Tuesday 4 August 2009

Elizabeth Bathory - mỹ nhân máu lạnh!


04-08-2009

Elizabeth Bathory - mỹ nhân máu lạnh!


Felix


Elizabeth Bathory sinh trưởng trong một dòng họ lâu đời và giàu có nhất vùng Transylvania (Hungary). Dòng họ này đã sản sinh nhiều nhân vật quyền lực trong lịch sử Hungary, 1 hồng y, nhiều vị hoàng tử, và một người anh họ của Elizabeth là thủ tướng của Hungary thời bấy giờ. Người nổi tiếng nhất thuộc dòng họ này là Istvan Bathory (1533 - 1586). Istvan là Hoàng tử xứ Transylvania và là Hoàng đế Ba Lan từ năm 1575 - 1586. Được biết, dòng họ Barthory chỉ cho phép hôn phối giữa những trong họ với nhau, đây có thể là một nguyên nhân có ảnh hưởng đến tâm lý của Elizabeth khi bà có những biểu hiện bạo lực ngay từ khi mới 4 tuổi.


Lâu đài Csejthe
Nguồn: believe-photobucket.com
Vào năm 1575, Elizabeth lúc ấy được 15 tuổi kết hôn với Bá tước Ferenc Nadasdy, 26 tuổi. Vì yêu vợ nên bá tước Ferenc đã lấy họ Barthory để Elizabeth vẫn giữ họ của mình. Họ sống cùng nhau tại lâu đài Csejthe (theo ngôn ngữ Hungary), người Slovak gọi lâu đài này là Cachtice. Bá tước Ferenc thường xuyên xa nhà để tham gia nhiều trận chiến và ông còn được mệnh danh là “người anh hùng đen của Hungary” ám chỉ những hành động dữ dội của ông trong chiến tranh. Khi chồng vắng nhà, một người hầu cận của Elizabeth tên là Thorko đã hướng dẫn bà vào một giáo phái bí ẩn để giải khuây. Có lần khi Bá tước Ferenc bất chợt về nhà thì không thấy vợ vì bà bận đi “nhà thờ”. Mặc dù Bá tước không trách vợ vì chuyện vắng nhà nhưng cũng gây cho Elizabeth sự bực bội với mẹ chồng mà bà nghĩ rằng đã thọc mạch với chồng. Không làm gì được bà mẹ chồng nên bà đành quay sang trút giận vào đám thị nữ trong lâu đài với những màn hành hạ dã man. 10 năm đầu trong cuộc sống vợ chồng không đem lại một đứa con nào vì bá tước ít khi gần gủi vợ do hành nghề “chinh chiến”. Mãi cho đến năm 1585, Elizabeth mới hạ sinh bé gái đầu tiên được đặt tên là Anna, trong vòng 9 năm tiếp đó bà đã sinh thêm 2 con gái nữa tên là Ursula và Katherina, và đến năm 1598 bà mới sinh đứa con trai đầu tiên và duy nhất tên Paul. Sau này khi đọc các thư tín mà bà viết, người ta thấy rằng Elizabeth ngạc nhiên thay là một người vợ tốt và là một người mẹ tận tâm.


Elizabeth Bathory (1560-1614)
Nguồn: believe-or-not.blogspot.com
Vào năm 1600, Bá tước Ferenc tử trận lúc ông được 51 tuổi và mở đầu cho thời kỳ “máu” của bá tước phu nhân. Đầu tiên, bà tống cổ bà mẹ chồng đáng ghét khỏi lâu đài. Lúc ấy, người ta cho rằng bà đã thực hiện nhiều nghi lễ kỳ bí bằng cách hiến tế ngựa và các con vật khác. Elizabeth, lúc ấy đã 40 tuổi, bỗng càng ngày càng điệu và bà luôn tỏ ý lo sợ sự già nua sẽ làm nhan sắc của bà tàn phai. Một hôm, một người thị nữ đã vô tình giựt tóc bà khi đang chải đầu cho bà. Elizabeth đã táng cô hầu xấu số mạnh đến nổi cô phải thổ huyết. Máu văng vào tay bá tước phu nhân và bà nhận thấy làn da của mình sau khi lau máu đã trở nên mịn màng và trẻ trung như cô hầu. Bà tin rằng bà đã khám phá bí mật giữ gìn sắc đẹp và sự tươi trẻ vĩnh cữu. Bá tước phu nhân đã ra lệnh cho tên gia nhân tín cẩn, Janos Ujvary và Thorko lột bỏ áo quần cô thị nữ và cắt động mạch của cô, hứng máu và trong một một cái chậu lớn. Elizabeth đã tắm trong máu để đem lại sự thanh xuân cho bà.

Trong vòng 10 năm sau đó, từ 1600 - 1610, các thủ hạ của Elizabeth đã liên tục cống hiến cho bà các nàng thiếu nữ để bà lấy máu thay xà bông. Tuy vậy, bà rất tử tế đã đích thân đi xem xét liệu các nạn nhân của bà có được an táng đúng nghi lễ Thiên Chúa giáo hay không, phụ trách việc này là một mục sư Tin Lành địa phương. Nhưng khi con số nạn nhân lên quá cao thì vị mục sư từ chối thực hành nghi lễ an táng theo yêu cầu của bà, bởi vì ông chột dạ khi thấy bà gởi đến cho ông quá nhiều các cô gái chết vì những nguyên nhân không rõ rệt và quá kỳ lạ. Bà phải đe dọa ông mục sư tội nghiệp này nhằm bắt ông không được tiết lộ môn chơi ưa thích của bà và phải tiếp tục chôn cất các cô gái một cách bí mật. Càng về sau này, con số nạn nhân quá đông không còn chỗ chôn giấu nên bọn thuộc hạ của bà đã quăng tử thi khắp nơi, trên các cánh đồng lúa mì, trong con suối chảy sau tòa lâu đài, trong các vườn rau... “Thú vui lành mạnh” này của bá tước phu nhân chỉ bị chấm dứt khi một cô gái sắp sửa là nạn nhân trốn thoát và báo cho nhà chức trách về những gì đã xảy ra trong lâu đài Cachtice. Vua Matyas của Hungary đã ra lệnh cho chính người anh họ của Elizabeth, Bá tước Gyorgy Thurzo, lãnh chúa vùng Transylvania, tảo thanh tòa lâu đài. Vào ngày 30/12/1610, binh sĩ đã ùa vào lâu đài và họ đã kinh hoàng khi chứng kiến cảnh bên trong. Trong gian phòng chính là xác một cô gái đã khô cạn máu và một cô gái khác ngoắc ngoải kế đó, thân thể bị đục nhiều lỗ (để rút máu). Trong một phòng khác, nhiều cô gái bị nhốt còn sống trong đó nhiều cô đã bị đục lỗ trên thân thể nhiều lần. Dưới tầng hầm lâu đài, người ta nôn thốc nôn tháo trước mùi của khoảng 50 xác cô gái.

Một phiên tòa được mở ra tại Bitcse vào năm 1611. Elizabeth từ chối xác nhận có tội hay vô tội, đã không bao giờ xuất hiện trước tòa. Trong phiên tòa này, Johannes Ujvary, tên gia nhân tín cẩn nhất của Elizabeth, đã cung khai rằng có khoảng 37 cô gái chưa chồng đã bị giết, trong đó có 6 cô do hắn đich thân tuyển lựa vào làm việc trong lâu đài. Phiên tòa đã cho thấy rằng các cô gái đã bị tra tấn tàn nhẫn hàng tuần hoặc có khi hàng tháng trước khi bị giết. Họ bị cắt bằng kéo, bị kẹp bằng kềm, bị đốt bằng thanh sắt nung lửa, bị bỏ vào một cái lồng treo lên cao rồi bị xiên cho máu chảy xuống để bá tước phu nhân....tắm. Có khi cuộc tra tấn này do 2 tên phù thủy tín cẩn của Elizabeth, Darvula và Dorottya Szentes, thực hiện, nhưng cũng có khi do chính nữ bá tước đích thân tra tấn. Bà mẹ nuôi của Elizabeth khai rằng có khoảng 40 cô gái bị tra tấn và bị giết. Trên thực tế, Elizabeth đã giết tổng cộng 612 cô gái, trong nhật ký, bà đã ghi chép rõ những cái chết này. Toàn bộ biên bản của phiên tòa vẫn còn được lưu giữ hiện nay tại Hungary. Tất cả những người liên quan đến vụ “sửa sắc đẹp” này, trừ nữ bá tước và 2 tên phù thủy hầu cận, đều bị chém đầu và hỏa táng. Vì phẩm tước của mình, Elizabeth được luật pháp miễn tội chết. Hai tên phù thủy thì bị vặn lìa các ngón tay và đem đi thiêu sống. Tòa án không kết nữ Bá tước Elizabeth về bất cứ tội gì, tuy vậy bà vẫn bị quản thúc tại gia. Nhà vua ra lệnh nhốt bà vĩnh viễn trong căn phòng bà dùng để tra tấn các nạn nhân, người ta đã xây tường bít hết các cửa và cửa sổ căn phòng giam giữ bà, chỉ chừa một lỗ nhỏ để đưa thức ăn vào. Thật ra vua Matyas đã muốn xử tử bà, nhưng vì sự yêu cầu của vị thủ tướng, anh họ của bà, nên nhà vua chuẩn y cho lùi lại thời gian xử tử vô hạn định, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nữ bá tước sẽ bị giam hết phần đời còn lại của bà.

Ngày 31/07/1614, nữ bá tước đã đọc bản di chúc cho 2 vị tu sĩ. Bà có nguyện vọng tất cả những tài sản còn lại của gia đình sẽ được chia đều cho các con bà. Vào một ngày cuối tháng 8/1614, một người gác tù bỗng có ý định nhìn nữ bá tước, bà vẫn là một trong những phụ nữ đẹp nhất Hungary thời bấy giờ, đục một cái lỗ nhỏ trên bức tưởng, anh nhìn vào và thấy nữ bá tước nằm sắp mặt xuống đất. Tò mò “...vừa ghé đến nơi, thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.” Nữ Bá tước Elizabeth Bathory đã qua đời! Người ta dự định chôn bà tại ngôi nhà thờ vùng Cachtice, nhưng cư dân vùng đó đã phẫn nộ khi nghĩ rằng vùng đất của họ lại phải chứa đựng một “con quỷ cái” nên phản ứng quyết liệt. Vì điều này, và cũng nhận xét rằng bà là một trong những hậu duệ cuối cùng thuộc chi nhánh Ecsed dòng họ Bathory, nên cuối cùng thi hài bà đã được an táng nơi vùng Ecsed đông bắc Hungary, cái nôi đầu tiên của dòng họ Bathory.

Một vài thông tin về người đẹp quý tộc này....

Tất cả những tài liệu liên quan đến Elizabeth Bathory đều bị niêm phong trong hơn 1 thế kỷ, và tên của bà đã được cấm nói đến trong xã hội Hungary.

Không như đa số phụ nữ thời bấy giờ, Elizabeth thừa hưởng một căn bản giáo dục rất tốt, sự thông minh của bà còn vượt hơn nhiều người đàn ông trong thời bà. Trong khi giới quý tộc Hungary còn chật vật trong việc đánh vần và viết thì bà đã thông thạo tiếng Hungary, Latin và tiếng Đức. Ngay cả vị Hoàng tử xứ Transylvania thời ấy cũng hầu như mù chữ!

Mọi người đều cho rằng Dracula, nhân vật hư cấu lừng danh của văn sĩ Ái Nhĩ Lan (Ireland) Bram Stoker, được lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong lịch sử, vị Hoàng tử xứ Romania, Vlad the Impaler. Nhưng theo Raymond T McNally, người đã nghiên cứu về nhân vật Dracula trong 4 cuốn sách đề cập đến văn chương, lịch sử và hội chứng ma cà rồng, thì trong cuốn sách thứ 5 “Dracula was a Woman” đã đưa ra một giả thuyết mạnh mẽ cho rằng Bá tước Dracula của Stoker được lấy cảm hứng từ Elizabeth Bathory của Hungary. Lý do? Trong khi Vlad Dracula không hề có thói quen uống máu, thì trái lại Bá tước Dracula của Stoker lại “khát máu” liên tục, và dựa theo truyền thuyết về ma cà rồng, hành động uống máu này được cho là đem lại sinh khí và tuổi trẻ bất tử cho ma cà rồng. Điều này rất dễ dàng tìm thấy qua câu chuyện về Elizabeth Bathory. Không những ảnh hưởng đến Bram Stoker mà theo tôi, người viết, có thể nữ bá tước còn ảnh hưởng đến nhiều văn nghệ sĩ khác, chẳng hạn trong đó có (...) , nhà thơ lớn của (...), câu thơ nổi tiếng: (...) có thể lấy cảm hứng từ Elizabeth Bathory?

Bởi vì những nạn nhân của Elizabeth phần lớn là các cô gái người Slovak, do vậy nữ bá tước lừng danh được người dân Slovak ưu ái gọi là “con đĩ Hungary”.
----------------------------------------------------------
source

© DCVOnline

No comments:

Post a Comment