Monday 10 August 2009

Bài ca vọng cổ đã 90 tuổi


August 08, 2009

Bài ca vọng cổ đã 90 tuổi

Thanh Tùng - Việt Tribune

Nếu như túc cầu được nhìn nhận là môn vua trong các bộ môn thể thao thế giới thì bài vọng cổ xứng đáng được tôn xưng là hoàng hậu trong cải lương Việt Nam. Bài vọng cổ là phương tiện hữu hiệu nhất chuyên chở tính tự sự của các nhân vật trong một vở tuồng cải lương, đồng thời, cũng là thước đo đẳng cấp và tài năng của các danh ca cổ nhạc. Xuôi về miền quê phía Nam của đất nước, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng đều được nghe câu vọng cổ ngọt ngào, từ máy radio và truyền hình cho đến băng đĩa, từ sân khấu dã chiến ngoài trời hay trong rạp hát sang trọng có gắn máy lạnh cho đến nhà hàng hoặc quán nghệ sĩ, từ chiếc võng hát ru em cho đến dịp hội hè đình đám truyền thống.

Gần như bất cứ người dân lục tỉnh nào cũng có thể ngân nga vài câu vọng cổ mà không cần phải đi học ca ở các lò cải lương. Như đã thấm trong tâm hồn chất phác, họ cất tiếng ca vọng cổ lúc chia lìa đau đớn. Họ ngân nga vọng cổ để tỏ bày tình cảm với nhau. Vọng cổ là một phần đời sống tinh thần không thể thiếu của người miền Nam. Nhẩm tính đến nay, bài vọng cổ đã tròn 90 tuổi.

Từ cuộc tình chung thủy đến bài “Dạ cổ hoài lang”

“Dạ cổ hoài lang” là tiền thân của bài vọng cổ hiện nay. Cha đẻ của nó chính là nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu). Ông sinh năm 1892 tại rạch Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, bây giờ là Mỹ Thuận, Tân An, Long An. Năm lên 6 tuổi, Sáu Lầu được cha là ông Cao Văn Giỏi (tự Chín Giỏi) cùng với 19 gia đình khác dắt dìu nhau về lập nghiệp tại Gia Hội, Bạc Liêu. Hai năm sau, gia đình nghèo khó phải gởi Sáu Lầu vào một ngôi chùa nhờ vị hòa thượng nuôi dạy. Nhờ thông minh nên chỉ trong vòng ba năm, cậu bé được dạy chữ Nho, lầu thông kinh kệ và sau này còn thọ giáo nhạc sĩ Hai Khị, một nhạc sĩ trong ban nhạc tài tử lẫy lừng ở lục tỉnh lúc bấy giờ.

Chân dung Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu). Courtesy cailuongvietnam.com

Gia đình mang Sáu Lầu trở về để học chữ quốc ngữ. Nhưng chỉ sau bốn năm theo học ở trường tiểu học Bạc Liêu, dù luôn là học sinh xuất sắc, do cha mẹ già yếu lại bệnh hoạn triền miên, Sáu Lầu buộc phải thôi học và trở thành lao động chính của cả nhà. Ngày mò cua, bắt cá ngoài biển, tối đến, Sáu Lầu lại ôm đàn đến nhà nhạc sĩ Hai Khị học hỏi những ngón đàn tuyệt chiêu của thầy.

Năm 21 tuổi, chàng thanh niên Sáu Lầu được mai mối kết hôn với cô Trần Thị Tấn, một cô gái ở đợ cho điền chủ Tư Ó. Họ yêu thương nhau mặn nồng trong cảnh nghèo khó, thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên cái nghèo không làm họ đau khổ bằng việc người vợ không thể sinh con dù đã sống chung với nhau được bốn năm trời. Gia đình ông hất hủi, khinh ghét nàng dâu ra mặt. Theo quan niệm “tam niên vô tự bất thành thê” (cưới nhau đã ba năm rồi mà không thể sinh con thì không được xem là vợ nữa), gia đình buộc ông phải thôi vợ và trả nàng dâu bất hạnh về cho cha mẹ ruột.

Chân dung nghệ sĩ Lệ Thuỷ. Courtesy cailuongvietnam.com

Với bao nhiêu kỷ niệm thương yêu của tình nghĩa vợ chồng vẫn như còn nguyên vẹn, đêm đêm nghe tiếng trống điểm canh vọng ra từ ngôi chùa gần nhà, ông Sáu Lầu đồng cảm với nỗi nhớ chồng như xé lòng của người vợ yêu dấu. Ông thầm nghĩ nỗi lòng của vợ mình có khác nào với tâm tư chinh phụ canh cánh ngóng trông người chinh phu. Và thế là bài “Dạ cổ hoài lang” (Đêm nghe tiếng trống nhớ thương chồng) với 22 câu ra đời vào khoảng năm 1919.

Theo nhạc sĩ cổ nhạc Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu, người đã gắn bó với cải lương suốt 66 năm qua, tác giả của khoảng 2,000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương nổi tiếng) thì sau đó, ông Sáu Lầu “bỏ hai câu cuối để còn 20 câu nhịp đôi và tiếp tục đặt lời ca theo đúng nhịp. Tựa đề “Dạ cổ hoài lang” do thầy ông là nhạc sĩ Hai Khị gợi ý mà theo sư Nguyệt Chiếu lý giải, ông Hai Khị dựa vào bản Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn, có nội dung nói về nàng Tô Huệ đêm đêm dệt gấm, hễ nghe tiếng trống vọng về lại nhớ đến chồng để phân tích những điều còn bất nhất, chưa chuẩn trong bài bản này và gợi ý ông Sáu Lầu nên đặt tên “Dạ cổ hoài lang”.

“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin nhạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng đứng trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thưở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai
Nguyện cho chàng
Đặng chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi”

Dù bị cấm đoán, nhưng với sự giúp đỡ của chính bà mẹ vợ và vài người quen tốt bụng sắp xếp để ông Sáu Lầu được bí mật gặp gỡ vợ mình nhiều lần. Như kết thúc đẹp đẽ cần thiết của một vở cải lương có hậu, chỉ sau một năm ân ái trong lén lút với chồng, bà Trần Thị Tấn mang thai. Gia đình ông Sáu Lầu vui mừng đến đón dâu trở lại. Vợ chồng đoàn tụ trong niềm hân hoan khi bà sinh cho ông đứa con trai đầu lòng trong tổng số bảy người con, năm trai, hai gái sau này.

Chân dung nghệ sĩ Phượng Liên. Courtesy cailuongvietnam.com

Ông Sáu Lầu mất ngày 13 tháng 8 năm 1976 tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Mộ của ông hiện được đặt bên cạnh mộ vợ mình là bà Trần Thị Tấn như một minh chứng cho cuộc tình thủy chung gắn bó của đôi vợ chồng nghèo dẫn đến sự ra đời của một bài bản bất hủ của cải lương suốt 90 năm qua.

90 năm vẫn phát triển không ngừng

Từ nhịp đôi lúc mới vừa được sáng tác, bài “Dạ cổ hoài lang” dần dần phát triễn theo thời đại đáp ứng theo nhu cầu sáng tạo và thưởng thức của công chúng cải lương. Tiền thân bản vọng cổ đã được thổi sức để vươn vai lớn mạnh nhờ vào các danh ca như Năm Nghĩa và Út Trà Ôn. Giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải ghi nhận: “Sau khi phát triễn thành nhịp tư được hát trên sân khấu Tập Ích Ban năm 1921, bài vọng cổ trở thành nhịp tám trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922. Cố nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, tự Năm Nghĩa, cũng do âm cảm tiếng chuông chùa núi Sam (Châu Đốc) đã đưa bản này thành nhịp 16 với tên khác là Vọng cổ Bạc Liêu vào năm 1936. Khoảng đầu năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Thành Út, biệt hiệu Út Trà Ôn đã biến thành vọng cổ nhịp 32 mà đa số nghệ sĩ cải lương hiện nay vẫn còn hát. Vọng cổ nhịp 64 bắt đầu phát triễn. Có người còn hát thành nhịp 128 nhưng không mấy phổ biến. Các nghệ sĩ muốn được nổi tiếng và thành công thì phải hát thật mùi bài vọng cổ.”

Chân dung nghệ sĩ Thanh Sang. Courtesy cailuongvietnam.com

Trải qua cuộc hành trình 90 năm, bài vọng cổ được sáng tạo hết sức phong phú bởi hàng loạt các trường phái ca khác nhau: trường phái Út Trà Ôn – người được phong danh hiệu “Vua Vọng Cổ” (với các giọng ca ảnh hưởng ông ít nhiều như là: Thành Được, Phương Quang, Thanh Hải), trường phái Út Bạch Lan (tiếp nối là cách ca của Phượng Liên, Thanh Nga, Hương Lan, Thanh Ngân hiện nay), trường phái Thanh Hương, trường phái Hữu Phước, trường phái Mỹ Châu (Mộng Nghi, Thoại Miêu), trường phái Lệ Thủy
(Bích Hạnh, Lệ Thu, Lệ Trinh), trường phái Minh Cảnh (Minh Vương, Minh Phụng, Giang Châu), trường phái Thanh Kim Huệ (Linh Huệ, Bình Trang, Ngân Huệ)…kể cả trường phái vọng cổ hài do soạn giả Viễn Châu khởi xướng với giọng ca “ự ự” lúc xuống vọng cổ rất riêng của nghệ sĩ Văn Hường.

Báo Người Lao Động trong nước số phát hành vào ngày 30 tháng 7, 2009 vừa loan tin về việc nhằm ghi nhận công lao đóng góp của những nghệ sĩ tiền bối đã cách tân bản “Dạ cổ hoài lang” để trở thành bài ca vọng cổ, tỉnh Bạc Liêu vừa thực hiện công trình nghiên cứu về “Dạ cổ hoài lang” và kêu gọi những người có trách nhiệm công nhận bản “Dạ cổ hoài lang” là di sản văn hóa cấp quốc gia, sau đó giới thiệu rộng rãi đến bè bạn thế giới bằng nhiều loại hình nghệ thuật.[TT]

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment