Wednesday 12 August 2009

HÀ TRẦN với những phá cách trong âm nhạc


Cập nhật lúc: 7/14/2009 12:32:46 AM
HÀ TRẦN với những phá cách trong âm nhạc


Hà Trần hay Trần Thu Hà

Khi mở đầu cuộc nói chuyện với người viết, Hà Trần tức Trần Thu Hà cho biết cô sẽ rất thoải mái về mọi câu trả lời, không che đậy hoặc dấu diếm điều gì. Điều này thật sự đã được chứng tỏ rõ hơn nữa với bản tính có phần cứng rắn của người nữ ca sĩ có ngoại hình nhỏ nhắn này. Cũng nhân dịp đó, cô ca sĩ trẻ chưa bước vào lớp tuổi 30 này muốn nói rõ về điều cô cho là có khá nhiều khán giả hiểu lầm cô đã bị..."Mỹ hóa" hoặc mang tính "vọng ngoại" đến từ nghệ danh Hà Trần của mình, giống như cách của người Bắc Mỹ khi viết tên Trần Thu Hà của cô.

Đúng ra đây chỉ là một sự trùng hợp, hay cũng có thể coi như một điều báo trước cô cháu của nhạc sĩ Trần Tiến sẽ trở thành một công dân Mỹ sau khi lập gia đình với một người Mỹ gốc Việt cách đây 2 năm...

Hà Trần muốn "giải tỏa" sự hiểu lầm của những người cho là cô bị "Mỹ hoá" hoặc có tinh thần vọng ngoại. Cô cho biết nghệ danh Hà Trần đã do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt cho cô khi cô mới vào Sài Gòn để thu thanh nhạc phẩm đầu tiên ở đây là Cho Người Chút Ơn của ông và “khi em đến nhà ông tặng cái CD đó thì ông rất thích. Ông còn vẽ tranh em nữa. Bức tranh ấy hiện vẫn còn nằm trong những tập nhạc Trịnh Công Sơn. Bức Chân Dung 4 là cái hình của em. Hôm ấy ông đang ngồi trong một cuộc rượu, ông bắt em ngồi làm mẫu cho ông vẽ tranh. Xong rồi quay sang nói với mọi người, trong ấy có nhiều người trong nhóm gọi là Những Người Bạn như Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, vv... Và có thêm cả ông Trần Tiến cũng chơi thân với ông Sơn nữa. Ông ấy nói bây giờ mình cứ gọi Hà là Hà Trần đi để phân biệt với những cô Hà khác. Tại vì ở Việt Nam, những người famous có tên Hà rất nhiều thì tại sao mình không gọi là Hà Trần để phân biệt với những cô Hà khác... Có nghĩa là cô Hà này là cô Hà nhà họ Trần "

Tên Hà Trần do Trịnh Công Sơn đặt sau đó trở thành nghệ danh của Trần Thu Hà. Và chính cô cũng thích được gọi là Hà Trần vì "tiện hơn và chỉ ngắn gọn có 2 chữ".

Hà Trần sinh trưởng tại Hà Nội trong một gia đình nghệ sĩ. Ông bố tên Trần Hiếu của cô là một nghệ sĩ nổi tiếng về nhạc Opéra. Cùng với mẹ cô, hai người đều là giảng viên của Nhạc Viện Quốc Gia Hà Nội, từng hướng dẫn cho nhiều học viên nổi tiếng, trong số có Ái Vân, Lệ Quyên, vv...

Riêng mẹ Hà Trần từng đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa thanh nhạc của Nhạc Viện Quốc Gia trong khoảng thời gian từ 1984 đến 1989. Bà qua đời một thời gian sau đó, khi Hà Trần còn trong lứa tuổi thiếu nhi. Bố Hà Trần dời Hà Nội vào Sài Gòn từ năm 2001. Hiện ông là giáo sư dạy thanh nhạc cho một số trường ở đây, trong đó có Nhạc Viện Thành Phố. Chú của Hà Trần là nhạc sĩ sáng tác nổi danh Trần Tiến với nhiều nhạc phẩm mà ông viết riêng cho giọng hát của cô cháu gái cưng của mình. Và Hà Trần có thể coi là giọng ca diễn tả đạt nhất những ca khúc của ông chú họ Trần.

Khi được 11 tuổi, Hà Trần tham gia vào những hoạt động thanh nhạc của thiếu nhi thành phố Hà Nội. Cô thi vào trường Nghệ Thuật Cao Đẳng ở đây năm 12 tuổi. Một thời gian sau cô theo học tại Nhạc Viện Quốc Gia Hà Nội vào năm 16 tuổi ở lớp trung cấp và sau đó là 4 năm đại học thanh nhạc. Cô tốt nghiệp vào năm 2000.

Trong thời gian học bậc đại học, Hà Trần đã bước chân vào lãnh vực chuyên nghiệp trên những sân khấu lớn từ khi 18 tuổi. Và cũng với những ca khúc của Trần Tiến mà Hà Trần dùng làm nấc thang để bước vào lãnh vực chuyên nghiệp trong lần hát đầu tiên trong "Đêm Nhạc Trần Tiến" được tổ chức tại Nhà Hát Thành Phố Hà Nội khi cô 18 tuổi, được giới thiệu như một khuôn mặt trẻ nhiều triển vọng. Vì đã quen và dạn dĩ với sân khấu từ khi còn nhỏ, Hà Trần không cảm thấy có một sự đặc biệt nào trong lần xuất hiện này. Tuy nhiên cô đã để lại một ấn tượng tốt đẹp nơi khán giả với nhạc phẩm Tóc Gió Thôi Bay trong đêm hôm đó.

Ngay sau buổi trình diễn trong Đêm Trần Tiến, Hà Trần nhận được rất nhiều lời mời trình diễn. Con đường nghệ thuật cô theo đuỗi đã mở rộng trước mặt với những ánh hào quang chói lọi, để sau đó Hà Trần quyết định vào Sài Gòn, là một môi trường rất thuận lợi cho việc gây dựng tên tuổi. Năm đó cô mới 21 tuổi nhưng đã được rất nhiều nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng mời thu thanh những nhạc phẩm của họ như Bảo Chấn, Dương Thụ, Quốc Bảo, vv... Đó là chưa kể cả Trịnh Công Sơn và ông chú Trần Tiến.

Sài Gòn thật ra không còn xa lạ gì với Hà Trần. Từ năm 1994, khi được 17 tuổi cô đã vào đây tham dự cuộc thi hát dành cho sinh viên toàn quốc và đã chiếm được giải đặc biệt. Qua năm sau, một lần nữa cô lại nhận được giải thưởng lớn cũng trong cuộc thi tuyển lựa giọng ca sinh viên toàn quốc.

Tuy quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1998 để chỉ trong một sớm một chiều đã thành danh. Nhưng Hà Trần vẫn thường đi về giữa Hà Nội và Sài Gòn trong khi những nhạc phẩm do cô trình bầy đều chiếm được hạng cao trong các bảng Top Hits của Việt Nam. Và đó cũng là những nhạc phẩm đã gắn liến với tên tuổi cô như Chị Tôi, Phố Nghèo của Trần Tiến, Em Về Tinh Khôi, Bài Tình Cho Giai Nhân của Quốc Bảo cùng một số nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Dương Thu, Bảo Chấn, vv...

Riêng với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, khán thính giả đã thấy Hà Trần thể hiện phần trình diễn của cô trên sân khấu với một phong cách khác, với một sự cảm nhận khác biệt hẳn với những giọng ca trước đó.

Điểm này được Hà Trần giải thích: “tại vì nhạc của ông ấy nói là dễ hát thì cũng đúng. Bảo là khó hát thì cũng đúng. Tức là tùy theo trình độ thưởng ngoạn của từng người. Nhạc Trịnh Công Sơn thậm chí có những người hát Karaoke cũng là hay rồi, không cần phải ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng ngược lại thì cũng chính những bản nhạc người ta hát Karaoke đó, với trình độ của một ca sĩ chuyên nghiệp, với mỗi một người họ sẽ thể hiện một cách hát khác nhau để cho bài hát ấy mang cái dáng vẻ riêng. Chính là vì nhạc Trịnh Công Sơn ai hát cũng được, thành ra đối với em khi hát nhạc của ông phải đem lại một cái gì đó mới. Cũng là một bản nhạc quen, nhưng người ta lại thấy một phong thái thể hiện khác

như là một sự phá cách đó có đuợc khán thính giả chấp nhận ngay không? Tự nhận mình là một trường hợp khác biệt, với chủ trương luôn tìm tòi để đưa những điều mới, điều lạ vào nghệ thuật của mình, Hà Trần cho biết riêng đối với cô khán giả luôn chờ đợi những gì khác biệt khi trình diễn, không phải một sự xuất hiện bình thường.

Sự khác biệt này được cô áp dụng ngay cả với nhũng tác phẩm cô gọi là “kinh điển” của nhạc sĩ họ Trịnh. Đầu tiên, sự khác biệt hay phá cách đó đã gây ra những phản ứng cũng rất... khác biệt nơi khán thính giả: thích và không thích! Nhưng lần hồi, do sự trung thành với con đường đi riêng rẽ của mình, Hà Trần đã tạo được một tầng lớp khán giả riêng của cô. Và lớp khán giả đó luôn đòi hỏi nơi cô một phong cách trình diễn lạ hơn, mới hơn, khác với những hình ảnh quen thuộc.

Hà Trân cho là “Đối với những người ca sĩ khác, nếu họ giữ được cái hình ảnh quen thuộc của họ thì đó là cái cách để họ sống, để tồn tại với nghề nghiệp Nhưng đối với em, giữ cái hình ảnh quen thuộc của mình không phải là thượng sách”.

Trong thời gian đầu tiên định cư tại Hoa Kỳ, Hà Trần cũng đã thử xuất hiện trình diễn với một phong thái cô gọi là ổn định, là cổ điển, với loại nhạc được gọi là "thính phòng". Với phong thái này, cô đã nhận được sự ủng hộ nơi những khán giả lớn tuổi và có trình độ, điển hình như trong lần xuất hiện trên chương trình Paris By Night 76 với nhạc phẩm Khúc Hát Thanh Xuân.

Nhưng hình như thành phần khán giả trẻ từng quen với sự phá cách của cô lại tỏ ra không mấy thích thú để cho đó là “sự đầu hàng của một nghệ sĩ đối với môi trường âm nhạc mới”, hoặc là đã “đánh mất đi những bản sắc riêng của mình”, như cô nói. Đúng ra đó là khoảng thời gian cô muốn thử nghiệm trong cái môi trường mới trong lúc chân ướt chân ráo bước vào làng ca nhạc hải ngoại, cho nên cô muốn “thử một cái gì an toàn nhất” trong bước đầu tiên. Và phong thái cổ điển với loại nhạc thính phòng đã là một phong thái... an toàn hơn cả!

Thích thú và đam mê trong lối phá cách của mình, Hà Trần đã có phong cách trình diễn mới lạ ngay từ khi bắt đầu đi hát. Và đó chính là lý do khiến cô nổi tiếng để trở thành một trong 4 tên tuổi lẫy lừng trong những năm cuối thập niên 90 mà trong nước thường gọi là những "siêu sao" hoặc Diva...

Và cũng có thể Hà Trần nhận thấy mình thua kém những đồng nghiệp ở một, hai khía cạnh nào đó nên đã mạnh dạn dùng những "độc chiêu" của mình để không những bù đắp mà còn có thể vượt trội hơn những người khác trên một góc cạnh khác: Những ca sĩ khác họ có những cái như một nhan sắc lộng lẫy hay là một giọng hát thiên phú quá đẹp. Họ chinh phục khán giả bằng những cái đã có sẵn... .thì đã có rất nhiều những khuôn mặt như thế rồi. Khi em bắt đầ khởi nghiệp, em không thể nào lựa chọn để đi theo, dẫm theo bước chân của những người đã thành danh đó được để tự tìm một con đường riêng..."

Từ hơn 2 năm nay Hà Trần đã trở thành một tiếng hát nằm trong thành phần những nghệ sĩ hải ngoại sau khi cô kết hôn với một thanh niên Mỹ gốc Việt ở San Francisco. Tuy nhiên cô vẫn thỉnh thoảng về Việt Nam tiếp tục trrình diễn trước khán giả trong nước là những người đã có thời vinh danh cô như một siêu sao. Trong khi đó khán giả tại hải ngoại cũng đã dành cho cô một cảm tình ưu ái.

Hà Trần được mời sang Mỹ hát lần đầu tiên vào năm 2002 cùng với Mỹ Linh trong một chương trình do tổ chức VNHelp ở San Jose thực hiện mang mục đích từ thiện. Năm sau cô lại sang Hoa Kỳ xuất hiện trong một số chương trình khác. Vào thời điểm đó sự xuất hiện của Hà Trần còn gặp phải một số khó khăn. Nhưng kể từ tháng 4 năm 2004 sau khi cô chính thức thành hôn với một thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ từ lúc còn ấu thơ, đã cảm thấy được thoải mái hơn so với trước đó không lâu.

Hà Trần và người chồng năm nay 32 tuổi của cô quen nhau trong dịp cô sang San Jose lần đầu tiên. Có thể nói âm nhạc đã là sợi dây liên kết hai người. Vì chồng cô là thành viên trong một ban nhạc Mỹ và sở hữu một trung tâm nhạc nhỏ. Sau khi thành hôn, họ đã sát cánh nhau để tập trung vào việc khai thác Hà Trần Productions, với sản phẩm mới nhất là một CD mang tựa đề "Đối Thoại 06", được tung ra vào tháng 7 năm 2006.

Đây là một sự phối hợp giữa nhạc Việt Nam với phần trình tấu của một ban nhạc Jazz ở San Francisco mang tên The Bay Area Jazz Band trong những nhạc phẩm Trần Tiến và vài nhạc sĩ trẻ người Mỹ gốc Việt. Trước đó trung tâm ThúyNga đã đứng ra phát hành CD đầu tiên do Hà Trần Productions thực hiện mang tựa đế "Sắc Mầu-Tình Ca".

Trước khi sang Mỹ, Hà Trần mới chỉ được học Anh Văn một cách sơ sài qua những giờ học trong những lớp bậc trung học. Nhưng cô đã không gặp phải bỡ ngỡ vì ngay từ đầu đã có dịp tiếp xúc và làm việc với những người sử dụng tiếng Việt. Sau khi lập gia đình với người chồng lớn lên ở đây, với việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên cô đã không gặp mấy khó khăn.

Hà Trần tâm sự là trước khi sang Mỹ cô không hề nghĩ đến việc lập gia đình. Mối quan hệ tình cảm này như vậy có thể coi như một tiếng sét ái tình...

Còn vấn để định cư ở nước ngoài Hà Trần cũng chẳng bao giờ nghĩ tới do tấm lòng chung thủy với thành phố cô sinh ra và lớn lên là Hà Nội...

Nhưng sau khi thành hôn, chồng cô muốn ở Mỹ do công việc đang phát triển ở đây nên Hà Trần chấp nhận. Mặt khác giữa 2 người, cô nhận thấy mình có khả năng thích ứng với môi trường và sinh hoạt mới nhanh hơn chồng cô, tuy còn có tâm hồn Việt Nam, nhưng khoảng thời gian dài gần 30 năm trưởng thành ở đây, nên cách sống đã có nhiều thay đổi như cô nhận xét.

Đám cuới của Hà Trần đã được tổ chức tại khách Daewoo ở Hà Nội với khảng 400 khách tham dự vào ngày 16 tháng 2 năm 2004. Trong khi đó một buổi tiệc nhỏ trong vòng thân mật để ra mắt bạn bè được tổ chức ở Berkley, San Francisco.

Khi còn ở Việt Nam, Hà Trần vẫn thường theo dõi những sinh hoạt ca nhạc Việt Nam ở hải ngoại qua những sản phẩm video. Khi còn nhỏ cô đã là một fan của Tuấn Ngọc. Ra đến hải ngoại cô rất ái mộ giọng hát của Khánh Hà, Lệ Thu và Thanh Hà.

Nhớ về lần đầu tiên sang Mỹ hát, Hà Trần thú nhận là trước đó chưa hề có một khái niệm nào rõ ràng về những sinh hoạt ca nhạc ở hải ngoại, thậm chí còn không biết là ở đây người ta chỉ đi show cuối tuần. Thời đó vẫn nghĩ la nghệ sĩ hải ngoại sinh sống bằng video và bán băng đĩa chứ không biết là có show diễn.

Nhưng sau vài lần trở lại trình diễn, dần dần cô mới có một khái niệm rõ ràng hơn: “À, ở bên đây người ta hát ở trong Casino, trong các cái club. Người ta có những show lớn ở ngoài rạp. Và mình bắt đầu phân loại ra để biết các show ấy nó khác nhau như thế nào và phải cần chọn những bài hát nào, trình diễn thế nào cho phù hợp với những không gian đó".

Hà Trần cho biết thêm: “Lúc đầu người trong nước họ đâu có hiểu. Nhiều nhà báo nói sang bên ấy trình diễn ở Casino thì có gì là vinh dự. Cái đó rất là sai lầm bởi vì các nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ họ cũng tới trình diễn ở đó thôi. Và họ có một hệ thống, một nhà hát trong casino rất là lịch sự, chứ không phải là chui vào một cái xó xỉnh nào đó để mà hát!"

Vào tháng 10 năm 2004, Hà Trần nhận được lời mời hợp tác của trung tâm Thuý Nga để xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình Paris By Night số 76 với nhạc phẩm Khúc Hát Thanh Xuân của Phạm Duy, kế tiếp là chương trình số 78 trong nhạc phẩm Tôi Với Trời Bơ Vơ của Tùng Giang và liên tục cho đến nay, Hà Trần vẫn xuất hiện đều đặn trên những sản phẩm video của Thúý Nga mặc dù cô không ký giao kèo độc quyền mà vẫn giữ cho mình tính cách một ca sĩ “free lance". Do đó cô sẽ nhận lời cộng tác với những trung tâm khác một khi nhận thấy có một nhạc phẩm trình bầy phù hợp.

Về những nhận xét cho rằng có một số ca sĩ nổi tiếng ở VN qua hải ngoại hát thường tỏ ra phách lối và “chảnh”, có nghĩa là kiêu ngạo. Hà Trần cho là cũng có tùy người. Theo cô, thật ra nếu có cũng chỉ do sự thiếu thông cảm và hiểu lầm giữa đôi bên trong thời gian đầu tiên khi “chưa có biết cái lề thói, cái sinh hoạt của nhau”.

Đối với Trần Hà, hai bên đều có những điều không hiểu đúng về nhau, nhưng qua những trao đổi thì sẽ có sự thông cảm. Riêng trong trường hợp của mình, Hà Trần cho biết cô đã gặp được nhiều thuận lợi cũng như được những nghệ sĩ hải ngoại dành cho nhiều cảm tình. Trong trường hợp của mình là như vậy, còn những người khác cô không biết thế nào. Tuy nhiên Hà Trần cho rằng tất cả đều tùy thuộc vào thái độ ứng xử của từng người.

Trong trình trạng hiện nay, nhiều ca sĩ từ trong nuớc ra hải ngoại trình diễn rất nhiều, trong khi số ca sĩ ở hải ngoại về nước hát cũng không còn ít ỏi như xưa. Sự kiện này đã khiến cho môi trường âm nhạc sôi nổi hơn để tạo ra một sự Hà Trần gọi là giao thoa giữa hai bên. Và cũng theo cô, hai bên có hai phong thái khác nhau sẽ sinh ra những sản phẩm có chất lượng hơn. Trong đó chắc chắn có những đóng góp khác, mới và lạ của cô...

(TVTS – 1083)

Tác giả: Trường Kỳ
source TiVi Tuan San

No comments:

Post a Comment