Monday 20 July 2009

Cải Lương Hôm Nay

July 17, 2009

Cải Lương Hôm Nay

Thanh Tùng - Việt Tribune

Sự ra đi của bà Bảy Phùng Há không chỉ khiến nhiều người tiếc thương, ngậm ngùi, mà còn buộc những ai thật sự yêu mến cải lương phải trăn trở tự hỏi liệu ngành nghệ thuật đặc trưng của miền Nam mà bà Bảy đã gắn bó gần hết cuộc đời mình sẽ đi về đâu giữa thời @ hiện nay.

Thời của những trích đoạn vàng son xưa cũ

Nếu cải lương đã từng đĩnh đạc bước lên ngôi bá chủ làng giải trí tại Sài Gòn và miền Nam những năm thập niên 50, 60 và 80 với hàng loạt vở diễn thuộc hàng kinh điển như: Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu (Trần Hữu Trang), Lan và Điệp (Loan Thảo), Sân khấu về khuya (Nguyễn Thành Châu), Tuyệt tình ca (Hoa Phượng- Ngọc Điệp), Nửa đời hương phấn (Hà Triều- Hoa Phượng), Tiếng hạc trong trăng (Yên Ba- Loan Thảo), Bên cầu dệt lụa (Viễn Châu), Tiếng trống Mê Linh (Việt Dung), Kiều Nguyệt Nga (Ngọc Cung)…thì cải lương thời nay từ trong nước sang đến hải ngoại đang tự gậm nhắm hào quang quá khứ với các trích đoạn vàng son xưa cũ.

Từ trái sang: Nghệ sĩ Thành Được, Minh Vương và Hương Lan trong “Đời cô Lựu” tại San Jose.THANH TÙNG/Việt Tribune

Trong số hàng loạt chương trình biểu diễn cải lương trong nước gần đây như “Vầng trăng cổ nhạc” diễn mỗi giữa tháng ở Đầm Sen, “Làn Điệu Phương Nam” diễn đầu mỗi đầu tháng tại Nhà hát Thành Phố, các đêm chuyên đề hoặc live show của những ngôi sao cải lương, những buổi diễn “Nghệ sĩ mừng Xuân” tại rạp Hưng Đạo đều là sự xếp hàng lần lượt lên sân khấu của các trích đoạn cải lương đã từng ăn khách trước đây xen kẽ với tấu hài và tăng cường vài ca sĩ tân nhạc cùng nhóm múa minh họa nào đó.
Trình diễn trọn tuồng, cũng có, nhưng lác đác với nhóm Sân Khấu Vàng do đôi nghệ sĩ Minh Vương- Lệ Thủy sáng lập với một số vở cũ được dàn dựng lại: “Sông Dài”, “Đoạn Tuyệt”, “Lá Sầu Riêng” và một vở mới đang công diễn “Một ông, hai bà”. Nhưng tuổi thọ của những vở này chỉ khoảng 4- 5 hoặc cao lắm là 6 suất hát mà thôi vì không còn đủ khán giả. Nhóm nghệ sĩ Vũ Luân thỉnh thoảng quy tụ các diễn viên trẻ ở độ tuổi trên hai mươi, đa số là con nhà nòi, diễn một hoặc vài suất hát trọn tuồng một vở hồ quảng xưa cũ nào đó, rồi thôi, ngậm ngùi thu xếp cảnh trí, gươm giáo và phục trang vào kho chờ dịp khác mang ra dùng lại.
Ngay tại Sài Gòn, thành phố với gần 9 triệu dân mà cải lương còn không dễ diễn trọn tuồng thì huống chi là hải ngoại. Lâu thật lâu mới có một vài vở cải lương được đầu tư tiền bạc và công sức để trình diễn như: “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, “Võ Tắc Thiên”, “ Tiếng Trống Mê Linh” tại San Jose, hoặc “Sông dài”, “Đi biển một mình”, “Thái hậu Dương Vân Nga” tại Quận Cam dẫu được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật nhưng các bầu show ôm mặt khóc ròng vì không bán được vé. Tại sao?
Khán giả hôm nay bỏ tiền mua vé chỉ để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ những thần tượng mà họ yêu thích. Do những năm gần đây, sân khấu không có kịch bản mới hấp dẫn nên họ thà xem lại những trích đoạn đã cũ ăn khách một thời cho chắc ăn. Vả lại, thường thường, các trích đoạn được chọn diễn rất đúng cao trào đặc sắc nhất của một vở diễn, với diễn xuất mùi mẫn của cặp đào kép chánh ngôi sao chỉ trong khoảng 30 phút, còn hơn ngồi đó xem hết cả một vở diễn kéo dài vài tiếng đồng hồ, mà đâu phải màn nào cũng hấp dẫn và có ngôi sao trình diễn đâu. Khán giả hay than phiền như vậy.
Dù đã hơn hai mươi năm qua rồi, nhưng mỗi lần Minh Vương – Lệ Thủy xuất hiện trên sân khấu lại cứ thường được yêu cầu diễn lại trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt”. Bạch Tuyết thường được mời diễn lại “Đời Cô Lựu”, “Kiều Nguyệt Nga” hoặc “Thái Hậu Dương Vân Nga”, Thanh Sang cứ phải diễn lại vai Trần Minh khố chuối (Bên cầu dệt lụa) hoặc Lê Long Hồ (Tuyệt Tình Ca), Ngọc Giàu và Bảo Quốc cứ được yêu cầu tái hiện trích đoạn Bảy cán vá gặp anh chàng thợ bạc (Đời Cô Lựu)…Khán giả hôm nay chỉ muốn ngắm nhìn lại những vai diễn để đời gắn với tên tuổi của các tài danh dù bản thân họ cũng thuộc nằm lòng từng câu thoại và lời ca trong các trích đoạn đã quá quen thuộc đó.

Thời của công thức thập cẩm tả pín lù

Muốn bán được vé, các nhà tổ chức từ trong nước cho đến hải ngoại đều phải biết áp dụng công thức nói trên khi làm show trong thời buổi hiện nay. Minh chứng là show hoành tráng bạc tỉ (tiền VN) như các vở “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” (Lê Duy Hạnh- Hoàng Song Việt, đạo diễn Hoa Hạ) do Nhà hát Trần Hữu Trang đầu tư dàn dựng, yếu tố “tả pín lù” cũng được áp dụng một cách nhanh nhạy và “triệt để” (chữ dùng trong nước hiện nay) với nào là ngôi sao cải lương kết hợp với siêu sao ca nhạc và danh hài thị trường, nào là dàn nhạc giao hưởng tây phương “giao duyên” (hay cưỡng duyên?) với ban cổ nhạc truyền thống, nhóm múa ba lê mang màu sắc Liên bang Sô Viết cũ xen kẽ với những màn vũ đạo đậm chất Tàu. Và nhà tổ chức đã khoe rằng họ có lãi, có nghĩa là họ bán được vé trong thời buổi hiện nay và họ đã thành công đấy, ít nhất cũng về mặt làm kinh doanh, đúng không?
Ở hải ngoại, gần như 99.9% các show cải lương đều phải tuân thủ chặt chẽ công thức “tả pín lù” được xem như “khuôn vàng thước ngọc” này. Mỗi show cải lương bây giờ trước tiên là tên tuổi của các ngôi sao, có thể là nổi tiếng từ trước hay sau 1975, miễn phải “chường mặt” thật nhiều trên các DVD cải lương được đặt hàng từ hải ngoại, sản xuất tại Việt Nam và quay ngược phát hành tại nơi đặt hàng. Càng xuất hiện dày đặc trên băng dĩa, nghệ sĩ càng được nhiều người biết và dĩ nhiên, càng có nhiều khán giả tại hải ngoại. Vài nghệ sĩ có thực tài nhưng vì không thỏa hiệp với thị trường băng đĩa nên bị thua thiệt khi bay show tại Mỹ, như trường hợp của Thanh Điền và Thanh Kim Huệ.
Sở dĩ tôi dùng chữ “chường mặt” trên DVD cải lương vì với tốc độ chỉ hai ngày thu tiếng và hai ngày thu hình cho một DVD, nhiều ngôi sao đã chẳng nhớ kịp tên vở diễn mà họ tham gia, chứ đừng nói chi đến vai tuồng và khâu đầu tư cho tính cách nhân vật. Họ chỉ kịp “quần áo”, “son phấn” và “hát nhép” như cái máy cho kịp tiến độ “mì ăn liền” của công nghệ sản xuất băng đĩa cải lương. Hậu quả, khi xem băng, khán giả hoàn toàn thất vọng với những “thần tượng” chỉ vì tiền mà đã trở thành các “tượng thần”- nghĩa là hết sức vô cảm như những bức tượng trên màn hình – chỉ “chường mặt” cho có tên để lãnh cat sê vậy mà.
Bên cạnh ngôi sao cải lương, show hôm nay phải tăng cường các danh hài và các ca sĩ tân nhạc đang ăn khách trên thị trường. Một show phải đáp ứng đủ các yếu tố bao gồm trích đoạn cải lương một thời vang bóng dù đôi khi khán giả ngồi dưới phải lên tiếng nhắc tuồng cho các tài danh trên sân khấu, các tiết mục tấu hài – dù không phải lúc nào cũng cười được và những ngôi sao ca nhạc, dù các ca sĩ này có đôi lúc nói nhiều hơn ca.
Đó là chưa kể, muốn bán được vé, các show cải lương hải ngoại phải được tổ chức trong nhà hàng có ăn uống và nhậu nhẹt tưng bừng mới vui. Nghệ sĩ đang nhập vai anh hùng đứng trên dàn hỏa kêu gọi nghĩa binh hãy tấn công thành lũy của giặc bất chấp tình riêng thì lại phải cúi đầu cảm ơn lia lịa vì phải nhận “lì xì” của fans hâm mộ. (Hổng nhận, khán giả buồn làm sao?) Còn ca sĩ đang thả hồn trong ca khúc tình yêu dang dở thì cứ phải dừng lại nhiều lần để “dô” một hơi bia hoặc rượu do khán giả ưu ái mời mọc. (Hổng uống, khán giả giận làm sao?)
Chỉ cần như vậy, bầu show cải lương yên tâm sẽ hốt bạc? Nếu quả thật như thế, cải lương gần một thế kỷ phát triễn cùng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc của nó mà các nghệ sĩ tiền phong như bà Bảy Phùng Há, như ông Năm Châu, Ba Vân, cô Hai Kim Cúc… đã dày công cống hiến, rồi sẽ đi về đâu?

Cải lương sẽ đi về đâu?

Có người chép miệng “cải lương đang hấp hối”. Nhưng người khác, trong đó, có nghệ sĩ- tiến sĩ sân khấu Bạch Tuyết cãi rằng, không, cải lương không chết, nó vẫn sống đó thôi, nhưng sống ở những dạng thức khác với cải lương ngày xưa. Hiện nay, chỉ riêng miền Nam Việt Nam đã có hàng chục Đài truyền hình cấp tỉnh và thành phố. Mỗi Đài đều có chương trình ca cổ và cải lương hàng tuần. Tính ra hàng trăm tiết mục cải lương một tháng, hàng ngàn tiết mục cải lương một năm. Làm sao cải lương chết được.
Ngôi sao cải lương từ trong nước vẫn bay show như đi chợ tại khắp tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu với cát sê rủng rỉnh thì làm sao cải lương chết cho được.
Nếu cải lương không chết, nó đang tồn tại!
Nhưng chắc chắn đó không phải là nghệ thuật cải lương thứ thiệt mà hàng triệu khán giả tri âm, trong đó, có tôi, có bạn, và có cả Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, đã từng khóc- cười với nó trong suốt nhiều thập niên qua.

Thế mới hay, cải lương hôm nay khác với cải lương hôm qua nhiều lắm.[TT]

SOURCE

Việt Tribune

No comments:

Post a Comment