùa Giáng Sinh. Tôi không ngủ được. Sau nửa đêm, thình lình tôi nghe có ai gọi tên tôi: “Hằng ơi!”. Mọi người trong nhà đều đang ngủ say. Ai đang gọi tôi? Tiếng gọi đến từ sân sau. Giọng rất yếu ớt nhưng rất rõ, nhưng tôi không chắc đó là giọng đàn ông hay đàn bà. “Hằng ơi!”. Tôi rời giường, đi ra sân sau. – Ai vậy? Ai gọi tôi vậy?
Tôi bước qua khoảng sân sau trong bóng đêm đen thẳm. Trống rỗng. Không có ai ở đó. Tôi đứng im lặng nơi một góc sân, lắng nghe những âm thanh của đêm đen chung quanh mình. Những làn gió. Những con dế. Những con dơi. Có ai đang ho trong nhà. Im lặng. Rồi dần dần tôi nhận ra hình dáng quen thuộc của một cái gì đó. Cái giếng.
Tôi bước đến nó. Rồi, sau khi đứng bất động bên cạnh có một lúc, tôi nhìn xuống lòng giếng. Đen tối và im lặng. – Xin chào… – Xin chào… – Tôi đây, Matilda đây. – Xin chào…
Tôi thức giấc vào sáng sớm và đi ra sân sau. Ba tôi và chú tôi đang đứng gần cái giếng. – Em sẽ lấp cái giếng và xây một cái sân chơi cho lũ trẻ. – Hay đấy. Nhưng chú không dùng nước giếng nữa sao? – Hết dùng rồi, anh à. Bọn em đã dùng nước vòi được ba năm rồi. Bây giờ ở đâu cũng có nước máy, chẳng còn ai xài giếng nữa cả.
Khi họ trở vào nhà, tôi bước đến và nhìn vào lòng giếng. Tôi không thấy một chút nước nào nữa. Tôi thấy rất nhiều viên gạch vỡ và những hòn đá và rác rưởi. Tôi đứng đó và nhìn mãi vào lòng giếng cho đến khi tôi thấy những giọt nước rơi xuống. Tôi biết cái giếng của tôi đã chết. *
Năm tuần trôi qua nhanh chóng, thật vậy, nhưng đó là một khoảng thời gian rất dài đối với bất cứ một trái tim non trẻ nào. Khi tôi trở lại Sydney, Andy không ra đón tôi ở sân bay như chàng đã hứa. Tôi đã biết trước điều đó. Suốt thời gian tôi ở nước ngoài, tôi đã từng trông thấy một sân bay hoang vắng trong nhiều giấc chiêm bao. Nhiều lần tôi đã cố gắng mang một hồ nước lấp lánh ánh bạc vào những giấc chiêm bao của tôi, nhưng tôi đã thất bại. Tôi đã trông thấy chính mình bay cô đơn trong một bầu trời đỏ rực trên một cái miệng khổng lồ của một cái giếng khô.
Tôi đã trông thấy chính mình bơi cô đơn trong một hồ nước đầy bùn, kêu gào tên của một người nào đó mà khi thức giấc tôi không thể nhớ. Tôi đã trông thấy chính mình rơi vào cái giếng cũ và chết giữa những viên gạch vỡ và những hòn đá và rác rưởi. Tôi đã trông thấy chính mình bước lang thang trong một thành phố xa lạ, đi từ nhà này đến nhà khác, xin một cốc nước nhưng không ai nói với tôi một lời. Nhiều giấc chiêm bao. Vâng, nhiều giấc chiêm bao. Tôi biết những giấc chiêm bao có thực, thực hơn hiện thực, nhưng tôi không còn tin vào những giấc chiêm bao nữa.
Trong lúc đợi taxi trước sân bay, thình lình tôi cảm thấy nòng sốt và cực kỳ khát nước. Tôi bước trở lại phòng vệ sinh của sân bay. Tôi đặt cái đầu của mình dưới vòi nước, để nước chảy lên mặt và rót vào miệng. Tôi uống một chút nước, và đứng đó, nhìn nước chảy vào lòng bàn tay rất lâu. Mười một năm trước, má tôi nói chúng tôi đã rời quê hương và đến sống trên một miền đất mới, nhưng tôi nói chúng tôi đã rời một cái giếng và đến sống với một cái vòi nước. Dẫu sao, nước vòi ở miền đất này thì sạch và mát.
Tôi rửa mặt, tô lại một chút son môi, và tôi bước ra ngoài dưới ánh mặt trời.

Hoàng Ngọc Tuấn dịch từ nguyên tác Anh văn, “The Well”, của Matilda (Hang) Tran.
(1) Wishing well: Một loại giếng có bờ thấp, nước cạn, nơi người ta ném những đồng xu vào và thầm mong ước một điều gì.
(2) Allegro ma non troppo: Không quá nhanh (chuyên ngữ âm nhạc).

SOURCE

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment