Wednesday 12 August 2009

Để tưởng nhớ một nhạc sĩ tài hoa...VĂN PHỤNG: đã hơn 9 năm qua




Để tưởng nhớ một nhạc sĩ tài hoa...VĂN PHỤNG: đã hơn 9 năm qua

Vợ chồng Văn Phụng-Châu Hà

Rất tiếc tôi đã không được gặp nhạc sĩ Văn Phụng vài tháng trước khi ông qua đời vào lúc 6 giờ chiều (giờ miền Đông Hoa Kỳ) tại Fairfax, Virginia ngày 17 tháng 12 năm 1999 sau một cơn hôn mê kéo dài 5 ngày. Trước đó, tôi đã được ông nhận lời tiếp tại căn appartment số 425 trên đường Typring ở Vienna vùng Fairfax là nơi ông và người bạn đời là nữ ca sĩ Châu Hà sống trong một khu nhà dành cho người lớn tuổi.

Mặc dù đã được chị Châu Hà xác nhận cho lần đến thăm này, nhưng vào giờ chót nhạc sĩ Văn Phụng lại phải vào bệnh viện khẩn cấp do tác hại của bệnh tiểu đường đến nhiều bộ phận như thận, tim, gan, vv... bộc phát mạnh từ giữa năm 1998, khiến có lần ông bị “stroke”. Để tưởng nhớ về Văn Phụng nhân dịp kỷ niệm năm thứ 9 ngày ông qua đời, xin gửi đến quí vị một bài viết đặc biệt về người nhạc sĩ bay bướm, đào hoa và cũng rất hào hoa này với tất cả lòng mến mộ dành cho ông...

Nhưng hơn 2 tháng trước khi Văn Phụng ra đi, tôi đã có dịp nói chuyện qua điện thọai với ông và được ông cho biết một số chi tiết liên quan đến cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình một cách khá đầy đủ, mặc dù cuộc nói chuyện phải gián đọan dở dang do ông quá mệt vì những cơn ho nên không đủ sức tiếp tục.

Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng. Ông sinh năm 1930 tại Hà Nội, cùng tuổi với một người bạn thân của ông là nhạc sĩ Nhật Bằng, cũng đã qua đời vào năm 2004. Ông là anh trai cả trong gia đình, có hai người em và một bà chị. Một người em ở tiểu bang Iowa, một người còn ở Việt Nam. Còn người chị của ông đã qua đời từ lâu. Hồi nhỏi ông theo học trường Louis Pasteur và lớn lên theo học trường Albert Sarrault. Ông học rất giỏi, do đó đã đậu Tú Tài 2 Pháp từ khi mới 16 tuổi.

Văn Phụng tỏ ra say mê âm nhạc từ khi còn nhỏ và sau đó may mắn nhận được sự hướng dẫn của hai nữ giáo sư dương cầm nổi danh là bà Perrier và bà Vượng nên mới lên 15 tuổi, ông đã đọat giải nhất về piano với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge” trong một cuộc thi dương cầm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Đến năm 1946, ông tản cư về vùng Chợ Cồn, Nam Định và ở trọ trong nhà thờ Tứ Trùng. Tại đây ông được cha xứ Mai Xuân Đĩnh chỉ dẫn về giáo lý và nhạc lý. Và ông đã theo đạo Công Giáo từ đó. Thân phụ Văn Phụng muốn ông theo học ngành y khoa. Ông chiều ý để theo học ngành này vào năm 18 tuổi, nhưng chỉ theo được đúng một năm thì bỏ dở. Ông tâm sự vì niềm đam mê âm nhạc nơi ông đã lấn át tất cả để chỉ còn biết đến những “nốt” nhạc trên phím dương cầm bằng cách tự học lấy sau khi đã có được một số căn bản.

Qua năm 1948, Văn Phụng về Hà Nội vào thời kỳ tổng động viên nên đã xin gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu, Hà Nội mà theo ông cũng là dịp để tránh việc gia đình bắt theo ngành Y. Trong thời kỳ ở ban quân nhạc từ đó đến năm 1957, Văn Phụng lại có may mắn được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức là Schmetzer hướng dẫn cho về hòa âm nên đã trở thành nhạc sĩ hòa âm cho dàn nhạc đại hòa tấu đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1948 cũng là năm đánh dấu ông cho ra đời nhạc phẩm đầu tay của mình là “Ô Mê Ly”, do Văn Khôi viết lời. Nhạc phẩm này trở thành rất nổi tiếng sau đó qua nghệ thuật hợp ca của ban Thăng Long. Kể từ đó ngoài việc sáng tác nhạc, Văn Phụng còn có thời kỳ chơi nhạc cho một số vũ trường ở Hà Nội mà khách hàng hầu hết là những quân nhân người Pháp.

Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, Văn Phụng cho biết ông đã sáng tác hàng trăm bài, trong số có rất nhiều bài nổi tiếng. Phải kể đến là: “Các Anh Đi” viết năm 1952, “Trăng sáng vườn chè” viết năm 1952, “Tiếng hát với cung đàn”, sáng tác năm 1954. “Tiếng dương cầm” năm 1955, “Ta vui ca vang” năm 1957. “Vó câu muôn dặm” năm1959. “Giã từ đêm mưa” và “Yêu Và Mơ” Năm 1960, “Tôi đi giữa hoàng hôn” năm 63, “Yêu” năm 65, vv...

Ngoài ra còn phải kể đến “Tiếng Hát Với Cung Đàn”. “Ghé Bến Sài Gòn”, Bức Họa Đồng Quê”, “Nhớ Bến Đà Giang”, “Xuân Họp Mặt”, “Trăng Sơn Cước”, “Mưa”, vv... Và đặc biệt ông cho biết đã sáng tác nhạc phẩm “Suối Tóc” do Thy Vân viết lời để tặng riêng cho vợ ông là Châu Hà.

Tiếng hát Châu Hà và tiếng đàn Văn Phụng đã hòa cùng một nhịp điệu vào khoảng năm 56, 57, vài năm sau khi ông “ghé bến Sài Gòn”. Lúc đó Văn Phụng là nhạc trưởng tại đài phát thanh Quân Đội, nơi ông cộng tác một thời gian dài, cùng một lúc còn phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn và đài Truyền Hình Việt Nam. Trong khi đó Châu Hà ở trong thời kỳ đầu tiên đi hát và hợp tác với một số chương trình ca nhạc trong đài phát thanh.

Sau lần gặp gỡ Châu Hà, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm Suối Tóc, cho đến nay chỉ có tiếng hát Châu Hà mới diễn tả trọn vẹn được nhạc phẩm này. Đến năm 1963, ông thành hôn với Châu Hà, thời đó là một thiếu nữ có mái tóc dài thướt tha tuyệt đẹp. Và hai người đã có với nhau hai người con gái, đều cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Tự ví cuộc đời mình như cuộc đời một con bướm, Văn Phụng đã trải qua nhiều mối tình trước khi lập gia đình với Châu Hà. Đời ông là cả một sự bay bướm với những cuộc tình “loạn lên”, như ông nói cũng như đã xác nhận mình có số “ đào hoa”.

Văn Phụng và Kim Tước

Quan niệm của ông về Tình Yêu đã được ông phơi bầy trong nhạc phẩm Tình là một bài “vừa ca ngợi vừa chán nản tình yêu”. Tuy “loạn lên” trong tình yêu, nhưng Văn Phụng chưa hề một lần đau khổ vì tình và “đặc biệt là không bao giờ bị thất tình gì hết cả. Không bị ai bỏ rơi hết cả. Chỉ có tôi bỏ rơi người ta thôi, chứ không có ai bỏ rơi tôi cả”, như ông tâm sự với người thực hiện chương trình này.

Qua lời kể của chị Châu Hà với nhà báo Lê Văn Phúc thì nhạc sĩ Văn Phụng, cao 1 thước 65 và nặng 160 lbs, là một người suốt đời mơ mộng. Ông thích khiêu vũ, đùa vui nghịch ngợm và thích ăn ngon nhưng không thích làm bếp. Ông thích ăn những món như đậu, phở và súp với thói quen luôn xịt thêm tương ớt và “Maggie”. Và đặc biệt thích để vợ hớt tóc ở nhà mà không bao giờ hớt ở tiệm! Đối với vợ con, ông luôn luôn chiều chuộng. Vợ con muốn gì ông cũng làm liền, một cách rất chu đáo. Hoặc trong nhà có gì cần sửa chữa, ông đều tự tay làm lấy.

Xuyên qua nội dung những sáng tác của Văn Phụng, người ta có thể chia thành ba lọai như Quê Hương, Đời Sống và Tình Yêu. Đặc biệt hầu như tất cả đều mang những sắc thái lạc quan và yêu đời. Tuy nhiên với chính ông, Văn Phụng không bao giờ phân loại những nhạc phẩm mình đã viết mà chỉ “có hứng là làm, gặp cái gì làm cái đó” như ông nói. Ông đưa ra thí dụ như khi gặp chị Châu Hà thì ông viết bài “Suối Tóc”. Hoặc khi gặp trường hợp buồn của một người bạn thì ông viết bài “Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu”, hay ông sáng tác ca khúc “Tình” khi muốn gửi chung cho mọi người từng trải qua những thời kỳ yêu đương.

Về những sáng tác của mình, Văn Phụng cho biết ông hài lòng với những ca khúc đã viết. Nhưng ông thích nhất một số như Tiếng Dương Cầm, Trở Về Huế, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Tiếng Hát Với Cung Đàn, vv... Nhưng đặc biệt hơn cả là “Suối Tóc” và “Chán Nản”. Nhạc phẩm sau ông viết từ những năm 72, 73 khi lâm vào một tình trạng ông cho là rất chán nản đối với cuộc đời ông, nhưng hoàn toàn không phải do Tình Yêu mà do một nguyên nhân khác.

Vào những năm cuối của cuộc đời nghệ sĩ, Văn Phụng đã sáng tác được thêm 3 nhạc phẩm khác chưa có lời. Đó là “Vĩnh Biệt Châu Hà”, “Em ở Lại” “Anh Đi”.

Tuy mệt, nhưng Văn Phụng vẫn thốt ra những tiếng cười rất phóng khoáng và cởi mở như bản tính luôn vui vẻ của ông trong lúc nói chuyện. Nhưng khi đề cập về tình trạng bệnh họan của mình, ông đã đổi qua một giọng buồn bã, chán nản. Và có lẽ đây là thời gian ông tỏ ra bi quan nhất trong suốt cuộc đời của mình, một cuộc đời luôn sống trong sự lạc quan, với bản tính vui nhộn và một đầu óc hài hước phong phú.

Từ trong vòng một năm, ông cảm thấy rất chán nản khi lâm vào cảnh ốm đau, ra vào nhà thương rất nhiều lần. Lúc đó tay ông rất đau nên không thể còn đàn được. Mất đi cái thú đó, ông cảm thấy rất đau khổ và chán chường cho bản thân mình. Ông nhớ lại mới trước đó hơn một năm, vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1998, ông đã bước lên sân khấu lần cuối cùng khi xuất hiện trong một chương trình vinh danh ông tại nam California với ban hợp ca Ngàn Khơi và dàn nhạc hợp tấu dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Lê Văn Khoa. Khi đứng trên sân khấu, ông đã nhiều lần cảm thấy lảo đảo muốn ngã. Đó chính là triệu chứng rõ rệt đầu tiên xẩy ra với ông.

Đến tháng 10 cùng năm 1998, ông đã phải vào bệnh viện cấp cứu. Và trừ đó trở đi, tình trạng càng ngày càng trở nên trầm trọng. Văn Phụng vẫn còn nói đùa là “trước đó không lâu tôi còn phây phây. Phây phây như là cây rau muống tươi. Đùng một cái ném vào nước sôi là nó trở thành rau luộc!”

Ngay sau đó, Văn Phụng lại tỏ vẻ chán nản khi đề cập tới bệnh tiểu đường của mình để buông thành câu nói “Bây giờ nói về bệnh tật thì buồn lắm. Không có hy vọng gì cả. Khi nó đã attack mình thì mình cũng như là miếng sắt đã rỉ rồi, không thể làm gì được khác cả. Chỉ có vứt đi thôi”.

Thời gian này, nguồn vui duy nhất của Văn Phụng là mở những băng nhạc cũ để nghe lại những sáng tác của mình, để nhớ về những ngày tháng rất đẹp của những ngày xa xưa trong khi tay trái ông gần như bị tê liệt, không còn có thể sử dụng được piano hoặc guitar. Nhưng nguồn vui đó đã mang đến cho một người có tâm hồn nghệ sĩ như Văn Phụng một nỗi buồn sâu đậm khi sống lại những tháng ngày tuyệt với nhất của ông.

Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến một đảo ở Mã Lai. Sau 5, 6 tháng ở đây gia đình ông đến tiểu bang Virginia, cư ngụ tại Fairfax cho đến giây phút cuối đời. Sở dĩ Văn Phụng chọn Virginia vì ở đây là nơi cư ngụ của thân mẫu Châu Hà, một người em trai của ông và một số người thân thích khác. Ông không muốn sống ở California như đa số nghệ sĩ khác, hơn nữa “ở đây nó mọc rễ ra rồi thành ra khó đi lắm!”

Nhạc sĩ Văn Phụng hẹn sẽ nói chuyện tiếp với tôi vào một dịp khác, nhưng dịp đó không bao giờ đến.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Túc, một người bạn rất thân của Văn Phụng, trước khi hôn mê một ngày, nhạc sĩ Văn Phụng còn có mặt trong một tiệc cưới của một gia đình người bạn thân tại nhà hàng Fortune ở Virginia. Và đó là lần xuất hiện cuối cùng của ông trước khi được Chúa cất đi vào ngày 17 tháng 12 năm 1999. Lễ phát tang của ông đã được tổ chức vào ngày 19 tháng 12 tại Domaine Funeral Chapel ở Sprinfield để sau đó thi hài người nhạc sĩ tài hoa này sẽ được vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng đất ngày 22 tháng 12 năm 99.

Mừng cho Văn Phụng vì ông đã được Chúa cất đi để tránh được sự hành hạ đau đớn về thể xác do bệnh tật gây ra cho một người trước đó đầy những lạc quan, rất ô mê ly, mê ly đời ta” với những lời pha trò và những câu chuyện tếu... (Hình ảnh tài liệu: Nhạc sĩ NGUYỄN TÚC Virginia)

(TVTS – 1188)

source
TiVi Tuan San

No comments:

Post a Comment