Saturday 15 August 2009

Thank You For The Music


Thank You For The Music

09-0808-01-michael.jpgTrịnh Hội

Mấy hôm nay tôi thích nghe lại bài hát này của ban nhạc Abba. Ðiệp khúc của bài có những lời hát như sau:

Thank you for the music, the songs I'm singing
Thanks for all the joy they're bringing
Who can live without it, I ask in all honesty?
What would life be without a song or a dance, what are we?
So I say thank you for the music
For giving it to me…

(Cảm ơn bạn đã cho tôi những dòng nhạc, những bài hát mà tôi đang hát
Cảm ơn cho tất cả niềm hạnh phúc mà nó mang lại
Ai có thể sống mà không có nó, tôi thật lòng muốn hỏi?
Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có một ca khúc hay một điệu nhảy, chúng ta sẽ là gì?
Vì vậy tôi chỉ muốn nói cảm ơn bạn đã cho tôi những dòng nhạc
Và đã đưa nó đến với tôi)

Trong tuần vừa qua từ trời Âu sang đất Việt hình như nơi đâu cũng đượm màu tang tóc của những nghệ sĩ đã một thời lừng danh, vang bóng. Từ nữ nghệ sĩ cải lương lão thành, cụ tổ Phùng Há cho đến người đạo diễn sân khấu trẻ tuổi tài cao nhưng quá vắn số Huỳnh Phúc Ðiền. Trên nhiều diễn đàn cũng như qua những lời chia buồn giữa các anh chị em nghệ sĩ, ngày nào tôi cũng nghe và đọc được những cảm xúc tiếc nuối khôn nguôi, thương mến người đã vội đi. Lúc sống đời nghệ sĩ có thể bị gièm pha, phán xét. Nhưng khi qua đời, họ lại là người thường được ưu ái, trân trọng nhất. Bạn có biết tại sao không?
Có lẽ đơn giản là vì một phần trong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn luôn mang đậm hình ảnh của họ. Cho dù chúng ta có lưu lạc đến phương trời nào. Hoặc ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu nhắc đến cái tên Thanh Nga là những kỷ niệm của một thời mê sân khấu cải lương và tiếng đàn bầu réo rắt sẽ ùa về. Tiếng Trống Mê Linh. Thái Hậu Dương Vân Nga. Những ai lớn lên ở Việt Nam vào gần cuối thập niên 70 sẽ hiểu tâm trạng của tôi đang muốn chia sẻ những gì. Cũng như những ai lớn lên ở hải ngoại vào giữa thập niên 80 sẽ hiểu ý tôi muốn nói gì khi nhắc đến hai chữ “Modern Talking.” Khi những điệu nhạc của ban nhạc này nổi lên là y như rằng tôi sẽ nhớ lại những buổi party sinh nhật được tổ chức dã chiến ngay tại garage của người tổ chức sinh nhật. Dưới ánh đèn chớp tắt của vài ba cái bóng đèn được gắn sơ sài trên vách. Và tiếng trống thập thùng không stereo của giàn loa được mang từ phòng khách ra xài tạm qua đêm.
Ngay cả cách ăn mặc và cảm giác mới lớn được ba mẹ lần đầu tiên cho đi ăn party tôi cũng còn nhớ rõ. Con gái thì quần rộng lùng thùng nhưng ống lại bó sát. Con trai tóc xịt keo ép sát cả hai bên lên cho cao để tạo dáng cho mái tóc được lù xù xõa trước mặt. Ðể tự cho mình là cool. Rất cool.

Thế nhưng ở vào thời điểm ấy, khi tay chân luôn thừa thãi chẳng biết để đâu và mặt vẫn còn đầy mụn, thì có biết mình thích gần ai cũng chẳng bao giờ dám ngỏ lời. Và phải đợi đến lúc có đầy người trên sàn nhảy garage lúc ấy mới dám bước ra đứng bên cạnh để nhún nhảy theo điệu nhạc New Wave của ban nhạc Modern Talking: “You're My Heart,” “You're My Soul,” hoặc “S.O.S For Love.”
Chỉ có âm nhạc mới có thể đưa chúng ta về lại quá khứ nhanh đến thế. Mặc cho vật đổi, sao dời. Hay chính người nghệ sĩ cũng đã thay đổi không còn được như xưa.
Như Michael Jackson.
Có thể đúng là anh đã thay đổi rất nhiều. Từ cách ăn mặc, đời sống gia đình, cho đến diện mạo cá nhân. Nhưng hôm tôi ngồi xem trực tiếp truyền hình ngày tưởng niệm cho anh ở Los Angeles, tôi có cảm giác như tôi và tất cả mọi người vừa được cho lên xe để đi ngược về quá khứ. Ðể dừng lại giữa thập niên 80 lúc anh đang ở trên đỉnh cao của ngọn đài danh vọng. Từ nhạc phẩm “Billie Jean” cho đến “I'll Be There.” “Ben” cho đến “Beat It.” Mỗi bài ca là một kỷ niệm của một thời học sinh trung học. Thơ ngây và vụng dại. Thích sưu tầm hình ảnh của ca sĩ và dán vào folder bài học chỉ để có dịp vào lớp mở ra xem cho đỡ nhớ. Thích xem đi xem lại kiểu anh đi moonwalk để xem mình có thể bắt chước đi được như vậy hay không trước tấm gương ở nhà.
Nhưng có lẽ điều mà làm cho nhiều người thích nhất và nhớ nhất là hình ảnh của tất cả các nghệ sĩ hàng đầu của Mỹ vào năm 1985 cùng hội tụ về đứng chung trong một studio để hát nhạc phẩm “We Are The World” nhằm mục đích gây quỹ cứu giúp người dân Ethiopia lúc ấy đang bị chết đói hàng ngàn, hàng triệu người. Michael Jackson là một trong hai tác giả của bài hát đó. Và nếu như bạn vẫn còn nhớ, sau khi các ca sĩ khác cất lên tiếng hát của họ: Lionel Richie, Stevie Wonder, Tina Turner, Billy Joel, v.v... tiếng hát có một không hai của Michael Jackson đã vang lên. Rất nhẹ nhàng. Rất thanh cao. Rất trong sáng.

We are the world
We are the children
We are the ones who make a brighter day
So let's start giving

....
Nếu đấy không phải là thiên tài thì tôi thật không biết thiên tài nghĩa là gì. Có thể anh không và chưa bao giờ là một người hoàn hảo. Cũng có thể chính anh cũng không nghĩ là anh đã có đóng góp gì nhiều cho âm nhạc, cho đồng loại. Nhưng tôi chắc một điều là trong tuần lễ này có rất nhiều người cũng đang cùng có ý nghĩ như tôi:

Thank you for the music, the songs I'm singing
Thanks for all the joy they're bringing
Who can live without it, I ask in all honesty?
What would life be without a song or a dance, what are we?
So I say thank you for the music
For giving it to me
----------------------------------------------------------------
source
One Viet

No comments:

Post a Comment